Eximbank thay Chủ tịch Hội đồng quản trị ngay trước thềm đại hội cổ đông

(ĐTCK) Trước khi Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2020 dự kiến diễn ra ngày 30/6, ông Cao Xuân Ninh lại có đơn xin từ nhiệm Chủ tịch HĐQT Eximbank. Đây là đơn từ nhiệm thứ ba của ông Ninh.

Theo công bố của Eximbank, ngày 25/6/2020, HĐQT đã tổ chức phiên họp HĐQT, chấp thuận cho ông Cao Xuân Ninh từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT theo nguyện vọng cá nhân.

Đồng thời, HĐQT đã thông qua bầu ông Yasuhiro Saitoh, Phó chủ tịch HĐQT sẽ đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thay ông Cao Xuân Ninh.

Ông Yasuhiro Saitoh sinh năm 1961, quốc tịch Nhật Bản. Ông là Cử nhân Khoa học tại Nhật Bản, cử nhân Chuyên ngành Nhân học văn hóa.

Eximbank thay Chủ tịch Hội đồng quản trị ngay trước thềm đại hội cổ đông ảnh 1

Ông Yasuhiro Saitoh

Ông Saitoh đã từng là nhân viên Marketing - Ngân hàng Mitsui Bank Ltd; Phó tổng giám đốc  AVP - tập đoàn đầu tư thu nhập cố định toàn cầu, Khối Giao dịch thị trường vốn (Tokyo); Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quản lý Rủi ro; Ủy viên Hội đồng Đầu tư tài chính, Ủy viên Hội đồng Tín dụng Trung ương - Eximbank...

Tuy có sự thay đổi liên tục ghế "nóng" Chủ tịch HĐQT gần đây, song Eximbank cho biết, cho đến nay, Ngân hàng đang hoạt động ổn định, hiệu quả và kiểm soát tốt các hoạt động hàng ngày.

Điều này khẳng định HĐQT Eximbank hiện nay với sự dẫn dắt của ông Cao Xuân Ninh đã điều hành có trách nhiệm và hiệu quả trong công tác chỉ đạo, quản trị Eximbank.

Việc này được thể hiện thông qua tổ chức hàng loạt cuộc họp và ban hành nhiều Nghị quyết để thể hiện chức trách được giao phó, chỉ đạo và giám sát hoạt động của Ban điều hành.

Eximbank dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 vào ngày 30/6 tới đây. Cùng ngày, Eximbank cũng sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường.

Việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường này được quyết định sau khi nhận được kiến nghị của nhóm cổ đông lớn và là cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) nắm 15% vốn tại Eximbank.

Theo thư kiến nghị của cổ đông chiến lược, SMBC đã nhiều lần đề xuất tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để bàn về một số vấn đề của Ngân hàng nhưng chưa được giải quyết.

Trước đó, SMBC đã có nhiều văn bản yêu cầu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm mong muốn HĐQT Eximbank sắp xếp thực hiện việc trình bày các vấn đề thuộc năm tài chính 2019 đã bị trì hoãn trong thời gian dài, thêm vào đó là những vấn đề về việc từ chức của ông Yasuhiro Saitoh và xem xét quy mô HĐQT.

Do đó, việc tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường để giải quyết các vấn đề này là nhu cầu cấp thiết nhằm giải quyết xong vấn đề của năm tài chính 2019 trước khi chuyển qua xem xét vấn đề năm tài chính 2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 là điều cần thiết.

Eximbank là ngân hàng đã có sự thay đổi nhiều nhất ở cấp nhân sự "thượng tầng". Trước đó, tại kỳ Đại hội lần 1 năm 2019, ngày 23/3/2019, HĐQT Eximbank đã ban hành Nghị quyết 112 bầu bà Lương Thị Cẩm Tú, giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank thay ông Lê Minh Quốc.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, ông Lê Minh Quốc có đơn gửi Tòa án Nhân dân TP.HCM và tòa đã ra quyết định khẩn cấp tạm dừng thực hiện Nghị quyết 112.

Sau đó đến ngày 22/05/2019, Eximbank tiếp tục biến động nhân sự cấp cao lần nữa khi ban hành Nghị quyết số 238/2019/EIB/NQ-HĐQT về việc bầu ông Cao Xuân Ninh – Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Nhưng chỉ sau hơn 1 tháng ngồi "ghế nóng", ông Cao Xuân Ninh có đơn xin từ chức do các mâu thuẫn, bất đồng giữa các cổ đông/nhóm cổ đông trong nội bộ còn tiếp diễn, chưa thể dung hòa. Tuy nhiên, ông Ninh vẫn điều hành ở vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank trong 1 năm qua.

Dù khẳng định việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo cấp cao đều đúng theo điều lệ và tuân thủ quy định của pháp luật, nhưng ở cả hai lần công bố ghế Chủ tịch HĐQT, Eximbank đều vướng phải những lùm xùm, tranh chấp.

Năm 2020, Eximbank đặt mục tiêu cắt giảm mạnh chi phí hoạt động 326 tỷ đồng (giảm hơn 11% so với kế hoạch ban đầu năm 2020), huy động vốn đạt 147.800 tỷ đồng (giảm 8% so với kế hoạch 2020) và dư nợ cấp tín dụng đạt 122.275 tỷ đồng (giảm 4% so với kế hoạch năm 2020).

Đặc biệt, theo kế hoạch điều chỉnh, chi phí dự phòng đã trích chủ động tăng 414 tỷ đồng so với kế hoạch 2020. 

Với các nội dung điều chỉnh như trên, kế hoạch lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm 10,3%, kế hoạch xử lý các tài sản thế chấp của khách hàng có nợ xấu, nợ VAMC theo kế hoạch đầu năm buộc phải giãn tiến độ sang năm tiếp theo, khiến kế hoạch lợi nhuận Eximbank trước thuế là 1.318 tỷ đồng, giảm mạnh 40% so với kế hoạch đầu năm 2020 nhưng vẫn tăng 22% so với kết quả đạt được năm 2019. 

Tin bài liên quan