James Bullard

James Bullard

Fed chia rẽ về khả năng tăng lãi suất

(ĐTCK) Fed chần chừ trong việc tăng lãi suất, nhưng chính trong nội bộ Fed đang có những tiếng nói mạnh mẽ yêu cầu cơ quan này thắt chính sách chặt tiền tệ hơn.

James Bullard, người đứng đầu Ngân hàng dự trữ St Louis, một trong 12 ngân hàng khu vực chủ chốt của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhận định, việc Ngân hàng Trung ương Mỹ duy trì chính sách lãi suất cực thấp (hiện ở mức gần 0%/năm) là quá lâu, do thị trường lao động của nước này đang có những cải thiện đáng kể.

Theo ông Bullard, Fed đã trì hoãn quá lâu việc tăng lãi suất và ngay cả khi Ngân hàng Trung ương Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất thì nó vẫn ở mức “tương đối lỏng” nếu so với các tiêu chuẩn thông thường.

Mỹ đã tạo ra được 295.000 việc làm trong tháng 2 vừa qua, bất chấp tình hình thời tiết xấu tại nhiều khu vực trên khắp đất nước. Tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm xuống 5,5%, mức thấp nhất kể từ năm 2008. Tính tới mùa Thu năm nay, tỷ lệ thất nghiệp dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống dưới ngưỡng 5%, gần các mức mà Mỹ từng ghi nhận trong giai đoạn những năm 1990 và 2000.

“Chúng ta đang chậm chạp trong tiến trình tăng lãi suất”, ông Bullard nói. Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay đang song hành với dự báo của Fed về dài hạn, trong khi hiệu ứng giá dầu và tỷ lệ lạm phát cũng không xa so với mục tiêu giả định.

Trong bối cảnh đó, ông Bullard, một trong những nhà hoạch định chính sách của Fed, thể hiện sự ủng hộ chính sách tiền tệ thắt chặt hơn bằng cách kết thúc giai đoạn duy trì lãi suất thấp. Quan điểm của ông Bullard được đưa ra trước thềm cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ diễn ra vào tuần tới.

Theo ông Bullard, nếu Fed tăng lãi suất ngay trong tháng 6, thì trong vòng ít nhất 2 năm tới chính sách tiền tệ của Mỹ vẫn sẽ tương đối lỏng vì công đoạn tăng lãi suất phải thực hiện từ từ và phụ thuộc vào các số liệu kinh tế khác.

“Tôi cho rằng, chúng ta cần hành động ngay hoặc càng sớm càng tốt để xây dựng một trật tự lãi suất phù hợp khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển”, ông Bullard nói.

Một số nhà quan sát thời gian qua cũng liên tục hối thúc Fed tiến hành tăng lãi suất trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới, nhân tố có thể ảnh hưởng tới các nhà xuất khẩu Mỹ.

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện chương trình nới lỏng định lượng (QE) bằng cách bơm tiền ồ ạt ra thị trường thông qua việc mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp cũng kéo giá trị đồng USD tăng vọt so với euro.

Chia sẻ về những diễn biến này và để trấn an thị trường, ông Bullard cho biết: “Tôi có thể hiểu tâm lý lo ngại trên các thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, Mỹ có một hệ thống tỷ giá rất linh hoạt và chúng tôi đang nỗ lực điều hành chính sách tiền tệ một cách tốt nhất có thể. Chúng ta sẽ duy trì tỷ giá hối đoái ở mức cân bằng với các thị trường quốc tế”.

Một số nhà phân tích cũng cho rằng Fed nên tăng lãi suất khi tiền lương của người lao động Mỹ được cải thiện hơn, song theo ông Bullard, đây không phải là lý do chính để ông khuyến nghị tăng lãi suất. Người đứng đầu Ngân hàng St Louis cho rằng, tiền lương là một chỉ dấu có độ trễ và nó không phải là nhân tố hàng đầu của lạm phát, nhất là khi mức tăng thu nhập hiện nay của người dân Mỹ chưa thể so với giai đoạn năm 1990, khi mức tăng năng suất lao động tại thời điểm đó cao hơn rất nhiều. Những tín hiệu tích cực gần đây về lạm phát đang khuyến khích việc tăng lãi suất.

“Câu chuyện thực tế là triển vọng lạm phát sẽ như thế nào, chứ không phải là mức lạm phát thực sự tại thời điểm cuộc họp của Fed vào tháng 6/2015. Nếu triển vọng lạm phát được đánh giá là khả quan và trở lại mục tiêu đề ra thì đó sẽ là cơ sở hợp lý cho việc tăng lãi suất sớm”.

Nhận định về sự phát triển của kinh tế Mỹ trong thời gian tới, ông Bulllard cho rằng, mặc dù số liệu kinh tế giai đoạn đầu năm 2015 thấp hơn một chút so với dự đoán, song nguyên nhân là do những tác động tạm thời của thời tiết xấu khu vực miền Đông Bắc đất nước. Kinh tế Mỹ sẽ phục hồi trở lại trong quý II/2015, giống như những gì Mỹ đã đạt được giai đoạn cuối năm 2014.

Tin bài liên quan