Eximbank (EIB) sẽ tiến hành 2 cuộc họp cổ đông trong cùng ngày 30/6

(ĐTCK) Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) vừa có thông báo cho biết, dự kiến ngân hàng sẽ tổ chức cuộc họp đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 vào sáng ngày 30/6 và chiều cùng ngày là họp cổ đông bất thường. Cả hai cuộc họp cổ đông đều diễn ra tại Trung tâm Hội nghị White Palace.
Eximbank (EIB) sẽ tiến hành 2 cuộc họp cổ đông trong cùng ngày 30/6

Trước đó, ngân hàng dự kiến tổ chức họp cổ đông bất thường vào ngày 5/3/2020 và họp ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 22/4. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện quy định giãn cách xã hội, ngân hàng đã thông báo dời thời điểm tổ chức đại hội.

Sau khi xin hoãn cuộc họp dự kiến hôm 5/3 vì Covid-19, đến ngày 17/4/2020, Eximbank đã thông báo bằng văn bản số 231/2020/EIB/TB-HĐQT tới cổ đông lớn SMBC về một số nội dung liên quan đến họp đại hội năm 2020.

Trong đó, Eximbank cho biết đang xin ý kiến của NHNN và đề xuất muốn được tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản đối với các nội dung của đại hội được pháp luật và điều lệ ngân hàng cho phép. Các nội dung còn lại của đại hội bất thường sẽ được bổ sung vào nội dung ĐHĐCĐ thường niên 2020 khi được phép tổ chức. Tuy nhiên, SMBC không đồng ý với phương án lấy ý kiến bằng văn bản.

Ngày 28/4, SMBC đã có phản hồi về thông báo số 231 của Eximbank, cho rằng theo Luật Việt Nam và Điều lệ của Eximbank, 2 trong số vấn đề họp mà SMBC yêu cầu là bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh và cắt giảm quy mô HĐQT, bỏ phiếu "Không bãi nhiệm" hay "Bãi nhiệm" đối với từng thành viên HĐQT phải được quyết định tại một cuộc họp cổ đông và không thể được thông qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.

Do đó, SMBC giữ ý kiến là cần triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường riêng biệt với các cuộc họp cổ đông khác.

Sau phản hồi của SMBC, đến ngày 2/6, Eximbank có văn bản trả lời SMBC và khẳng định Ngân hàng chưa ban hành bất cứ quyết định nào về việc đại hội bất thường thông qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản. HĐQT đã báo cáo và đang chờ ý kiến chỉ đạo của NHNN, cùng các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về việc này.

Eximbank hiện chưa công bố cụ thể các tài liệu về 2 cuộc họp cổ đông. Tuy nhiên, một trong những nội dung quan trọng nhất tại cuộc họp bất thường sẽ là về vấn đề nhân sự.

Đây cũng là vấn đề được các cổ đông nhỏ, lẻ của Eximbank quan tâm. Bởi chính việc nhân sự cấp "thượng tầng" của Eximbank chưa tìm được sự đồng thuận đã tác động đến hoạt động của Ngân hàng. 

Eximbank vừa điều chỉnh giảm mạnh 40% lợi nhuận so với kế hoạch ban đầu do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo các chỉ số an toàn theo đúng quy định của NHNN.

Theo đó, năm 2020, Eximbank đặt mục tiêu cắt giảm mạnh chi phí hoạt động 326 tỷ đồng (giảm hơn 11% so với kế hoạch ban đầu năm 2020), huy động vốn đạt 147.800 tỷ đồng (giảm 8% so với kế hoạch 2020) và dư nợ cấp tín dụng đạt 122.275 tỷ đồng (giảm 4% so với kế hoạch năm 2020).

Đặc biệt, theo kế hoạch điều chỉnh, chi phí dự phòng đã trích chủ động tăng 414 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu. 

Với các nội dung điều chỉnh như trên, kế hoạch lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm 10,3%, kế hoạch xử lý các tài sản thế chấp của khách hàng có nợ xấu, nợ VAMC theo kế hoạch đầu năm buộc phải giãn tiến độ sang năm tiếp theo, khiến tổng kế hoạch lợi nhuận Eximbank (good bank và bad bank) trước thuế là 1.318 tỷ đồng, giảm mạnh 40% so với kế hoạch đầu năm 2020 nhưng vẫn tăng 22% so với kết quả đạt được năm 2019. 

Ngân hàng tin tưởng cùng với đà hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế trong năm 2021 như tất cả các tổ chức quốc tế độc lập đã dự báo, thì các tài sản xử lý nợ chuyển sang sẽ đóng góp rất tích cực cho kết quả tài chính năm tới.

Trong năm 2019, Eximbank 2 lần tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên, nhưng đều không thành công, do thiếu sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông và mối bất hòa giữa nội bộ lãnh đạo cấp cao. Tỷ lệ cổ đông tham dự không đủ để tiến hành được đại hội cổ đông thường niên. 

Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng của năm 2019, ghế "nóng" Chủ tịch HĐQT Eximbank đã được chuyển từ ông Lê Minh Quốc, sang bà Lương Cẩm Tú, quay về ông Lê Minh Quốc và sau đó là ông Cao Xuân Ninh hiện đang điều hành vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank.  

Tin bài liên quan