Sẽ trở lại cột mốc lịch sử?
Giá vàng trên thị trường thế giới đã tăng trở lại lên trên 1.700 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 7/5 và đạt mức 1.721 USD/ounce trong ngày 8/5. Sự hồi phục của giá vàng xuất hiện sau khi Bộ Lao động Mỹ thông báo toàn nền kinh tế có thêm 3,17 triệu người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước.
Tổng cộng trong 7 tuần gần đây, có 33,5 triệu người Mỹ xin trợ cấp mất việc - một con số cao chưa từng thấy trong lịch sử. Một dữ liệu khác công bố ngày 7/5 cho thấy, năng suất công nhân trong quý I/2020 của Mỹ cũng giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 4 năm trở lại đây.
Sở dĩ giá vàng tăng mạnh trong thời gian gần đây và dự báo còn đi lên thời gian tới, theo giới phân tích lĩnh vực vàng, chủ yếu do tác động bởi dịch bệnh ngày càng lan nhanh trên toàn cầu, nhất là ở khu vực châu Âu và Mỹ.
Dịch bệnh khiến cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Kinh tế suy giảm và khó tránh việc lặp lại khủng hoảng kinh tế như đã diễn ra trong giai đoạn 2008-2009.
Trước tình hình này, Chính phủ Mỹ cũng như các ngân hàng trung ương trên thế giới đã đưa ra nhiều gói cứu trợ cho người dân và nền kinh tế. Một khi lượng tiền đưa ra thị trường lớn sẽ khiến đồng tiền mất giá và là cơ hội cho vàng tăng.
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 đang đẩy kinh tế thế giới vào một đợt suy thoái sâu khiến giới đầu tư tháo chạy khỏi nhiều kênh đầu tư, nên vàng được hưởng lợi.
“Diễn biến dịch Covid-19 không ai có thể đoán được khi nào sẽ chấm dứt trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong trên toàn thế giới tăng từng ngày. Vì thế, để kỳ vọng kinh tế trở lại bình thường trong ngắn hạn là rất khó, chứ chưa nói đến tăng trưởng. Ðó là lý do để các nhà phân tích đưa ra dự báo giá vàng có cơ hội lập đỉnh mới 2.500 USD/ounce năm nay. Nhưng theo tôi, vàng có thể tăng lên 2.000 USD/ounce trong thời gian từ nay đến cuối năm 2020”, ông Khánh nói.
Còn theo quan sát của ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia phân tích tài chính, đáy của giá vàng trong ngắn và trung hạn là 1.450-1.500 USD/ounce.
Vì thế, nếu giá vàng về dưới vùng 1.600 USD/ounce thì có thể mua vào. Bởi về dài hạn, vàng được dự báo tăng, nhất là trước xu hướng giảm của giá dầu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chỉ nên mua khi thị trường điều chỉnh, tránh mua khi giá đang tăng.
Trước xu hướng tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng được dự báo sẽ tăng lên 80 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, theo giới phân tích vàng, mức giá này chỉ có thể đạt được trong những năm tới, chứ không phải trong năm nay, vì vậy đầu tư vàng phải dài hạn.
Thực tế cho thấy, giá vàng trong nước đã có thời điểm tăng lên 50 triệu đồng/lượng trong hơn 1 tháng qua.
Một kịch bản khá khiêm tốn đưa ra, giá vàng thế giới có thể vượt 1.800 USD/ounce. Còn nếu tích cực hơn thì giá vàng thế giới có thể trở lại mức kỷ lục 1.921 USD/ounce được xác lập vào ngày 6/9/2011, thậm chí cao hơn, nên khả năng giá vàng trong nước vượt qua mức 50 triệu đồng/lượng không phải không có cơ sở.
Hầm trú ẩn trong đại dịch
Một trong những nguyên nhân khiến giá vàng tăng mạnh đó là Chính phủ Mỹ đưa ra các gói cứu trợ kinh tế trước diễn biến dịch covid-19. Ðiều này khiến nhà đầu tư lo ngại việc USD tiếp tục giảm giá và tìm đến vàng.
Một số quỹ đầu tư lớn nhất thế giới đã tăng đặt cược vào vàng với dự đoán các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới sẽ kéo giảm giá trị của các đồng tiền lớn.
Caxton, một trong những quỹ đầu tư vĩ mô lâu đời nhất thế giới, đã hưởng lợi từ việc đặt cược vào giá vàng thông qua các hợp đồng tương lai và hợp đồng EFP (cho phép hoán đổi hợp đồng tương lai thành hàng hóa vật chất).
Tài sản quỹ toàn cầu và vĩ mô của Caxton tăng lần lượt 15% và gần 17% kể từ đầu năm nay. Vàng từ lâu được xem là tài sản giúp chống lại lạm phát tăng và là nơi trú ẩn của giới đầu tư trong giai đoạn căng thẳng như đại dịch Covid-19 hiện nay.
Thực tế, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã gom vàng từ 2 năm qua. Năm 2019, theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua khoảng 700 tấn vàng - nhiều nhất trong 6 năm qua.
Còn các quỹ đầu tư vàng trên thế giới đang nắm giữ khoảng 3.000 tấn vàng - cũng là con số lớn nhất. Theo khảo sát của Hội đồng vàng thế giới, các quỹ đầu tư này không có nhu cầu bán vàng thời gian tới. Như vậy, không cần tính đến động thái mua vào, chỉ cần các quỹ đầu tư không bán ra cũng là yếu tố tác động tích cực lên giá vàng.
Giới phân tích nhận định, trong trung - dài hạn, vàng vẫn là hầm trú ẩn an toàn và cơ hội tăng giá lớn. Hiện vàng được xem là một kênh đầu tư an toàn trước bối cảnh khủng hoảng kinh tế vì dịch bệnh. Dự báo giá vàng sẽ còn tăng cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát.
Theo ông Phan Dũng Khánh, nếu sẵn có tiền, nhà đầu tư có thể mua vàng tích trữ để chờ cơ hội tăng giá, kiếm lợi nhuận. Nhưng nếu mua bằng vốn vay, hoặc “lướt sóng” ngắn hạn thì rủi ro cao. Vì vậy, để kiếm được lợi nhuận khi rót vốn vào vàng cần có tầm nhìn dài hạn.
Trong trung và dài hạn, vàng được củng cố mạnh mẽ, bởi các ngân hàng trung ương trên thế giới và Fed cho biết sẽ đẩy một lượng tiền lớn ra thị trường để cứu nền kinh tế và việc mua vàng là một cách để đẩy tiền ra. Ðiều này sẽ tác động lên giá trị của các đồng tiền, từ đó hỗ trợ tích cực cho giá vàng.
Ðồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh cũng cho rằng, nhiều người nghĩ giá vàng đã tăng cao, nhưng các dự báo đưa ra giá vàng còn tăng trong thời gian tới, nên việc bỏ vốn vào mặt hàng kim loại quý này ít nhất cũng đảm bảo được an toàn vốn, kiếm lợi nhuận.
Tuy nhiên, việc “lướt sóng” sẽ rất rủi ro khi giá mua - bán vàng trong nước chênh lệch với giá thế giới còn cao do thị trường vàng trong nước không liên thông với giá thế giới, đồng thời nhà đầu tư cũng không thể giao dịch vàng qua tài khoản theo quy định của Nghị định 24/2012/NÐ-CP.