Fed kích hoạt, làn sóng hạ lãi suất "chống lại" COVID-19 sẽ lan rộng

Fed kích hoạt, làn sóng hạ lãi suất "chống lại" COVID-19 sẽ lan rộng

(ĐTCK) Trước áp lực kinh tế tăng trưởng chậm lại, Fed đã hành động đặc biệt khi bất ngờ cắt giảm lãi suất nhằm ngăn chặn đà lao dốc của nền kinh tế. Dự báo nhiều nước khác sẽ có hành động tương tự.

Cụ thể, ngày 3/3, Fed đã thông báo cắt giảm lãi suất 0,5% về mức 1-1,25% nhằm mục đích ngăn chặn trước nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Quyết định của Fed được đưa ra trong bối cảnh dịch cúm COVID-19 đang có diễn biến phức tại nhiều quốc gia. Hiện dịch đã lan ra 77 quốc gia, trong đó riêng Mỹ có 106 người nhiễm bệnh, đang đe dọa kinh tế thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng tăng trưởng chậm lại.

Fed kích hoạt, làn sóng hạ lãi suất "chống lại" COVID-19 sẽ lan rộng  ảnh 1

Trước đó, các quốc gia lớn trên thế giới đều công bố chỉ số PMI giảm so với cùng kỳ và hiện đang dưới 50 như Trung Quốc, Hàn quốc, Nhật Bản, châu Âu, Đức, Pháp, Australia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam… Điều này thể hiện sự thu hẹp trong quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ ở nhiều quốc gia lớn trên thế giới.

Mặc dù trong báo cáo ngày 20/2, Mỹ công bố giảm chỉ số PMI từ 51,9 về 50,7, tức vẫn giữ trên 50, nhưng hành động cắt giảm lãi suất của Fed có thể coi là nhằm ngăn chặn trước đà lao dốc của nền kinh tế Mỹ.

Đồng thời, quyết định của Fed cũng sẽ mở ra một làn sóng hạ lãi suất chống lại đà suy giảm từ tác động của COVID-19, đặc biệt tại các quốc gia châu Á, châu Âu - nơi mà dịch đang có dấu hiệu lan rộng.

Nếu như Trung Quốc phần nào cho thấy đang bắt đầu kiểm soát được dịch, thì ở các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Italy, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Singapore, Mỹ, Hong Kong… đã có dấu hiện lan ra. Kết hợp với với chỉ số PMI đang suy giảm về dưới 50, buộc các nhà làm chính sách ở các quốc gia này sẽ sớm hành động cụ thể theo hướng nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia sẽ thực hiện hạ lãi suất mà thay vào đó là các gói kích cầu khác nhau.

Chủ tịch của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố sẽ hành động nếu cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế của khối vì sự bùng nổ của dịch tạo rủi ro cho triển vọng kinh tế và hoạt động của thị trường tài chính. Hiện tại, lãi suất của ECB đang là 0, nếu thực hiện cắt giảm lãi suất sẽ âm, điều này sẽ là thách thức lớn đối với ECB khi lựa chọn gói kích cầu phù hợp.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hiện đang để mức lãi suất là -0,1%. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) hiện đang có lãi suất là 1,25%, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC) đang giữ lại 4,05%.

Như vậy có thể thấy, hiện tại dư địa hạ lãi suất ở một khu vực và quốc gia như châu Âu, Nhật Bản không còn lớn. Vì vậy, các quốc gia này buộc sẽ sớm phải tung ra các gói kích cầu khác thay vì hạ lãi suất âm thêm nữa.

Việc tung ra các gói nới lỏng tiền tệ hoặc chính sách hỗ trợ kinh tế thời điểm này vẫn chưa rõ có giúp kinh tế hồi phục lại được hay không. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, việc làm này sẽ giúp giới đầu tư có thêm kỳ vọng lên thị trường tài chính sau khi chứng kiến sự bán tháo của thị trường toàn cầu thời gian gần đây.

Ngay khi có thông tin về Fed hạ lãi suất, các tài sản như chứng khoán, USD và các tài sản tài chính khác của Mỹ đều cho thấy dấu hiệu giảm giá. Trong khi đó, các tài sản tài chính ở các khu vực khác bật tăng. Điều này có thể thấy giới đầu tư đang đặt kỳ vọng nhất định cho một làn sóng nới lỏng tiền tệ trên diện rộng.

Tin bài liên quan