1 Khái niệm công nghiệp hỗ trợ (supporting industry) xuất hiện sau Thế chiến hai, bắt đầu từ Nhật Bản, tiếp đó là Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, các nền kinh tế mà từng bộ phận của sản phẩm được chế tạo ở những địa điểm khác, rồi được lắp ráp tại một nhà máy để tạo ra sản phẩm cuối cùng.
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có chức năng cung ứng linh kiện, phụ tùng và công cụ cho một ngành công nghiệp. Tùy thuộc vào đặc thù của sản phẩm cuối cùng, từng ngành công nghiệp có hệ thống xí nghiệp CNHT riêng. CNHT của ô tô cung ứng sắt thép làm vỏ xe, phụ tùng, linh kiện, săm lốp để tạo ra chiếc ô tô và dịch vụ đầu vào, đầu ra cho quá trình sản xuất và tiêu thụ. CNHT ngành may mặc là sản phẩm của ngành dệt vải, nhuộm, phụ kiện để sản xuất quần áo cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Từ đầu thế kỷ XXI, Chính phủ đã chủ trương phát triển CNHT, hợp tác với Nhật Bản để xây dựng hai khu CNHT ở hai thành phố cảng là Vũng Tàu và Hải Phòng, nhưng sau 13 năm, nước ta vẫn chưa định hình được những sản phẩm CNHT cần tập trung xây dựng trên quy mô cả nước, ở từng vùng kinh tế. Do vậy, giá trị gia tăng của sản phẩm khá thấp, nhiều loại sản phẩm như ô tô, điện thoại di động, điện tử, giày da, dệt may chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp, phần lớn CNHT công nghệ cao do doanh nghiệp FDI thực hiện.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là:
Thứ nhất, chưa có chiến lược đầu tư ưu tiên phát triển một vài loại CNHT quốc gia để tạo ra sản lượng quy mô lớn. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, Malaysia đã tập trung phát triển điện và điện tử (E&E) để phục vụ sản xuất trong nước và tạo ra mặt hàng xuất khẩu chủ lực trên thị trường thế giới, năm 2000 chiếm 57% kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Trong khi đó, Thái Lan khuyến khích FDI vào công nghiệp ô tô, đã thu hút được 17 hãng sản xuất ô tô lớn của thế giới, năm 2012 đạt sản lượng 2,45 triệu chiếc, khoảng 1/2 để xuất khẩu. 635 nhà cung ứng cấp 1 (chiếm 65%) là doanh nghiệp Thái Lan hoặc liên doanh với nước ngoài với cổ phần chi phối là của người Thái; khoảng 1.700 nhà cung ứng cấp 2 là người Thái.
Thứ hai, chính sách phát triển CNHT chưa tạo lập mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, do vậy dù một số TNCs hàng đầu thế giới như Toyota, Honda, Intel, Samsung, Canon đã sản xuất với khối lượng lớn mà vẫn chưa có hệ thống nhà máy CNHT của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo điều tra của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), số linh kiện, nguyên phụ liệu nội địa cung ứng cho sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc và Thái Lan chiếm 50-60%, của Việt Nam chỉ chiếm 27,8% giá trị sản lượng công nghiệp. Do vậy, giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam dao động từ 15 đến 30%, kể cả những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn như may mặc và da giày.
Thứ ba, chưa tạo lập được các mô hình liên kết theo chiều dọc - chuỗi giá trị sản phẩm từ người cung ứng đầu vào - người sản xuất sản phẩm cuối cùng - người phân phối sản phẩm và theo chiều ngang - giữa các nhà sản xuất cùng một loại sản phẩm với sự phân công và hợp tác, để tạo ra năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
2 Là nước công nghiệp hóa đi sau, Việt Nam cần và có thể tận dụng lợi thế về thông tin của những nước đi trước để vận dụng bài học thành công, tránh vết xe đổ, nhằm tìm ra phương thức hữu hiệu trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách thu hút FDI của các công ty đa quốc gia (TNCs) hàng đầu thế giới.
Malaysia và Thái Lan là hai trường hợp điển hình để nghiên cứu. Cả hai nước này đều theo đổi chính sách mở cửa để thu hút FDI, nhưng có sự khác biệt lớn. Trong khi Thái Lan điều chỉnh theo hướng nâng cao chất lượng FDI, thì Malaysia có vẻ tăng cường bảo hộ sản xuất trong nước, điển hình là công nghiệp ô tô. Trong khi Malaysia khuyến khích và bảo hộ nhãn hiệu ô tô Proton của nước này, thì Thái Lan mở cửa cho các hãng sản xuất ô tô lớn thế giới và đưa lại kết quả khác nhau. Nếu ô tô Proton chỉ tiêu thụ nội địa, thì hàng năm, Thái Lan xuất khẩu hơn triệu ô tô, với giá trị gia tăng trên 50%, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Kinh nghiệm của Thái Lan cần và có thể vận dụng vào Việt Nam để tiếp tục mở cửa thu hút các TNCs công nghệ cao với dự án quy mô lớn nhằm phát triển CNHT theo hai bước: thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước đầu tư vào CNHT; tạo lập mối liên kết với doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển CNHT nội địa, tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao.
Để lựa chọn đúng sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển thì cần lưu ý ba yếu tố: nhu cầu CNHT của từng loại sản phẩm của các dự án đang thực hiện và dự báo sẽ thu hút FDI ở nước ta, khối lượng, trình độ công nghệ, địa điểm sản xuất sản phẩm cuối cùng; dự báo sự dịch chuyển CNHT từ Thái Lan, Trung Quốc và Nhật Bản sang Việt Nam trong những năm tới; lợi thế đối với phát triển CNHT các sản phẩm cuối cùng trong nước và dịch chuyển từ một số nước sang Việt Nam.
Không thể đưa ra định hướng chung khi chưa nghiên cứu thị trường một số sản phẩm cần và có thể ưu tiên phát triển CNHT của nước ta và ở một số địa phương.
Khi đã có đủ thông tin về dự báo thị trường (gồm biến động giá cả) trong trung hạn đến năm 2020, thì có cơ sở để quyết định lựa chọn một số sản phẩm ưu tiên, tập trung xây dựng một số CNHT theo hướng chuyên nghiệp hóa với quy mô hợp lý, mỗi khu sản xuất một hoặc hai loại sản phẩm để tiết kiệm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo lập sự phân công và hợp tác giữa các doanh nghiệp cùng sản xuất một loại sản phẩm về công nghệ, lao động kỹ thuật, đào tạo nghề.
3 Một trong nhược điểm lớn của việc thu hút và sử dụng FDI là tác động lan tỏa còn ít. Trong khi các doanh nghiệp trong nước đang cần được giải cứu khỏi tình trạng đình trệ hoặc cần được hỗ trợ để phát triển nhanh hơn, thì mối quan hệ giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được thiết lập vững chắc trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi.
Từ kinh nghiệm thu hút FDI và phát triển CNHT của Thái Lan, có thể hình dung mạng lưới doanh nghiệp CNHT được hình thành theo hai cấp, tùy thuộc vào sản phẩm cuối cùng và năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, nhà cung ứng cấp I chủ yếu là doanh nghiệp FDI đã thiết lập được mối liên kết trong chuỗi giá trị với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng; một phần là liên doanh giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực đáp ứng điều kiện của nhà cung ứng cấp I.
Còn nhà cung ứng cấp II một phần là doanh nghiệp FDI, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp trong nước, vì không đòi hỏi cao như nhà cung cấp cấp I, nên doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước có thể làm vệ tinh cho nhà cung ứng cấp I hoặc trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng.
Bộ Công thương đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích phát triển CNHT, bởi chính sách hiện hành chưa đủ sức hấp dẫn đối với việc phát triển CNHT. Kinh nghiệm Thái Lan, Malaysia đã chỉ ra rằng, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp CNHT không chỉ về thuế, mà còn về tín dụng, tài chính để hỗ trợ tối đa trong giai đoạn đầu có đủ nguồn vốn đầu tư đổi mới hoặc trang bị mới công nghệ hiện đại, bảo đảm yêu cầu sản xuất cả số lượng và chất lượng sản phẩm khi liên kết với doanh nghiệp FDI về CNHT.
Cùng với việc hình thành chính sách khuyến khích phát triển CNHT, thì cần chỉ đạo làm thí điểm mô hình mạng lưới doanh nghiệp CNHT ở một số địa phương có đủ điều kiện như Bắc Ninh, từ đó rút kinh nghiệm, hoàn thiện khung khổ chính sách, mô hình phát triển để áp dụng rộng rãi trong cả nước.