Ngày 3/4/2013, Eximbank chi nhánh Đà Nẵng ký hợp đồng tín dụng với CTCP Duy Đại, hạn mức tín dụng là 42 tỷ đồng.
Phía Công ty Duy Đại đưa 7 cơ sở nhà đất của bên thứ 3 vào để làm tài sản bảo đảm. Ngoài ra, Eximbank còn cho vay không có tài sản bảo đảm để thực hiện phương án xuất khẩu (có nguồn thu ngoại tệ về Eximbank tương ứng) thanh toán theo phương thức L/C, D/P, T/T, D/A. Công ty Duy Đại cam kết dùng nguồn thu xuất khẩu để đảm bảo khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Eximbank đã giải ngân và Công ty Duy Đại đã nhận nợ qua 86 khế ước nhận nợ, tổng số tiền hơn 2,2 triệu USD và 48,5 tỷ đồng.
Sau này, Công ty Duy Đại không thực hiện đúng cam kết trả nợ. Đến nay, toàn bộ dư nợ gốc đã quá hạn.
Đến tháng 6/2016, Eximbank và Công ty Duy Đại thống nhất cho bên thứ 3 trả tiền tương ứng với phạm vi bảo đảm là 12,3 tỷ đồng và đã giải chấp một số tài sản bảo đảm.
Hiện còn lại cơ sở nhà đất của ông Phan Ngọc H., Chủ tịch HĐQT Công ty Duy Đại với phạm vi bảo lãnh là 1,8 tỷ đồng.
Tháng 11/2016, Eximbank đệ đơn khởi kiện đòi CTCP Duy Đại 29,5 tỷ đồng dư nợ gốc, 8,9 tỷ đồng nợ lãi. Trường hợp CTCP Duy Đại không trả được nợ thì Eximbank được quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Tại tòa án, vợ chồng ông Phan Ngọc H. cho rằng, họ bị lừa dối. Ngày 1/2/2013, họ ký hợp đồng thế chấp để đảm bảo cho Công ty Duy Đại vay vốn kinh doanh nhưng thực tế, ngân hàng lại sử dụng tài sản để đảm bảo cho nghĩa vụ nợ phát sinh trước ngày 1/2/2013. Trong khi, các khoản nợ trước ngày đó đều là vay nợ tín chấp.
Theo ông H., hợp đồng ngày 3/4/2013 và các khế ước nhận nợ liên quan là để hơp thức các khoản nợ trước đó.
Do vậy, ông H. có yêu cầu độc lập đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng thế chấp là vô hiệu, buộc ngân hàng làm thủ tục giải chấp và trả lại sổ đỏ.
Tuy nhiên, Tòa án cho rằng, ông Phan Ngọc H. là cổ đông sở hữu 25% vốn điều lệ của CTCP Duy Đại. Trước khi vay vốn, Công ty có tổ chức họp HĐQT, ông H. có tham gia.
Cuộc họp thống nhất giao ông Trần Đại Liêm, Giám đốc Công ty giao dịch với ngân hàng vay 50 tỷ đồng, sử dụng một số bất động sản để thế chấp trong đó có nhà đất của ông H.
Quá trình giao dịch, ông H. có ký vào hợp đồng tín dụng cũng như hợp đồng thế chấp.
Sau khi ký hợp đồng tín dụng, Công ty đã nhận nợ tổng cộng 86 khế ước với số tiền gần 100 tỷ đồng. Các khoản nợ hiện còn đều được giải ngân sau thời điểm ông H. ký hợp đồng thế chấp.
Do đó, Tòa án cho rằng, việc ông Phan Ngọc H. đề nghị tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu là không có cơ sở chấp nhận.
Tòa án tuyên buộc CTCP Duy Đại phải trả cho Eximbank 38,5 tỷ đồng nợ gốc và lãi. Trường hợp, Công ty không trả hoặc trả không đủ thì Eximbank được quyền xử lý tài sản bảo đảm của ông Phan Ngọc H. để thu hồi nợ.