Cho phóng viên xem danh mục các cổ phiếu đang nắm giữ, chị Nguyễn Hằng Thu thở dài ngao ngán: "Ba tháng trước tiền lãi từ đầu tư cổ phiếu giúp tôi có mấy chuyến du lịch, bây giờ mỗi ngày mở tài khoản ra lại thấy tiền của mình bay đi ít nhiều".
Số tiền vơi đi mỗi ngày của chị Thu hơn 20 triệu đồng không phải là nhỏ với một nhà đầu tư cá nhân F0 như chị. Chị gọi danh mục của mình là nhóm cổ phiếu ì ạch khi quay vòng giảm mãi chưa về bờ.
Có chung một nỗi buồn như chị Thu, anh Trịnh Thanh Hà chia sẻ, mới đầu anh lướt mấy vòng đầu và thắng đậm khi mua cổ phiếu DLG của Công ty cổ phần Đức Long Gia Lai với mỗi lần tài khoản tăng từ 11 - 14%. Tuy nhiên, ở lần đầu tư thứ ba, với tâm lý muốn đánh quả lớn, anh mua vào 30.000 cổ phiếu DLG ở giá 4.450 đồng/cổ phiếu, nhưng kể từ đó, giá cổ phiếu DLG lao dốc không phanh khi cổ phiếu bị HOSE đưa vào diện kiểm soát từ ngày 23/4 do lỗ 2 năm liên tiếp với lỗ lũy kế đến 31/12/2020 là 865,9 tỷ đồng.
Sau chuỗi phiên giảm mạnh, đến phiên ngày 10/5, cổ phiếu DLG tăng trần lên giá 2.860 đồng/cổ phiếu, nhưng còn cách rất xa mức giá anh Hà mua vào. Với mức giá nay, anh Hà đang lỗ 27,8%.
Ngày 10/5, nhiều cổ phiếu penny nhuốm màu đỏ, nhà đầu tư Nguyễn Huy chia sẻ, nguy hiểm của nhà đầu tư F0 với cổ phiếu penny là dù đặt bán giá sàn nhưng vẫn trắng bên mua. Ví dụ, mấy phiên trước đó, cổ phiếu DLG còn dư bán sàn 28 triệu cổ phiếu, còn ROS là 14 triệu cổ phiếu.
“Đầu tư cổ phiếu penny vẫn hút các F0 vì sóng tăng nhanh, nhưng cũng nguy hiểm bởi không kịp thoát hàng đúng sóng dễ bị rớt tàu. Một số F0 đầu tư theo phong trào, thấy môi giới hay đội lái hô vào ITA, SJF, HQC, DLG, ROS…, hay các penny có sóng tăng trưởng cao cũng nhảy vào mua mà không tìm hiểu kỹ về năng lực của từng doanh nghiệp nên rơi vào tình trạng gồng lỗ”, nhà đầu Đinh Sơn cho hay.
Một cổ phiếu penny nữa khiến nhà đầu tư "lên bờ xuống ruộng" là HAG của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Anh Bùi Việt than thở trong room hội đầu tư chứng khoán cá nhân: "Tin đồng đội đu đỉnh HAG 6.200 đồng/cổ phiếu không thoát nổi".
Ngày 23/4, cổ phiếu HAG rơi về 5.040 đồng/cổ phiếu, ngày 10/5 nhích nhẹ lên 5.250 đồng/cổ phiếu, sụt giảm 14% so với giá anh Việt mua vào.
Chia sẻ về cổ phiếu này, một nhà đầu tư phân tích: “HAG vốn chủ sở hữu 10.000 tỷ, nợ 27.000 tỷ, đi bán chuối với trái cây, lãi gộp không đủ trả lãi vay mà sao nhiều người cứ đâm đầu vào mua, chẳng hiểu vì sao!".
Đáng chú ý, HOSE đã có thông báo về việc đưa cổ phiếu HAG từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát. Thời gian áp dụng từ ngày 28/4/2021, theo đó cổ phiếu HAG bị hạn chế về thời gian giao dịch chỉ vào phiên chiều.
Nguyên nhân do lỗ ròng năm 2020 gần 1.256 tỷ đồng, lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2020 hơn 6.302 tỷ đồng, đồng thời Công ty thực hiện điều chỉnh hồi tố số liệu năm 2018 và 2019 dẫn đến lỗ lũy kế hơn 4.766 tỷ đồng.
HAG cho biết, dịch Covid-19 bùng phát làm cho các thông tin về rủi ro của thị trường nông sản và ngành nông nghiệp được biểu hiện rõ ràng hơn.
Một nhà đầu tư thấm đòn đau từ HAG chia sẻ: "Tôi đã “cắt máu” mà mừng rớt nước mắt. Đầu tư 20 triệu, lỗ 4 triệu vẫn thấy nhẹ gánh. Không có duyên với HNG và HAG, sẽ không bao giờ quay lại cổ phiếu này”. Nhà đầu tư này cũng gọi đây là cổ phiếu cục nợ.
Thậm chí, có nhà đầu tư đúc kết một bài học đau thương: “Chơi chứng khoán lời 3 tháng, chỉ 3 ngày thua lại sạch, còn âm vốn”. Chơi dao có ngày đứt tay, nhà đầu tư F0 cần thận trọng khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu penny, đặc biệt những cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát.
Cổ phiếu penny là cổ phiếu của một công ty nhỏ thường giao dịch dưới mệnh giá. Ưu điểm là thị giá nhỏ, đầu tư vào cổ phiếu này có thể đem lại lãi lớn khi giá cổ phiếu tăng những nhà đầu tư cũng phải chịu rủi ro tương ứng. Bởi cổ phiếu penny thường thiếu một thị trường thanh khoản và ít người mua, thậm chí sau khi giá tăng mạnh một đợt có thể bị điều chỉnh sâu và nhà đầu tư không thoát hàng kịp khi bên bán dư hàng chục triệu cổ phiếu giá sàn nhưng lại trắng bên mua. Bên cạnh đó, thông tin về tình hình tài chính của nhóm công ty này cũng ít hoặc có nhiều thông tin chưa tốt ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.