Fed “rờ rẫm” với dữ liệu kinh tế tháng 10

Fed “rờ rẫm” với dữ liệu kinh tế tháng 10

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế tháng 10 của Mỹ bị khuyết do Chính phủ ngừng hoạt động trong nửa đầu tháng 10, vô tình khuấy động lên nhiều tranh luận kinh tế trái chiều.

Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) luôn nói rằng, các quyết định của cơ quan này đều dựa trên các dữ liệu về tình hình kinh tế. Nếu vậy thì trong cuộc họp cuối tháng 10 này, nhiều khả năng Fed sẽ không đưa ra quyết định nào, hay nói cách khác là chính sách nới lỏng định lượng của ngân hàng trung ương này sẽ tiếp tục được duy trì.

Sở dĩ nói Fed sẽ không quyết định việc gì trong tuần tới là bởi hồ sơ của cơ quan này khuyết mất dữ liệu kinh tế tháng 10, do Chính phủ Mỹ đóng cửa mất hơn hai tuần. Đúng ra là vẫn có dữ liệu, nhưng không đầy đủ.

Điều đáng nói là, chính nguyên nhân của việc thiếu dữ liệu lại cũng có thể gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ, do không chỉ có Cục thống kê đóng cửa mà nhiều cơ quan thuộc các lĩnh vực khác cũng ngừng hoạt động. Do vậy, số liệu bị thiếu lại chính là dữ liệu quan trọng, đặc biệt khi dữ liệu việc làm tháng 9, tức là trước khi Chính phủ Mỹ đóng cửa, cũng yếu hơn kỳ vọng đáng kể.

Sự thận trọng của các chính sách gia tiền tệ đã thể hiện từ bây giờ. Một vài quan chức trong cơ quan thiết lập lãi suất của Fed - Ủy ban Thị trường mở (FOMC) - trong đó có cả những người vốn hăng hái ủng hộ việc giảm lưu lượng mua trái phiếu - khẳng định rằng, không có chuyện Fed rút khỏi chương trình kích thích mà chưa biết những ảnh hưởng của việc Chính phủ đóng cửa như thế nào.

“Quan điểm của cá nhân tôi là bây giờ không phải lúc để làm gì cả”, Chủ tịch Fed ở Dallas , Richard Fisher trả lời Hãng tin Reuters trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Ông Fisher được biết đến là một trong những người từ trước đến nay luôn ủng hộ việc cắt giảm gói nới lỏng định lượng (QE).

Charles Evans, Chủ tịch Fed Chicago, người đứng về phía duy trì gói QE, nói với kênh truyền hình CNBC hôm thứ Hai rằng, “có lẽ phải cần thêm vài tháng” để có đủ căn cứ hỗ trợ cho quyết định giảm tốc độ mua tài sản của Fed. “Với thông tin mờ mịt như hiện tại thì tốt nhất là không làm gì”, Evans nói.

Thời gian Fed sẽ bắt đầu cắt giảm gói nới lỏng định lượng thực sự phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế. Những dự đoán gần đây đặt ra thời điểm đầu năm 2014 như là trường hợp khả dĩ nhất. Tuy nhiên, đó dù sao cũng chỉ là phỏng đoán và khả năng Fed làm điều đó ngay cuối năm nay cũng không hẳn là không còn. Chính một số quan chức Fed cũng không hoàn toàn bác bỏ khả năng này.

Nếu như việc thu hẹp gói QE được thực hiện vào tháng 12 thì trước đó, Fed sẽ cần một báo cáo việc làm tháng 11 và báo cáo này phải cho thấy số lượng việc làm tăng vững chắc so với tháng 9 (do không có dữ liệu tháng 10), các dữ liệu hỗ trợ khác cùng bằng chứng cho thấy, thỏa thuận ngân sách buộc phải đạt được trong tháng 1/2014 sẽ không kích hoạt một cuộc khủng hoảng khác.

Sau một năm dài đánh tiếng, trong đó có thông điệp được đưa ra hồi tháng 6 bởi Chủ tịch Ben Bernanke, có 3 căn cứ nổi lên có thể khiến FOMC hành động. Đó là xu hướng cải thiện ổn định của thị trường việc làm, bằng chứng về sự tăng tốc của nền kinh tế, và niềm tin rằng, việc rút khỏi gói QE sẽ không dẫn đến những suy diễn sai lầm là lãi suất sẽ sớm được nâng lên sau đó, khiến lãi suất có thể tăng lên trên thực tế.

Trong cuộc họp tháng 10 này, Fed cũng sẽ tiếp tục cân nhắc thêm về việc thay đổi chính sách truyền thông của mình, mặc dù vấn đề này đã trở nên ít cấp bách hơn. Cho đến giờ, người ta vẫn không rõ là thông điệp “nước đôi” của Chủ tịch Bernanke hồi tháng 6 có phải là một sự lỡ lời hay là một phép thử phản ứng có chủ đích. Trên thực tế, phản ứng với thông điệp của Fed, lãi suất trên thị trường, đặc biệt là lợi suất trái phiếu dài hạn của Chính phủ Mỹ đã không ngừng tăng. Điều này, nếu không được ngăn lại, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến động lực tăng trưởng của kinh tế Mỹ.

Trở lại với vấn đề dữ liệu kinh tế - thông tin đầu vào cho chính sách của Fed. Hiện vẫn còn rất nhiều ý kiến phản đối việc lấy mức 6,5% của tỷ lệ thất nghiệp điều kiện ngưỡng để tăng lãi suất. Nhiều người lo rằng, ngưỡng đó là không dựa trên một căn cứ nào và do đó rất có thể sẽ bị thay đổi, nhưng nếu thay đổi thì sẽ hủy hoại niềm tin của thị trường. Căn cứ 6,5% đang ngày trở nên lung lay khi mà tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang trong xu hướng giảm, nhưng nó lại đi kèm với sự sụt giảm của số lượng việc làm mới.

Một ngưỡng gây tranh cãi khác là tỷ lệ lạm phát. Fed hiện đạt mục tiêu đưa tỷ lệ lạm phát trong nền kinh tế Mỹ lên 2% nhằm có đủ độ nóng để kích thích các chuyển động kinh tế. Tuy nhiên, sau khi nhiều nghìn tỷ đô la bơm vào nền kinh tế, rồi lãi suất ngắn hạn được duy trì ở mức gần không, lạm phát Mỹ vẫn hầu như không nhúc nhích.