Diễn biến của chỉ số S&P 500 trước và sau quyết định của Fed

Diễn biến của chỉ số S&P 500 trước và sau quyết định của Fed

Fed giáng đòn mạnh vào thị trường chứng khoán Mỹ

(ĐTCK) Sự bất ổn quay trở lại với TTCK Mỹ sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bà Janet Yellen đưa ra quyết định chưa nâng lãi suất trong tháng 9 này, cùng với lời cảnh báo về triển vọng không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu.

Sau phiên họp kéo dài 2 ngày (16 -17/9), bà Janet Yellen đã tiến hành họp báo để đưa ra quyết định của Fed trong thời điểm hiện tại. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Mỹ thông báo tạm ngừng nâng lãi suất, giữ nguyên các chính sách tiền tệ hiện tại. Thông tin này được đưa ra khi các thị trường châu Á đã bắt đầu vào ngày nghỉ cuối tuần, bởi vậy, TTCK Mỹ và châu Âu là đối tượng đầu tiên thể hiện những phản ứng khá tiêu cực.

5 ngày trước khi Fed đưa ra quyết định, chỉ số Standard & Poor’s 500 (S&P 500) tăng 2,7%, đạt đỉnh 2.000 điểm trong ngày thứ Năm, là mức tăng mạnh nhất trong một ngày kể từ ngày 21/8. Tuy nhiên, đà tăng này đã không còn nghĩa lý gì, khi quyết định của Fed xóa bỏ đi nỗ lực đó, khiến S&P 500 giảm mạnh 1,9%, đóng cửa phiên cuối tuần trước ở mức 1.958,03 điểm, tương đương với mức trung bình của tháng 9.

Trong thông điệp của mình, Chủ tịch Fed cảnh báo rằng, nền kinh tế và tài chính toàn cầu tuy có những tiến bộ đáng ghi nhận, nhưng vẫn duy trì tình trạng trì trệ, trong khi lạm phát hiện ở mức rất thấp. Giới chuyên gia cũng như các nhà đầu tư lập tức cho rằng, nhận định này nhắm tới tình trạng “sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc, đối tượng được xem là nguyên nhân của đà bán tháo mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu, khiến S&P 500 từng quay trở lại vạch xuất phát năm 2011.

“Quyết định của Fed khiến các nhà đầu tư không còn hứng thú để thử nghiệm các cổ phiếu đáng giá khác. Mọi người đã rất kỳ vọng. Thế nhưng, bây giờ tất cả lại quay về điểm xuất phát”, Michael Block, Giám đốc chiến lược tại Rhino Trading Partners LL New York cho biết.

Eric Green, Giám đốc nghiên cứu và quản lý cấp cao của Penn Capital cho biết: “Có mối lo ngại rằng, Fed nhận thấy những điều mà chúng ta không nhìn thấy qua những số liệu. Các nhà đầu tư đã chờ đợi thông tin từ Fed để đưa ra quyết định đầu tư và giờ thì họ sẽ án binh bất động trong vòng 2 tuần trước mỗi cuộc họp của Fed”.

Không chỉ giới đầu tư, một số chuyên gia cũng tỏ ra chán nản. Kevin Mahn, nhân sự cấp cao tại Hennion & Walsh Asset Management Inc cho biết: “Tôi đã kỳ vọng chúng ta có thể bắt đầu tập trung vào những thông tin cơ sở khác của thị trường. Giờ thì trong 3 tháng tới, chúng ta lại sẽ chỉ nói về chuyện Fed sẽ làm gì tiếp theo”.

Các cổ phiếu có lợi trong môi trường lãi suất thấp đương nhiên được hưởng lợi, trong khi cổ phiếu thuộc lĩnh vực tài chính lại chịu “trừng phạt”. Cổ phiếu của ngân hàng và các công ty bảo hiểm đã giảm 3,2% trong ngày cuối tuần sau quyết định của Fed. Tại châu Âu, cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô và ngân hàng dẫn đầu xu hướng giảm, khi chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 1,8%, xóa bỏ đà tăng trong cả tuần.

Dưới đây là phản ứng của một số thị trường tài chính khác đối với quyết định của Fed. 

Trái phiếu

Trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Mỹ có ngày tăng mạnh mẽ nhất trong 1 ngày kể từ năm 2009, trong khi Pacific Investment Management Co cho biết, các nhà chính sách có lẽ sẽ tăng lợi suất trái phiếu trong tuần tới. JPMorgan Asset Management cho rằng, thông điệp từ Fed rất tốt cho trái phiếu và họ đang để mắt tới các trái phiếu có kỳ hạn 7 - 10 năm. 

Tiền tệ

Trước khi quyết định của Fed được đưa ra, chỉ số Bloomberg Dollar Spot (đo sức mạnh của đồng USD so với một số tiền tệ chính khác) tăng 0,7%, sau đó rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 25/8. Theo đó, đồng tiền xanh tăng 1,3% so với euro, lên 1 USD đổi 1,1293 euro, sau đó giảm 1,3%, xuống 1 USD đổi 1,1435 euro trong ngày cuối tuần. Đồng Yên ít có thay đổi so với USD, đứng ở 1 Yên đổi 119,96 USD. 

Các thị trường mới nổi

Theo các chuyên gia, chứng khoán và tiền tệ của các thị trường mới nổi sẽ có các phản ứng phức tạp trước thông tin chưa nâng lãi suất. Chỉ số MSCI Emerging Markets đã giảm nhẹ 0,1%, cắt bớt đà tăng 3% trong tuần trước. Chỉ số Bloomberg đo sức mạnh của 20 loại tiền tệ giảm 0,3% sau 8 ngày tăng liên tiếp.

Hàng hóa

Quyết định của Fed trở thành động lực mạnh mẽ cho đà tăng của vàng, giúp kim loại quý này có được tuần tăng giá đầu tiên trong tháng 9. Trong tuần này, giá vàng đã tăng 3,1%.

Trái ngược với vàng, giá dầu giảm 2 ngày liên tiếp, với giá dầu tương lai tại New York giảm 4,7% và 3,3% tại London. Dầu WTI tiêu chuẩn giao tháng 10 giảm 2,22 USD/thùng, đứng ở 44,68 USD/thùng tại sàn New York Mercantile Exchange, mức giảm mạnh nhất kể từ 1/9. Dầu thô Brent giao tháng 11 giảm 1,61 USD/thùng, kết thúc tuần ở 47,47 USD/thùng tại sàn ICE Future Europe ở London.  

Tin bài liên quan