Từ năm ngoái, Ủy ban Châu Âu đã kêu gọi các biện pháp áp thuế dài hạn dành cho những doanh nghiệp Internet xuyên biên giới như Google, Facebook, vốn có doanh thu khủng ở châu Âu nhưng đóng thuế lại rất "khiêm tốn".
Nhận ra những kẽ hở pháp lý đã tạo điều kiện cho các đại gia Internet lách luật nhiều năm, Ủy ban châu Âu đề xuất áp dụng thuế suất lên tới 3% doanh thu, gọi là "thuế dịch vụ số" (Digital Services tax).
Một số quốc gia như Thụy Điển chọn giải pháp quan sát, trong khi đa số các nước như Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh, Áo đang hành động quyết liệt và công bố các dự thảo về luật thuế số mới.
Từ 2015, Anh đã công bố Thuế Lợi nhuận chuyển hướng (hay còn gọi là Thuế Google) nhằm ngăn chặn hành vi chuyển lợi nhuận ra khỏi Anh.
Đến tháng 10/2018, Anh tiếp tục thông báo sẽ triển khai Thuế dịch vụ số tạm thời (DST) với tỷ lệ 2% từ ngày 1/4/2020. Mức thuế suất này sẽ áp dụng với doanh thu của các công cụ tìm kiếm, nền tảng mạng xã hội và chợ thương mại điện tử có doanh thu trên 630,5 triệu USD, như Facebook hay Google.
DST chỉ áp dụng với doanh thu do người dùng tại Anh phát sinh ra, chứ không đánh thuế với kênh bán hàng online. Theo các chuyên gia kinh tế, DST là cách tiếp cận hoàn toàn mới so với phương pháp thu thuế truyền thống, bởi áp thẳng lên doanh thu thay vì lợi nhuận.
Trong khi đó, Pháp và Đức ủng hộ việc áp dụng thuế suất 3% dành cho quảng cáo số. Mức thuế này được coi là đột phá của Liên minh châu Âu sau nhiều năm lúng túng giải quyết nỗi đau đầu mang tên "các ông lớn công nghệ xuyên biên giới".
Cả Google lẫn Facebook hiện kiếm phần lớn doanh thu từ quảng cáo. Năm 2018, tổng doanh thu mà hai đại gia này đạt được lên tới 152 tỷ USD.
Đầu tháng 12, Bộ trưởng Kinh tế Pháp cho biết sẽ chờ EU đến tháng 3/2019 để quyết định đánh thuế các gã khổng lồ Internet Mỹ. Tuy nhiên, sau đó ông tuyên bố: Kể cả khi EU không thông qua thuế số, Pháp vẫn "tự làm một mình".
Dự thảo luật GAFA sẽ được trình lên Chính phủ cuối tháng 2. Mức thuế suất sẽ có sự khác biệt tùy thuộc quy mô doanh thu, với mức cao nhất có thể lên tới 5%.
Khác với Anh, Pháp có thể thu thuế cả phần doanh thu phát sinh từ chợ thương mại điện tử và việc kinh doanh dữ liệu cá nhân của Facebook, Google...
Tây Ban Nha cũng đang có hướng tiếp cận tương tự Pháp khi cũng dự định áp đặt thuế suất 3% lên dịch vụ quảng cáo trực tuyến, dịch vụ trung gian môi giới và kinh doanh dữ liệu cá nhân.
Nhiều năm qua, các hãng công nghệ lớn đã "né" được mức thuế khủng, như Facebook chỉ nộp thuế doanh nghiệp 1,9 triệu euro năm 2017 tại Pháp, dù có tới hơn 34 triệu người dùng bởi phần lớn doanh thu được ghi nhận về Ai-len. Apple cũng nộp khoảng 19 triệu euro tiền thuế cho Pháp năm 2017.
Theo Bloomberg, các chuyên gia kinh tế nhận định thuế số sẽ giúp "bình đẳng" cuộc chơi và luật chơi giữa các đại gia Internet xuyên biên giới với doanh nghiệp châu Âu.