F0 tôi luyện bản lĩnh

F0 tôi luyện bản lĩnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cú lao dốc bất ngờ của thị trường chứng khoán đang là thử thách lớn với các nhà đầu tư F0.

Tự trấn an tâm lý

"Phiên giao dịch đầu tuần cũng đủ làm tôi thấy bảo toàn vốn còn khó, nói chi tới chuyện kiếm lời”. Nhà đầu tư Nguyễn Duy Khoa (Hà Nội) chia sẻ như vậy sau phiên sập mạnh của thị trường hôm 6/7.

Anh Khoa nằm trong lớp nhà đầu tư mới tham gia thị trường đầu năm nay, vẫn được gọi là nhà đầu tư F0. Anh đã kịp kiếm chút lời ngay khi vừa kích hoạt tài khoản đầu tư nhờ rỉ tai của mấy người bạn. Thấy một số cổ phiếu ngân hàng anh từng chốt lãi đã giảm khá mạnh, anh tính mua vào nhưng cảm giác bấp bênh và những thông tin trái ngược trên thị trường khiến anh “run tay”.

Ngược lại, nhà đầu tư F0 khác là chị Trịnh Thu Huyền (Hà Nội) dù đã bay mất gần 300 triệu đồng giá trị tài khoản vẫn tỏ ra khá bình tĩnh, bởi chị vẫn còn giữ được một phần lãi từ trước đó.

“Mình sẽ không để mất hàng như nhiều người hoảng loạn bán tháo, bởi ngay từ đầu khi vào thị trường, nguyên tắc của mình vẫn luôn nhất quán: chỉ chơi bằng tiền “thịt”, không dùng đòn bẩy. Và mình vẫn nghĩ cổ phiếu chỉ đang điều chỉnh và rồi sẽ sớm tăng lại”, chị Huyền tin tưởng.

Tâm lý của anh Khoa hay chị Huyền đang là hai thái cực phản ứng trong nhóm nhà đầu tư F0 trước những biến động bất ngờ của thị trường tuần qua, cũng như phiên 12/7. Dù vậy, trên các room đầu tư không ghi nhận sự hoảng loạn của các F0. Một nhà đầu tư cho biết mới gia nhập thị trường và tạm bay 7,5% NAV với mã BCG.

Khi bạn trẻ này tỏ ra lo lắng, lập tức được trấn an “BCG chia cổ tức 10% bằng tiền mặt, 2% bằng cổ phiếu năm 2021, EPS dự phóng 4.000 đồng, bạn mua giá 13.000 đồng/cổ phần, vậy có gì phải lo ngại?”.

Nếu nhìn bức tranh chung của thị trường, mới thấy nhà đầu tư nào nắm giữ cổ phiếu lúc này đều chịu chung cảnh ngộ. VN-Index đã giảm 73,13 điểm (-5,1%); HNX-Index giảm 21,28 điểm (-6,5%) trong tuần qua. Có thể liệt kê hàng loạt mã giảm 2 con số chỉ trong một tuần, chẳng hạn BSR (-17,2%), OIL (-17,8%), PVS (-16,75%), HSG (-16,4%), NKG (-10,5%), DPM (-11,1%), DCM (-11,4%), NVL (-13%), HCM (-11,7%), VND (-13,6%), SHS (-11,2%), BVH (-10,2%)... Các mã này tiếp tục giảm sâu trong phiên đầu tuần mới (12/7), ngoại trừ PVS hồi phục mạnh 3,8% và NVL hồi phục 1,8%. Cụ thể, BSR (-5,1%), OIL (-5,5%), HSG (-6,9%), NKG (-7%), DPM (-5,9%), DCM (-6,2%), HCM (-7%), VND (-9,6%), SHS (-8,1%), BVH (-5,3%).

Tái cơ cấu danh mục

Đã có trải nghiệm với những phiên bán tháo trước Tết Nguyên đán 2021, một số F0 có phản ứng bình tĩnh hơn và coi đây là cơ hội để tái cơ cấu danh mục. Họ bán những mã được cho là kém tiềm năng và chuyển sang mua các mã có triển vọng kinh doanh tốt nửa cuối năm 2021.

Thực tế cũng cho thấy, thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với tuần trước đó với trung bình khoảng 28.900 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HOSE cũng tăng 8,5% lên 127.223 tỷ đồng. Như vậy, lực cầu vẫn duy trì, bên cạnh các nhà đầu tư run sợ và bán ra cổ phiếu, vẫn có dòng tiền chực chờ để gom vào.

Nhà đầu tư Lê Kế Thọ có nhiều năm tham gia thị trường nhận xét, giai đoạn hiện tại, các nhà đầu tư nên tập trung vào các doanh nghiệp có báo cáo tốt, có kỳ vọng phát triển, thay vì chạy theo dòng tiền, vì dòng tiền thời gian qua mang nhiều tính đầu cơ.

Quan sát của anh Thọ cho thấy, các nhà đầu tư kỳ cựu luôn dành một phần tiền để chờ dịp công bố báo cáo bán niên nhằm chọn mặt gửi vàng, tránh những rủi ro khi phải “dò” đường vì thiếu thông tin.

Trong khi đó, theo nhà đầu tư Nguyễn Đức Linh, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hiệu quả và linh hoạt, một vài phiên rung lắc chỉ đơn thuần phản ánh tâm lý hoảng loạn ngắn hạn trước các thông tin thiếu tích cực. Anh Linh đang thực hiện phân bổ dòng tiền đầu tư hợp lý, thay vì chạy theo tâm lý đám đông, phấn khích hay run sợ thái quá.

Anh phân bổ 30% vốn cho cổ phiếu ngân hàng, 30% cho cổ phiếu các doanh nghiệp sản xuất (nhóm dệt may, thủy sản, xuất khẩu gỗ), 20% dành cho các cổ phiếu doanh nghiệp có kỳ vọng trong tương lai như hàng không, vận tải hàng không, phần còn lại dành cho đầu tư rủi ro. “Một số doanh nghiệp kinh doanh tốt nhưng cổ phiếu chưa chạy. Đây là nhóm cổ phiếu tôi ưu tiên đầu tư”, anh Linh chia sẻ.

Là nhà đầu tư trung hạn, anh không dành nhiều thời gian cho việc trading theo thị trường. Thay vào đó, tập trung vào những cổ phiếu quan tâm, tìm hiểu, mua và “tạm quên” để chờ tăng giá. Nhà đầu tư này chia sẻ kinh nghiệm chọn được cổ phiếu bằng cách đặt mình vào vị trí khách hàng sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp.

Tập trung chọn hàng là các doanh nghiệp xuất sắc, tăng trưởng mạnh và không quá đắt về định giá.

Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Quỹ SGI

Ví dụ, với các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, một mặt anh quan sát xem sản phẩm, dịch vụ có thuộc nhóm được yêu thích sử dụng. Mặt khác, đặt mình vào cương vị khách hàng, có muốn/sẵn sàng bỏ tiền mua sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp? Hành động đầu tư sẽ tương ứng với câu trả lời đưa ra.

Nhà đầu tư Lê Kế Thọ cũng chia sẻ, việc phân bổ đầu tư là điều rất nên làm. Nhóm ngành được đánh giá tiềm năng nhất được anh phân bổ 1/2 tài khoản. Phần còn lại dành cho các cổ phiếu khác và nhóm cổ phiếu thuộc loại “đầu tư mạo hiểm”.

“Cầm cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh các quý tới tăng trưởng và bền vững, cổ tức tốt hơn gửi tiết kiệm thì nhà đầu tư không phải lo lắng. Tôi không cho rằng VN-Index sẽ rớt xuống 1.200 điểm”, luật sư Nguyễn Quang Vinh, một nhà đầu tư lớn nhận định.

“Cứ yên tâm bỏ vốn vào chứng khoán. Tập trung chọn hàng là các doanh nghiệp xuất sắc, tăng trưởng mạnh và không quá đắt về định giá” là lời khuyên của ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Quỹ SGI.

Chuyên gia này cho rằng, nhà đầu tư không nên mất quá nhiều công sức phán đoán thị trường ngắn hạn. Đó là những nỗ lực vô bổ và thậm chí có hại. Chỉ lúc nào cổ phiếu đắt, lên cao quá rồi hãy cân nhắc bán, còn đại đa số thời gian phải giữ các cổ phiếu tốt. 5 năm tới là giai đoạn đặc biệt tốt của kinh tế Việt Nam.

Tin bài liên quan