Fed khiến giới đầu tư sợ hãi

(ĐTCK) Trái ngược với những lần trước đây, hành động giảm lãi suất mạnh và tung gói kích cầu lớn đột ngột lần này của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến giới đầu tư cảm nhận có gì đó không lành.
Ảnh AFP

Ảnh AFP

Ngay trong ngày Chủ nhật (15/3), Fed bất ngờ đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất mạnh 100 điểm cơ bản về mức 0 - 0,25%/năm và cam kết thúc đẩy các chương trình mua trái phiếu với giá trị ít nhất 700 tỷ USD mà không đợi tới kỳ hợp trong tuần này.

Mức lãi suất đưa về bằng với mức lãi suất thấp kỷ lục mà Fed đã áp dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và duy trì tới tháng 12/2015. Đây cũng là lần thứ 2 trong tháng 3 Fed hành động giảm lãi suất một cách đột ngột. Lần đầu giảm 50 điểm cơ bản đầu tháng 3 xuống mức 1 - 1,25%/năm.

Bên cạnh đó, Fed còn thông báo thêm một số hành động, bao gồm việc cho phép các nhà băng có thêm các chiết khấu với thời hạn kéo dài tới 90 ngày và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 0%. Chưa hết, Fed sẽ kết hợp với 5 ngân hàng trung ương khác để giữ vững thanh khoản USD thông qua các hợp đồng ngoại hối.

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed cho biết, tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp tác động tới tính mạng và hoạt động kinh doanh có thể khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý II ở mức yếu và khó có thể chống đỡ trong thời gian dài hơn nếu tác động kéo dài. Điều này khiến vai trò của các chính sách tiền tệ trở nên rõ ràng hơn nhằm tạo bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế.

Thông thường, mỗi lần Fed giảm lãi suất hay tung gói kích cầu, giới đầu tư đều đón nhận một cách hân hoan, giúp chứng khoán tăng vọt, nhưng trong 2 lần gần đây lại khác.

Việc Fed đưa ra quyết định một cách đột ngột với mức cắt giảm lãi suất kỷ lục mà không đợt đến các cuộc họp định kỳ khiến giới đầu tư cảm nhận thấy có gì đó bất thường của nền kinh tế. Giới đầu tư sợ hãi nền kinh tế Mỹ có thể tồi tệ hơn nhiều so với dự đoán bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Do đó, giới đầu tư đã tháo chạy khỏi các thị trường có tính rủi ro cao như chứng khoán, đầy phố Wall có phiên giảm điểm lịch sử trong phiên đầu tuần mới (16/3).

Ngoài ra, việc Apple bị Pháp áp mức phạt kỷ lục 1,1 tỷ euro do vi phạm cạnh tranh khiến cổ phiếu này lao dốc cũng góp phần nhấn chìm phố Wall trong phiên đầu tuần mới.

Thêm thông tin sốc nữa là dữ liệu kinh tế mới nhất từ Trung Quốc cho thấy, sản xuất của nhà máy lao dốc với tốc độ nhanh nhất trong 30 năm. Điều đó đã khơi dậy nỗi sợ hãi về suy thoái kinh tế toàn cầu khi đại dịch làm tê liệt chuỗi cung ứng và đè bẹp tình cảm kinh doanh.

Với mức giảm gần 12%, chỉ số S&P 500 chứng kiến phiên giảm điểm mạnh thứ 3 trong lịch sử chỉ sau phiên “thứ Hai đen” 1987 và phiên sụp đổ tháng 10/1929. Mức đóng cửa trong phiên đầu tuần của S&P cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018.

Kết thúc phiên 16/3, chỉ số Dow Jones giảm 2.997,10 điểm (-12,93%), xuống 20.188,52 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 324,89 điểm (-11,98%), xuống 2.386,13 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 970,28 điểm (-12,32%), xuống 6.904,59 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng không nằm ngoài vòng xoáy bán tháo trong phiên đầu tuần mới không chỉ với các thông tin từ Mỹ, Trung Quốc, mà ngay trong bản thân châu Âu vốn được xem là không biên giới thì nay “vách ngăn” cũng được dựng lên khắp nơi. Nhiều nước áp dụng hạn chế đi lại với châu Âu, trong khi nhiều nước của khu vực đã áp dụng biện pháp phong tỏa để hạn chế sự lây lan của đại dịch.

Tuy nhiên, không như phố Wall, các thị trường chứng khoán châu ÂU lại hãm bớt đà rơi trong ít phút cuối phiên.

Kết thúc phiên 16/3, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 215,03 điểm (-4,01%), xuống 5.151,08 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 489,83 điểm (-5,31%), xuống 8.742,25 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 236,89 điểm (-5,75%), xuống 3.881,46 điểm.

Nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu, nhất là dữ liệu kinh tế tiêu cực của Trung Quốc vừa công bố cũng khiến chứng khoán châu Á tiếp tục có phiên giảm sâu trong ngày giao dịch đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 16/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 429,01 điểm (-2,46%), xuống 17.002,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 98,17 điểm (-3,40%), xuống 2.789,25 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 969,34 điểm (-4,03%), xuống 23.063,57 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 56,58 điểm (-3,19%), xuống 1.714,86 điểm.

Nỗi lo suy thoái kinh tế không chỉ tác động tiêu cực tới chứng khoán, giá dầu mà cả vàng cũng không nằm ngoài vòng xoáy. Dù khủng hoảng giúp làm tăng vai trò trú ẩn của kim loại quý, nhưng nó lại khiến nhu cầu giảm đi, tác động tiêu cực lên giá vàng. Dù vậy, đà giảm của giá vàng trong phiên đầu tuần mới cũng hãm bớt phần nào khi phố Wall bị bán tháo, khiến nhiều nhà đầu tư chuyển dòng tiền sang các kênh khác an toàn hơn, trong đó có vàng. Trong đầu phiên Mỹ, giá vàng có lúc đã bị đẩy xuống sát ngưỡng 1.440 USD/thùng.

Kết thúc phiên 16/3, giá vàng giao ngay giảm 20,4 USD (-1,33%), xuống 1.509,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 30,2 USD (-1,99%), xuống 1.486,5 USD/ounce.

Đại dịch Covid-19 ngày càng tồi tệ khiến giá dầu thô cũng lao dốc mạnh trở lại xuống dưới 30 USD/thùng trong phiên thứ Hai sau phiên hồi phục cuối tuần trước. Trong khi đối mặt với áp lực sức cầu yếu do khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu, giá dầu còn chịu áp lực từ phía cung khi Ả Rập Xê út một lần nữa nhắc lại kế hoạch tăng sản lượng lên mức kỷ lục để tăng thị phần của mình trong cuộc chiến dầu mỏ với Nga.

Kết thúc phiên 16/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 3,03 USD (-9,55%), xuống 28,70 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 3,80 USD (-11,23%), xuống 30,05 USD/thùng.

Tin bài liên quan