Fed: Kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng… làng nhàng

Fed: Kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng… làng nhàng

Hôm thứ Tư (31/7), Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ mức đánh giá nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương không đưa ra thay đổi nào về chính sách tiền tệ.

So với mức “vừa phải” mà Fed mô tả tăng trưởng kinh tế trong báo cáo tháng 6, lần này, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ nói rằng, kinh tế chỉ tăng trưởng ở mức “làng nhàng”, ám chỉ dữ liệu gần đây đã yếu hơn.

Bản thông báo không thay đổi gì cho thấy, cơ quan thiết lập lãi suất - Ủy ban Thị trường mở (FOMC) yên tâm với kế hoạch giảm nhịp mua tài sản trong năm nay, miễn là tăng trưởng đạt mức chấp nhận được. 

Fed nói sẽ giữ nhịp mua tài sản 85 tỷ USD hiện nay và duy trì lãi suất thấp ít nhất cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 6,5%.

Về lạm phát, FOMC thừa nhận, “tỷ lệ tăng chỉ số giá tiêu dùng cứ mãi dưới mức mục tiêu 2% có thể gây rủi ro cho tăng trưởng kinh tế”, nhưng cũng xoa dịu điều này bằng cách đưa ra dự đoán “lạm phát sẽ hướng về mức mục tiêu trong trung hạn”.

Fed lưu ý “lãi suất cho vay thế chấp cao hơn” là một lực cản đối với tăng trưởng, đồng thời nhấn mạnh một lần nữa rằng, “quan điểm của Fed” là lãi suất sẽ cần được tiếp tục giữ ở mức thấp thêm một thời gian đủ dài sau khi cơ quan này dừng mua tài sản.

11 trong số 12 thành viên của FOMC tán đồng quan điểm nói trên. Người duy nhất phản đối là Esther George, Chủ tịch Fed ở Kansas City . Trong số những người ủng hộ lần này có James Bullard, người từng phản đối nghị quyết của FOMC trong tháng 6 vì chưa cảm thấy đủ thuyết phục đối với vấn đề lạm phát thấp.

Tuy vậy, báo cáo của Fed có vẻ ngược với những dữ liệu được công bố mới nhất. Chẳng hạn, tăng trưởng GDP trong quý II mạnh hơn mức dự báo 1% của các nhà phân tích. Kết quả này có được do tiêu dùng và đầu tư tư nhân tăng lên, bù đắp cho những ảnh hưởng từ việc cắt giảm chi tiêu công và kinh tế toàn cầu chậm lại.

Bức tranh lạc quan đó được tăng thêm khi dữ liệu tự động (ADP) về bảng lương cho biết, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 200.000 việc làm trong tháng 7. Số liệu tháng 6 cũng được điều chỉnh lên mức cao hơn. Fed đã cột chặt chính sách của mình với các số liệu việc làm và số liệu của ADP sẽ làm tăng kỳ vọng đối với bảng lương chính thức sẽ được công bố vào cuối tuần này.

“Nền kinh tế đang cải thiện và báo cáo ADP đã góp thêm gam sáng cho bức tranh tăng trưởng”, Eric Green, kinh tế trưởng của TD Securities ở New York ví von. “Con tàu hạ nhịp nới lỏng định lượng đã căng buồm và chỉ có thời tiết xấu mới có thể buộc nó quay về bờ”.

Trong số các dữ liệu được Cục Phân tích kinh tế Mỹ xem xét lại, tăng trưởng GDP của nước này trong quý đầu năm đã được điều chỉnh từ mức 1,8% còn 1,1%. Do đó, quy mô nền kinh tế nhìn chung không thay đổi, nhưng quán tính trong ngắn hạn thì tăng thêm.

“GDP thực tế ghi nhận chỉ tăng thêm 1,4% trong 4 quý vừa qua là rất yếu nếu so với dữ liệu việc làm. Lẽ ra, nó phải tăng ít nhất 3%”, Jim O’Sullivan của High-Frequency Economics ở New York nói. “Chúng tôi vẫn hy vọng GDP sẽ bật lên trong quý III và IV, cho dù tài khóa bị cắt giảm”.

Tiêu dùng đã bổ sung 1,2 điểm phần trăm cho tăng trưởng trong quý II, đầu tư kinh doanh đóng góp 0,6 điểm phần trăm và doanh số bán nhà tạo nên 0,4 điểm phần trăm khác. Chúng bù đắp cho phần thiếu hụt 0,8 điểm phần trăm từ thương mại và một mức giảm nhỏ hơn trong chi tiêu chính phủ.

Các số liệu quý II trở nên mờ nhạt khi Cục Phân tích kinh tế tính toán lại và xác định GDP năm 2012 tăng 3,6%. Cơ quan này đã tính thêm vào GDP các hoạt động nghiên cứu và phát triển, các tác quyền phim ảnh, âm nhạc, cũng như trợ cấp của các công ty. Việc rà soát lại cũng đã phát hiện ra rằng, cuộc Đại suy thoái không trầm trọng như người ta tưởng: quy mô suy giảm trong năm 2009 thực tế chỉ là -2,8% chứ không phải -3,1%, và sự phục hồi trong năm ngoái cũng tốt hơn với tăng trưởng 2,8% thay vì 2,2%.

Trong số những thay đổi khác có dữ liệu về tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư của Mỹ. Điều này sẽ khiến các nhà kinh tế bận rộn trong nhiều năm tới khi thăm lại tất cả các mô hình kinh tế của mình.