Fed cố trấn an thị trường về khả năng thắt chặt tiền tệ

(ĐTCK) Với việc Fed đang dần cắt giảm chương trình mua trái phiếu khổng lồ của mình, các nhà hoạch định chính sách bắt đầu thảo luận về giai đoạn tiếp theo với câu hỏi: Khi nào Fed sẽ thu hẹp bảng tổng kết tài sản vốn đã phình rất to của mình, và khi nào sẽ tăng lãi suất?
Fed cố trấn an thị trường về khả năng thắt chặt tiền tệ

Trên thực tế, Fed đã cắt giảm quy mô các đợt mua vào trái phiếu của mình hàng tháng, và nếu tiếp tục xu hướng này với những thông điệp đã đưa ra thì thời gian giảm dần đến ngừng hẳn có lẽ không còn dài. Điều này đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ tăng lên và sẽ đánh dấu sự khởi đầu của chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Fed kể từ năm 2004 - 2006.

Tất nhiên, một cú đảo chiều từ nới lỏng sang thắt chặt sẽ gây tác động rất mạnh, không chỉ ở Mỹ mà còn tại nhiều nền kinh tế khác.

Do vậy, sau nhiều cuộc thảo luận với một số nhà hoạch định chính sách, các quan chức Fed đã đề xuất một số dịch chuyển về thời gian tăng lãi suất, thời điểm bắt đầu có thể vào khoảng gần giữa năm sau.

Đồng thời, để tránh thị trường lo ngại về chương trình cắt giảm mua trái phiếu, các thông điệp gần đây được Fed đưa ra đều cố gắng tách bạch chương trình này với kế hoạch nâng lãi suất. Cụ thể là, việc cắt giảm chương trình mua vào trái phiếu không có nghĩa là phải áp dụng chính sách lãi suất ngay sau đó.

“Điều mà chúng ta cần phải hết sức thận trọng về sự kết nối chính sách đó là động thái này không nên bị hiểu sai thành một tín hiệu tăng lãi suất sắp xảy ra, hoặc là cho rằng điều đó ám chỉ chính sách sẽ chặt chẽ hơn những gì mà mọi người mong đợi”, Chủ tịch Fed tại San Francisco John Williams cho biết.

Ông Williams dẫn chứng về bài học hồi tháng 5/2013, thị trường đã “hiểu nhầm” thông điệp của cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke khi ông này đề cập tới việc Fed sẽ bắt đầu chương trình cắt giảm thu mua trái phiếu trong những tháng tới. Thị trường cổ phiếu và trái phiếu sụt giảm mạnh do lo ngại về đợt thắt chặt tiền tệ bắt đầu.

“Điều đó đến bây giờ vẫn chưa xảy ra, vấn đề bây giờ là bất kỳ khi nào chúng tôi có ý định làm gì, mọi người lại suy diễn quá nhiều về nó”, ông Williams nhấn mạnh.

Để tránh những tác động tương tự, từ tháng trước, thông điệp của Fed đã có sự thay đổi khi cho biết sẽ có một “thời gian đáng kể” giữa hành động chấm dứt chương trình thu mua trái phiếu và bắt đầu tăng lãi suất.

Thế nhưng thị trường tài chính luôn nhạy cảm hơn mong đợi. Khi được hỏi, tân chủ tịch Fed Janet Yellen phát biểu rằng khoảng thời gian đáng kể đó có thể là khoảng sáu tháng, và thị trường chứng khoán dường như ngay lập tức bổ nhào!

Sự suy luận sau đó và đến hiện tại vẫn tiếp tục. Hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng, Fed sẽ tiếp tục duy trì bảng cân đối tài sản của mình một thời gian sau khi chương trình mua trái phiếu hoàn toàn kết thúc. Nhưng ở một hướng suy luận khác lại cho rằng, một thông báo về việc chấm dứt chương trình này đồng nghĩa với việc chuẩn bị cho giai đoạn của tăng lãi suất tiếp theo.

“Tôi không chắc Fed sẽ vừa ngừng mua trái phiếu vừa tăng lãi suất ở cùng một thời điểm hay không, cũng có thể Fed sẽ làm từng bước một”, Thomas Costerg, một nhà kinh tế tại Ngân hàng Standard Chartered cho biết .

Trong một diễn biến chính sách mới nhất đầu tuần trước, Chủ tịch Fed Janet Yellen lại lên tiếng xoa dịu những lo ngại về khả năng nâng lãi suất sớm hơn dự kiến và cho biết ngân hàng trung ương vẫn còn dư địa để hỗ trợ nền kinh tế.

Phát biểu tại Chicago, bà Yellen cho biết, thị trường việc làm đang lâm vào tình trạng khó khăn chưa từng thấy, và Fed vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế bằng gói mua tài sản và lãi suất thấp nếu thấy cần thiết.

Kể từ khủng hoảng tài chính đến nay, Fed đã 7 lần thay đổi “định hướng chính sách” và kết quả của tất cả những lần điều chỉnh này là ngân hàng trung ương đã xóa bỏ hoàn toàn hai mục tiêu quan trọng để nâng lãi suất gồm tỷ lệ thất nghiệp 6,5% và lạm phát 2,5%.

Ngay cả thời hạn nâng lãi suất cũng không ngừng biến chuyển từ “giữa năm 2013”, “cuối năm 2014”, “giữa năm 2015” và mới đây nhất là “đầu năm 2015”.

Theo giới phân tích, sự thay đổi thông điệp liên tục của Fed đang cho thấy sự lưỡng lự và chưa đồng nhất giữa các quan chức Fed. Giảm lãi suất bằng 0 từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đến nay là một khoảng thời gian khá dài, và nếu tiếp tục duy trì chính sách tiền rẻ như vậy thì hậu quả gì sẽ diễn ra là điều khó dự đoán.

Tin bài liên quan