EY Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời xây dựng và triển khai hệ thống Chuẩn mực Kế toán quốc tế

EY Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời xây dựng và triển khai hệ thống Chuẩn mực Kế toán quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 17/9, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) và Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) đã ký kết hợp đồng hợp tác xây dựng và triển khai hệ thống Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS).

Theo hợp đồng được hai bên ký kết, EY Việt Nam sẽ hỗ trợ Tập đoàn Lộc Trời phân tích và xác định khoảng cách giữa Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) đang áp dụng và IFRS sẽ được áp dụng tại Tập đoàn Lộc Trời; đề xuất giải pháp, hệ thống kế toán, mẫu biểu báo cáo tình hình tài chính và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh được điều chỉnh phù hợp với IFRS.

Phối hợp với các bên liên quan để đưa hệ thống tài khoản kế toán theo IFRS vào phần mềm ứng dụng; đồng thời, đào tạo kiến thức chuyên sâu về các chuẩn mực IFRS liên quan và hỗ trợ nhân sự Tập đoàn Lộc Trời trong quá trình áp dụng các chuẩn mực này.

IFRS là ngôn ngữ kế toán chung được hầu hết các doanh nghiệp trên thế giới sử dụng. Việc doanh nghiệp Việt Nam “nói” chung ngôn ngữ với các doanh nghiệp khác sẽ tăng sự minh bạch, cải thiện độ tin cậy của báo cáo tài chính, và góp phần tạo lòng tin với nhà đầu tư, đối tác nước ngoài về bức tranh tài chính của doanh nghiệp.

Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam đã được Bộ Tài chính phê duyệt ngày 16 tháng 3 năm 2020, lộ trình áp dụng IFRS theo đó được chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị (2020 – 2021), Giai đoạn 1 (2022 – 2025) tự nguyện áp dụng, và Giai đoạn 2 (từ sau năm 2025) theo hướng vừa có doanh nghiệp bắt buộc, vừa có doanh nghiệp tự nguyện áp dụng.

Áp dụng IFRS tại Việt Nam là một xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập và phát triển. Do vậy, việc tiên phong chuyển đổi từ VAS sang IFRS sớm sẽ giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt và chủ động hơn trong chiến lược kinh doanh và chiến lược vốn doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, từ cuối năm 2018, Lộc Trời đã tái cấu trúc toàn bộ tổ chức theo hướng số hóa với mục tiêu trở thành tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu khu vực.

“Cùng với việc triển khai hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), chuyển đổi sang IFRS là một trong những bước đi quan trọng trên chặng đường số hóa của chúng tôi”, ông Thuận nói.

“Việc tiên phong áp dụng IFRS sớm hơn so với lộ trình cơ quan quản lý đề ra giúp chúng tôi có thời gian triển khai, đồng bộ các hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Đây là cũng là cơ hội để Tập đoàn Lộc Trời củng cố, đào tạo đội ngũ, cải tiến chất lượng báo cáo tài chính và quản trị doanh nghiệp, từ đó xây dựng quan hệ với đối tác và tìm kiếm nguồn vốn đầu tư phát triển trong tương lai.”

“Áp dụng IFRS không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn tác động tích cực lên toàn bộ nền kinh tế”, ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc, EY Việt Nam, phát biểu tại Lễ ký kết.

“Một trong những nhiệm vụ Chính phủ đặt ra cho ngành chứng khoán Việt Nam là chủ động hội nhập với thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán khu vực quốc tế; bảo đảm tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực tốt nhất, đưa thị trường chứng khoán trong nước từ thị trường cận biên hiện nay thành thị trường mới nổi nhằm thu hút vốn ngoại và đáp ứng nguồn lực phát triển kinh tế. Để làm được điều này, công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết một cách minh bạch và đầy đủ đóng góp một yếu tố quan trọng”.

Ông Lê Vũ Trường, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Kế toán Tài chính, EY Việt Nam, cho biết: “Kinh nghiệm triển khai IFRS thành công ở các quốc gia cho thấy, điều quan trọng là có sự quyết tâm và đồng thuận của ban lãnh đạo và các bộ phận chức năng của doanh nghiệp, cùng với kế hoạch triển khai, đầu tư các hệ thống cần thiết và phân bổ hợp lý các nguồn lực. Chúng tôi luôn chia sẻ kinh nghiệm này với khách hàng, hỗ trợ họ xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp và tối ưu nhất với tình hình của doanh nghiệp.”

Theo thông tin Bộ Tài chính đưa ra trong một hội thảo về IFRS năm 2019, số liệu thống kê của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) cho thấy đến thời điểm 2019 đã có 131/143 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm tỉ lệ 93%) tuyên bố chính thức về việc áp dụng IFRS ở các mức độ khác nhau. Mục tiêu của IASB là tạo ra một hệ thống chuẩn mực kế toán duy nhất, có chất lượng cao, dễ hiểu, dễ áp dụng và được chấp nhận trên toàn cầu.

Tin bài liên quan