Theo Eximbank, tháng 4/2008, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cấp hạn mức tín dụng 70 tỷ đồng cho Công ty TNHH Toàn Thắng sử dụng vào mục đích bổ sung vốn lưu động, trong đó thỏa thuận 5 tỷ đồng vay tín chấp và 65 tỷ đồng vay có tài sản bảo đảm theo quy định của ngân hàng. Đến tháng 5/2008, Eximbank đã giải ngân 5 tỷ đồng cho công ty này theo khế ước nhận nợ, thời hạn 6 tháng.
Quá trình hoạt động, Giám đốc Công ty Toàn Thắng là ông Phạm Quốc Thắng đã bị cơ quan công an khởi tố và bắt tạm giam để điều tra hành vi lừa đảo xảy ra tại doanh nghiệp này.
Do Công ty Toàn Thắng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, Eximbank đã chuyển khoản vay sang nợ quá hạn. Bên bảo lãnh là vợ chồng ông Đình Anh, bà Thủy ở Ngọc Thụy, Gia Lâm mới trả cho Eximbank 51 triệu đồng, nên Ngân hàng khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty Toàn Thắng trả cho ngân hàng nợ gốc gần 5 tỷ đồng, nợ lãi 5,2 tỷ đồng, lãi quá hạn 2,4 tỷ đồng… Tổng cộng hơn 12 tỷ đồng. Trường hợp Công ty Toàn Thắng không trả nợ, Eximbank được phát mại tài sản thế chấp là nhà đất của bên bảo lãnh.
Cựu Giám đốc Công ty Toàn Thắng là ông Phạm Quốc Thắng thừa nhận có việc vay nợ và để đảm bảo cho khoản vay, ông Thắng nhờ vợ chồng ông Đình Anh, bà Thủy dùng nhà đất làm tài sản thế chấp, có hợp đồng thế chấp công chứng, có đăng ký giao dịch bảo đảm.
Quá trình cho vay và giải ngân, chỉ có Công ty Toàn Thắng và Eximbank biết và ký kết, vợ chồng ông Đình Anh không được thông báo và không tham gia ký kết. Theo ông Thắng, Công ty Toàn Thắng vẫn nhận trách nhiệm trả nợ Eximbank khi có yêu cầu và không đồng ý phát mại tài sản của ông Đình Anh.
Người đã thế chấp tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty Toàn Thắng, ông Đình Anh không đồng ý với phát mại tài sản của Eximbank.
Ông Đình Anh thừa nhận có ký hợp đồng thế chấp nhưng trong hợp đồng này có quy định, các điều kiện về vay và cho vay phải được ghi rõ, cụ thể trong các giấy tờ mà 3 bên là Công ty Toàn Thắng, Eximbank và vợ chồng ông ký tại trụ sở ngân hàng. Tuy nhiên, Eximbank và Công ty Toàn Thắng đã ký khế ước nhận nợ mà không thông báo cho vợ chồng ông.
Như vậy, Ngân hàng vi phạm quy định trong hợp đồng thế chấp, do đó không làm phát sinh trách nhiệm của vợ chồng ông bà.
Theo ông Đình Anh, khi giải quyết với ngân hàng, vợ chồng ông có ký vào các biên bản làm việc cam kết trả nợ thay cho Công ty Toàn Thắng. Nguyên nhân là do Eximbank không cung cấp các giấy tờ liên quan đến khoản vay 5 tỷ đồng, nên vợ chồng ông không nhận thức được việc vay và cho vay này có liên quan thế nào đến nghĩa vụ của bên thế chấp. Biên bản làm việc với Ngân hàng có ghi rõ, ông bà không chịu trách nhiệm trả nợ nếu phát hiện có sự vi phạm các thỏa thuận giữa các bên.
Sau này, ông Đình Anh xét thấy việc ngân hàng cấp tín dụng cho Công ty Toàn Thắng vi phạm các cam kết trong hợp đồng thế chấp. Hợp đồng tín dụng cũng không thể hiện tài sản bảo đảm là giá trị quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Đình Anh. Thời hạn cho vay trên hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp có sự chênh lệch nhau là trái với các quy định về cho vay của ngân hàng.
Ông Đình Anh khẳng định không liên quan đến số tiền 5 tỷ đồng của Công ty Toàn Thắng vay Eximbank, yêu cầu Eximbank trả lại 51 triệu đồng và lãi 26 triệu trong 52 tháng và trả lại sổ đỏ nhà đất cho gia đình ông.
Đáng chú ý, mảnh đất thế chấp cho Eximbank trước đó đã được ông Đình Anh cắt ra bán 20 m2 từ năm 2001. Giấy tờ mua bán có sự xác nhận của UBND phường Ngọc Thụy, quận Long Biên.
Tòa cấp sơ thẩm quyết định chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Eximbank, buộc Công ty Toàn Thắng phải trả số tiền nợ gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn, phạt là hơn 12,9 tỷ đồng. Không chấp nhận yêu cầu phát mại tài sản của vợ chồng ông Đình Anh.
Tòa cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu độc lập của ông Đình Anh, buộc Eximbank trả lại 51 triệu đồng, trả lại sổ đỏ nhà đất, nhưng không chấp nhận yêu cầu tính lãi.
Không chấp nhận quyết định của Tòa cấp sơ thẩm, Eximbank đã kháng cáo. ĐTCK sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi vụ việc có thêm diễn biến.