Fed lại ám chỉ về gói kích thích mới

Fed lại ám chỉ về gói kích thích mới

(ĐTCK-online) Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke cho biết, Fed sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nếu tăng trưởng kinh tế và tốc độ lạm phát vẫn ở mức thấp như hiện nay.

Trong khi giữ quan điểm rằng sự ảm đạm của nền kinh tế gần đây cuối cùng cũng sẽ qua đi, ông Bernanke vẫn thể hiện sự thiếu tự tin và sẵn sàng hơn trong việc ấp ủ khả năng về một đợt kích thích kinh tế khác.

“Khả năng này sẽ duy trì khi mà có dấu hiệu cho thấy những yếu kém của nền kinh tế có thể sẽ kéo dài hơn dự kiến và những rủi ro giảm phát có thể tái xuất hiện, ám chỉ sự cần thiết của những chính sách hỗ trợ thêm”, ông Bernanake phát biểu với các nhà quản lý của Ủy ban Dịch vụ tài chính.

Để hỗ trợ nền kinh tế, Fed đã đưa ra một chương trình mua trái phiếu chưa từng có trong lịch sử, với việc chi ra 1.700 tỷ USD để mua chứng khoán thế chấp và nợ kho bạc trước khi chương trình này kết thúc vào tháng 3/2010. Sau đó, trong vòng 1 năm qua, cơ quan này đã bắt đầu chương trình thứ 2 kết thúc vào tháng 6 năm nay với 600 tỷ USD trái phiếu đã được mua.

Bernanke đặc biệt lưu ý về các dự báo của Fed vào tháng 6, đặc biệt là báo cáo việc làm ảm đạm hôm thứ Sáu tuần trước. Báo cáo này cho thấy, sự tăng trưởng việc làm cơ bản đã tạm ngừng vào tháng 5 và tháng 6, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 9,2%.

Những hy vọng về việc hỗ trợ tiền tệ hơn nữa đã khiến cho chứng khoán Mỹ tăng hơn 1%, sau đợt sụt giảm mạnh tuần trước do lo ngại về những khoản nợ của châu Âu và nền kinh tế Mỹ suy yếu. Trong khi đó, giá trái phiếu kho bạc và đồng USD đã giảm giá.

Khi được hỏi liệu Fed có sẵn sàng để khởi động một chương trình mua trái phiếu mới nếu nền kinh tế rơi vào khủng hoảng trì trệ, ông Bernanke cho biết: “Chúng tôi đã giữ tất cả các lựa chọn trên trong kế hoạch của mình. Chúng tôi không biết rồi nền kinh tế sẽ đi đến đâu”.

Tiếp tục với việc kích thích kinh tế sẽ không đơn giản. Chương trình mua trái phiếu thứ 2 trị giá 600 tỷ USD kết thúc vào tháng 6 vừa qua, đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều trong giới đầu tư cả trong và ngoài nước khi nó được công bố lần đầu tiên trong tháng 11 năm ngoái.

Một quan chức cấp cao của Fed, ông Richard Fisher, Chủ tịch Ngân hàng Dallas Fed khẳng định, ông này sẽ phản đối bất kỳ ý tưởng nào về một gói kích thích thứ ba, bởi vì thanh khoản tiền mặt hiện không phải là vấn đề và những khoản bổ sung có thể không thúc đẩy hoạt động kinh tế. “Tôi sẽ không ủng hộ những quyết định hỗ trợ về tiền tệ lớn hơn”, Fisher nói.

Đảng Cộng hòa và một số nhà kinh tế đã cáo buộc Fed đặt nền tảng cho lạm phát trong tương lai, trong khi các nhà lãnh đạo nhiều nền kinh tế mới nổi cáo buộc Fed đã phá giá đồng USD.

Bị thúc ép về ngân sách, ông Bernanke đã nhắc lại cảnh báo của mình rằng, một thất bại trong việc nâng trần nợ sẽ tạo ra một cú đánh nghiêm trọng vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

“Cắt giảm các chương trình hoặc tăng thuế theo nhiều cách sẽ làm giảm nhu cầu tổng hợp và sẽ làm chậm sự tăng trưởng của nền kinh tế”, ông nói.

Biên bản cuộc họp tháng 6 của Fed đã cho thấy, một số nhà hoạch định chính sách tin rằng Fed nên sẵn sàng cung cấp nhiều hỗ trợ hơn nữa cho nền kinh tế nếu sự phục hồi yếu đi, việc sẽ làm tăng mối đe dọa của một vòng xoáy đi xuống, gây suy giảm trong giá cả và tiền lương.

Mặc dù những thành viên khác của Ủy ban Thị trường mở của Fed đã cảm thấy nguy cơ lạm phát có thể buộc các ngân hàng trung ương rút kích thích kinh tế sớm hơn so với dự kiến hiện nay.  Nhưng một số nhà đầu tư đã đánh cược rằng, các thành viên của Ủy ban sẽ giành chiến thắng trong việc thúc đẩy cho một chương trình nới lỏng định lượng thứ ba, nếu nền kinh tế tiếp tục xấu đi.

“Phản ứng ban đầu của tôi là ‘QE3, chúng tôi đến đây”, ông Jack Ablin, Giám đốc đầu tư tại Harris Private Bank ở Chicago cho biết. “Chúng tôi nghi ngờ rằng Fed sẽ đưa ra một số loại QE3 trong sự xáo trộn xung quanh các thị trường nợ trái phiếu chính phủ”.

Bernanke đã không đi sâu vào chi tiết liên quan đến châu Âu, nhưng quan điểm của người đứng đầu Fed về triển vọng tăng trưởng rất thận trọng là điều dễ hiểu.

Sau khi hồi phục từ cuộc suy thoái nhanh nhất trong lịch sử bắt đầu vào mùa hè năm 2009, nền kinh tế Mỹ đã bị mất đà dần trong những tháng gần đây. Tổng sản phẩm quốc dân chỉ tăng 1,9% trong ba tháng đầu năm nay và tình hình không tốt hơn là bao trong quý II vừa qua.