Ảnh AFP

Ảnh AFP

Fed giảm lãi suất, giới đầu tư lo lắng

(ĐTCK) Sau ít phút hào hứng với quyết định giảm lãi suất của Fed, giới đầu tư cảm nhận rằng, quyết định này mang lại nhiều rủi ro hơn là cơ hội nên đã nhanh chóng bán mạnh, đẩy các chỉ số chính của phố Wall đảo chiều giảm mạnh trong ngày thứ Ba (3/3).

Đúng như dự đoán, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất chuẩn 0,5% xuống còn 1,0 - 1,25%/năm để chống lại sự tác động tiêu cực lên nền kinh tế của dịch Covid-19.

Động thái tích cực của Fed ban đầu tạo sự hứng khởi cho giới đầu tư, giúp các chỉ số chính của phố Wall tăng điểm, nhưng rất nhanh sau đó, các chỉ số đã quay đầu lao dốc khi các phân tích cho rằng, động thái này của Fed mang lại nhiều rủi ro hơn là cơ hội.

Bởi thời gian giảm lần này cho thấy sự cấp bách của Fed, khiến nhà đầu tư nghi ngờ về sự bất ổn nào đó của nền kinh tế. Theo thông thường, đợt điều chỉnh chính sách sẽ được đưa ra trong kỳ họp của cơ quan này và đợt này là ngày 17-18/3 tới đây. Vì vậy, việc Fed đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất đột ngột khiến giới đầu tư lo lắng.

Chủ tịch Fed Jerome Powell sau đó đã tổ chức một cuộc họp báo sau thông báo để giải thích về động thái của Fed. Ông nói rằng, nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh, nhưng sự lây lan của virus nCoV đã làm thay đổi triển vọng tăng trưởng của Fed.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số Dow Jones giảm 785,91 điểm (-2,94%), xuống 25.917,41 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 86,86 điểm (-2,81%), xuống 3.003,37 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 268,08 điểm (-2,99%), xuống 8.684,09 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại bật tăng mạnh khi nhà đầu tư kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế và nới lỏng chính sách tiền tệ của các nước để đối phó với ảnh hưởng của Covid-19 đến nền kinh tế. Mới nhất chính là việc Fed cắt giảm 0,5% đúng như dự báo.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 63,31 điểm (+0,95%), lên 6.718,20 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) tăng 127,52 điểm (+1,08%), lên 11.985,39 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) tăng 59,66 điểm (+1,12%), lên 5.393,17 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh, chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều sau khi có thông tin nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 không đưa ra biện pháp phối hợp nào để kích thích kinh tế, đối phó với Covid-19. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc duy trì đà tăng khi số ca nhiễm mới Covid-19 tại nước này giảm. Chứng khoán Hàn Quốc lúc đầu cũng tăng tốt với kỳ vọng các nước sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế và nới lỏng tiền tệ để đối với Covid-19, nhưng sau đó hạ độ cao khi có thông tin không như kỳ vọng từ G7.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 261,35 điểm (-1,22%), xuống 21.082,73 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 21,97 điểm (+0,74%), lên 2.992,90 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 6,86 điểm (-0,03%), xuống 26.284,82 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 11,64 điểm (+0,58%), lên 2.014,15 điểm.

Việc Fed cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản như dự báo để đối phó với dịch Covid-19 đã tiếp nhiên liệu để giá vàng bay cao trong phiên thứ Ba, lấy lại hết những gì đã mất trong phiên cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 3/3, giá vàng giao ngay tăng 51,0 USD (+3,21%), lên 1.640,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 49,6 USD (+3,11%), lên 1.644,4 USD/ounce.

Quyết định giảm lãi suất của Fed khiến đồng USD giảm 0,4% hỗ trợ cho giá vàng và dầu thô. Giá dầu cũng đã tăng khá tốt sau quyết định này, nhưng cũng giống như chứng khoán, khi cảm nhận có gì đó bất thường với quyết định trên đã khiến nhà đầu tư rụt tay, khiến giá dầu đảo chiều, trong đó giá dầu thô Brent giảm nhẹ, còn đà tăng của giá dầu thô Mỹ chỉ còn ở mức khiêm tốn.

Kết thúc phiên 3/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,43 USD (+0,92%), lên 47,18 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,04 USD (-0,08%), xuống 51,86 USD/thùng.

Tin bài liên quan