Fed “nhón chân” rút, vẫn "ngoái" an ủi thị trường

Fed “nhón chân” rút, vẫn "ngoái" an ủi thị trường

(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) đã đi bước đầu tiên rút khỏi chương trình nới lỏng định lượng (QE), song chỉ bước nhẹ, đồng thời nhấn mạnh về sự tiếp tục của chính sách cung tiền siêu lỏng nhằm xoa dịu thị trường.

Quyết định lịch sử…

Hôm thứ Tư, Fed đã dấn thân vào một nhiệm vụ rủi ro là khép lại kỷ nguyên tiền rẻ. Ngân hàng Trung ương nói rằng, nền kinh tế Mỹ cuối cùng cũng đã đủ mạnh để cơ quan này có thể bắt đầu thu hẹp dần chương trình mua trái phiếu khổng lồ của mình.

Fed đã quyết định giảm 10 tỷ USD giá trị mua tài sản mỗi tháng xuống còn 75 tỷ USD, đồng thời tìm cách xoa dịu nhà đầu tư bằng cách nhấn mạnh, Ngân hàng Trung ương sẽ duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp gần bằng không, thậm chí lâu hơn cả những gì đã hứa.

Tại cuộc họp báo cuối cùng trong cương vị Chủ tịch Fed, ông Ben Bernanke nói rằng, hoạt động mua tài sản có thể chỉ bị cắt giảm ở mức chừng mực trong nhiều tháng của năm tới.

Động thái cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu đã khiến một số nhà đầu tư ngạc nhiên, nhưng không gây sốc như nhiều người lo ngại. Đó là sự thừa nhận triển vọng tốt hơn của nền kinh tế và thị trường lao động. Nó đánh dấu bước ngoặt lịch sử của chính sách tiền tệ lớn nhất từ trước đến nay.

“Nền kinh tế rõ ràng là vẫn còn lâu mới bình phục hoàn toàn”, ông Bernanke nói. “Nhưng chúng tôi hy vọng sẽ nhìn thấy diễn biến tốt dần lên của sự phục hồi và khởi đầu của một thời kỳ tăng trưởng vững chắc hơn”.

Ông Bernanke nói rằng, ông đã trao đổi kỹ về quyết định cắt giảm gói QE với Phó chủ tịch Janet Yellen, người sẽ kế nhiệm ông từ 31/1 tới. “Bà ấy hoàn toàn ủng hộ những gì chúng tôi đã làm hôm nay”, Chủ tịch Fed sắp mãn nhiệm nói.

Các nhà đầu tư đã coi hành động của Fed như một sự xác nhận về triển vọng cải thiện của nền kinh tế. Sau quyết định của Fed, chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh với việc cả hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng đóng cửa ở mức cao nhất trong lịch sử.

Cùng lúc, trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm giá, nhưng không nhiều, do cam kết mạnh mẽ của Fed về việc duy trì mức lãi suất gần bằng không trong một thời gian dài, ngay cả sau khi cắt gói QE.

Fed nói sẽ giảm nhịp mua hàng tháng đối với cả trái phiếu kho bạc và trái phiếu có thế chấp, mỗi loại 5 tỷ USD, bắt đầu từ tháng 1/2014.

“Đó là một thay đổi vừa phải, không phải là một thay đổi lớn, và nó cho thấy Fed không vội vàng”, Scott Clemons, Giám đốc chiến lược của Brown Brothers Harriman Wealth Management nói. “Fed đang sử dụng ngôn ngữ rất thận trọng rằng, họ sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế”.

 

… kết thúc một kỷ nguyên

Công cuộc in tiền vô thiên lủng của Fed đã giúp đẩy chứng khoán lên các mức cao kỷ lục và gây ra sự xáo động đối với các đồng tiền nước ngoài, trong đó có đợt lao dốc tại các thị trường mới nổi hồi đầu năm nay, khi các nhà đầu tư nhìn trước sự kết thúc của kỷ nguyên tiền rẻ.

“Cuối cùng thì họ cũng đã siết lại vòi bơm tiền sau một thời gian dài ‘thả rông’”, Rick Meckler, Chủ tịch Quỹ đầu cơ LibertyView Capital Management ở New Jersey (Mỹ) nhận xét về hành động của Fed.

Fed đã khởi động vòng nới lỏng định lượng lần 3 cách đây 15 tháng, nhằm kích thích hoạt động thuê mướn nhân công và hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế chỉ phục hồi chậm chạp sau suy thoái. Vòng nới lỏng lần đầu được kích hoạt trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Chương trình mua tài sản của Fed, trọng tâm của chính sách thời khủng hoảng, đã để lại cho Ngân hàng Trung ương một bảng cân đối với gần 4.000 tỷ USD trái phiếu, và con đường mà cơ quan này phải đi để rút khỏi chương trình đó đầy rẫy rủi ro, trong đó có nguy cơ lãi suất tăng trở lại và sự mất niềm tin nơi nhà đầu tư.

Để trấn an các nhà đầu tư, Fed nói họ “có sẽ giữ lãi suất qua đêm thấp gần bằng không cho đến khi nào tỷ lệ thất nghiệp giảm về dưới 6,5%, đặc biệt khi lạm phát kỳ vọng vẫn thấp hơn mục tiêu”.

Fed đã duy trì mức lãi suất gần bằng không từ cuối năm 2008. Và động tác trấn an của Ngân hàng Trung ương cũng là để nhấn mạnh lại cam kết trước đó của cơ quan này.

“Những hành động hôm nay của chúng tôi, về tổng thể, gần như không làm thay đổi chính sách cung ứng tiền rẻ”, Chủ tịch Bernanke nói và cho biết, không loại trừ khả năng Fed sẽ ban hành một gói kích thích mới nếu nền kinh tế lại chẳng may sẩy chân.

Ông Bernanke cũng cho biết, các quan chức Fed có thể ủng hộ cam kết lãi suất thấp lâu hơn, thậm chí cắt giảm lãi suất tiền gửi tại Ngân hàng Trung ương để khuyến khích dòng tiền chảy ra nền kinh tế.      

>> Nghĩ về số phận gói QE3 sau đêm nay

>>Cắt gói QE: Mức đồng thuận mới của Fed

>>Hành động của Fed và toan tính từ ECB