Vàng, chứng khoán biến động mạnh, USD giảm giá
Dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát nghiêm trọng trong hơn 2 tháng đầu năm. Tâm lý lo sợ rủi ro khiến vàng có thời điểm tăng lên mốc 1.700 USD/oz - mức đỉnh 7 năm, trong khi chỉ số DXY cũng lên sát mốc 100, đi ngược với quy luật USD tăng thì giá vàng giảm như thông thường.
Bên cạnh đó, một loạt ngân hàng trung ương các nước đã hạ lãi suất kích thích kinh tế. Ðiều này vô tình khiến đồng USD trở thành điểm trú ẩn được giới đầu tư lựa chọn.
Các số liệu kinh tế Mỹ trong 2 tháng đầu năm vẫn cho thấy nhiều điểm sáng, chẳng hạn GDP năm 2019 tăng trưởng khá (2,1%), tỷ lệ thất nghiệp tháng 1/2020 tiếp tục ở mức thấp (3,6%), Mỹ - Trung đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, tình hình dịch Covid-19 tạm thời chưa bùng phát mạnh tại Mỹ (trong khi đã bùng phát và lan mạnh tại nhiều nước).
Tuy vậy, mọi chuyện thay đổi rất nhanh trong tuần cuối tháng 2, dịch bệnh có dấu hiệu lan rộng và khó lường tại Mỹ được dự báo sẽ ảnh hưởng xấu tới kinh tế nước này trong thời gian tới, trong đó chịu ảnh hưởng nhiều nhất là thương mại, tiêu dùng nội địa và đặc biệt là làm đứt gãy chuỗi sản xuất của nhiều tập đoàn của Mỹ.
Trên thị trường, "đồng bạc xanh" bắt đầu phản ứng bằng việc giảm giá, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung đồng loạt giảm mạnh về vùng thấp lịch sử.
Lợi tức trái phiếu của Mỹ kỳ hạn 3 tháng cao hơn khá nhiều lợi tức các kỳ hạn 10 năm trở xuống, đường cong lợi tức dịch chuyển xuống 1 đoạn dài (30-40 điểm phần trăm) và tiếp tục tình trạng đảo ngược.
Trong diễn biến mới, Fed đã lập tức hành động. Không đợi đến cuộc họp thường kỳ tháng 3, Fed đã đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp 50 điểm phần trăm.
Ðây cũng là lần giảm lãi suất bất thường đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, khẳng định các bước đi chính sách quyết liệt để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn khó khăn này.
Tuy nhiên, sau khi quyết định của Fed được công bố, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 3/3 đã quay lại xu hướng giảm điểm, một phần do kỳ vọng của thị trường đã được đáp ứng; một phần vì lo ngại kinh tế Mỹ và thế giới sẽ giảm đà tăng trưởng trong năm 2020 khi diễn biến, tác động của dịch Covid-19 ngày càng rõ nét.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/3, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ (Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq) giảm 2,8-3%.
Dù lãi suất đã được hạ khiến USD suy yếu, nhưng chứng khoán sụt giảm, đồng tiền nhiều nước mất giá, trái phiếu Mỹ vẫn còn hấp dẫn trong tương quan với các kênh đầu tư khác.
Giá trái phiếu Mỹ càng tăng mạnh (lãi suất trái phiếu giảm), đưa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 1% (ở mức 0,999%, giảm 16,4 điểm cơ bản).
Tỷ giá USD/VND mới tăng 0,27%
Tỷ giá VND/USD mặc dù không có áp lực tăng mạnh, nhưng với các nhà điều hành thì bài toán tỷ giá luôn không dễ giải.
Việt Nam có cán cân thanh toán thặng dư giúp giảm bớt sức ép cung cầu ngoại tệ, nhưng áp lực lạm phát luôn là nỗi lo, tạo áp lực tăng.
Ðặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh thì cán cân thanh toán cũng trở lên khó dự đoán hơn so với các năm trước.
Thực tế, tỷ giá VND/USD bật tăng lên vùng giá mới ngay từ đầu tháng 2. Chốt tháng, tỷ giá giao dịch USD-VND trên ngân hàng tăng 40 đồng/USD, lên mức 23.140/23.310 đồng/USD; tỷ giá tự do tăng 50 đồng/USD ở chiều mua vào và 70 đồng/USD ở chiều bán ra, lên mức 23.250/23.270 đồng/USD; tỷ giá trung tâm cũng tăng mạnh, có lúc lên mức đỉnh 23.245 đồng/USD sau đó giảm về 23.224 đồng/USD, tăng 28 đồng/USD trong tháng 2.
“Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD đã tăng 0,27%, nhưng cũng chỉ tiệm cận về vùng tỷ giá tại cuối năm 2018. Tỷ giá về cơ bản chỉ đang hồi lại sau khi giảm trong năm 2019. Dịch bệnh có thể khiến xuất khẩu giảm, nhưng việc nhập khẩu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng cũng đang chậm lại, sẽ không tạo ra rủi ro nhập siêu”, phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần phân tích.
Nhận định này là có sở, bởi theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại tháng 2 ước tính thặng dư 100 triệu USD.
Giải ngân FDI tháng 2 là 850 triệu USD, lũy kế 2 tháng đạt 2,45 tỷ USD - giảm 5% so với cùng kỳ 2019.
Cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn ở trạng thái ổn định, nhưng tâm lý thận trọng gia tăng, thể hiện là chênh lệch tỷ giá mua vào và bán ra của các ngân hàng thương mại, giữa tỷ giá tự do và tỷ giá ngân hàng đều giãn rộng.
Sang tuần này, do tác động của việc hạ lãi suất, USD đã tụt xuống mức thấp nhất 13 tháng khi giới đầu tư lo ngại Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và cuộc chiến dầu khí vừa được Saudi Arabia kích hoạt.
Nhưng tất nhiên, việc giảm giá của USD có thể chỉ là tạm thời, bởi đến sáng ngày 11/3, USD đã quay đầu tăng trở lại từ đáy 13 tháng sau khi có thông tin chính quyền ông Donald Trump sẽ sớm có những biện pháp mạnh tay để kích thích kinh tế.
Dù vậy, việc USD giảm giá cũng mang lại những lợi ích nhất đinh. Theo ông Ngô Ðăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam: “Việc cắt giảm có phần đột ngột có lẽ gây bất ngờ cho thị trường, song thị trường tài chính Việt Nam vẫn tiếp tục vận động theo xu hướng bình ổn, chủ động nhờ vào chính sách điều hành linh hoạt và bám sát các mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Cặp tỷ giá USD/VND hạ nhiệt theo xu hướng chung của thế giới, trong khi lãi suất liên ngân hàng tiếp tục được duy trì ổn định ở mặt bằng tương đối thấp nhờ thanh khoản thị trường dồi dào".
Ðáng chú ý, việc duy trì ổn định tỷ giá đã vô hình chung giúp đồng nội tệ thu hẹp khoảng cách với các đồng tiền trong khu vực, đặc biệt là nhân dân tệ.
Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, nếu như trong giai đoạn 27/2-4/3, 1 nhân dân tệ chỉ đổi được 3.311,77 đồng, thì từ ngày 5/3 đã tăng lên 3.352,21 đồng.
Ðiều này có nghĩa, VND đã mất giá khoảng 1,22% so với nhân dân tệ và sẽ có lợi cho hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu mạnh vì dịch Covid-19.
“Quyết định giảm lãi suất 50 điểm phần trăm của Fed làm USD trên thị trường quốc tế hạ nhiệt, đồng thời sẽ kéo giảm lãi suất USD trong nước, nới rộng chênh lệch lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng.
Các áp lực có thể gia tăng nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi, nhưng nhìn về dài hạn, các công cụ hỗ trợ ổn định tỷ giá vẫn còn nhiều dư địa và vì vậy chưa có cơ sở để lo lắng về sự mất giá của VND.
Diễn biến tỷ giá 2020 sẽ vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan điều hành và tỷ giá nếu có được điều chỉnh thì cũng chỉ dao động quanh mức 1%”, một nghiên cứu của CTCK SSI vừa công bố nhận định.