EVN và những mối “nợ đồng lần”

EVN và những mối “nợ đồng lần”

Ở mỗi khâu đầu vào, EVN đều để lại những khoản nợ lớn dẫn tới khó khăn tài chính cho đối tác.

Không chỉ tạo ra khoản lỗ 35 nghìn tỷ đồng, EVN còn để lại nhiều khoản nợ lớn dẫn tới khó khăn tài chính cho đối tác đầu vào nguồn điện.

 

“Ép chết” đối tác

 

Câu hỏi về hiệu quả sau 1 tháng thực hiện thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh đã không được các lãnh đạo của Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực trả lời. “Hết thời gian” là lý do để các vị cán bộ có trách nhiệm với vấn đề này từ chối câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo chiều ngày 6/8. “Chán”, đại diện của nhiều tờ báo cảm nhận như vậy về cuộc họp.

 

Bởi vì, thông tin cũ về khoản lỗ 35 nghìn tỷ đồng của ngành điện, trong đó có trên 10 nghìn tỷ đồng nợ do bán điện dưới giá thành trong các năm 2010 và 2011, trên 25.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá lại một lần nữa được viện dẫn cho việc tăng giá điện mới đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

 

Nếu xét về mức sống người dân, việc giá điện của Việt Nam thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực, nhưng cao hơn Lào và Trung Quốc có thể là chưa quá bất cập. Nhưng không chỉ tạo ra khoản lỗ 35 nghìn tỷ đồng, EVN còn để lại nhiều khoản nợ lớn dẫn tới khó khăn tài chính cho đối tác đầu vào nguồn điện.

 

Điển hình là trường hợp của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoán sản Việt Nam (TKV). Doanh nghiệp này cho biết đang phải chịu thiệt hại trên 8 nghìn tỷ đồng do phải bán than cho sản xuất điện dưới giá thành sản xuất mà chưa có nguồn nào để bù đắp. Ngoài ra, EVN cũng đang là con nợ của TKV khoảng một nghìn tỷ đồng chưa trả, khiến Tập đoàn này đã khó khăn lại càng “bí bách” hơn về tài chính.

 

Hay như trường hợp của Tập đoàn Sông Đà, doanh nghiệp có một trong các nhiệm vụ chính được Chính phủ giao là phát triển nhà máy điện, mới đây đã có kiến nghị lên Bộ Xây dựng và Thủ tướng để từ chối làm chủ đầu tư dự án nhiệt điện Long Phú 2.

 

Khoản nợ 5,5 nghìn tỷ đồng chưa được EVN thanh toán đang chiếm tới một nửa tổng số công nợ phải thu của Sông Đà, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn tác động xấu đến kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu lên 29 nghìn tỷ đồng vào năm 2015 của Tập đoàn.

 

Còn ở phía đầu ra, nhiều doanh nghiệp có sử dụng điện lớn trong sản xuất kinh doanh cũng đang “đau đầu” với giá điện. Doanh nghiệp thép, xi măng tính toán việc tăng giá điện vừa qua đã tác động làm tăng giá thành sản xuất khá lớn. Trong khi các mặt hàng như sắt thép, xi măng đang trong tình cảnh khốn đốn do tồn kho lớn, tiêu thụ khó khăn thì việc tăng giá thành sản xuất không khác nào tiếp thêm trở ngại trong kinh doanh.

 

Nhiều doanh nghiệp dệt may cũng cho biết, do nhiều thị trường chủ lực khó khăn về đơn hàng, giá thành gia công sản phẩm dệt may đã xuống mức rất thấp nên việc tăng giá điện sẽ càng làm giảm lợi nhuận gia công của doanh nghiệp…

 

Giá điện đang có lợi cho ai?

 

“Đến 2015, giá điện chỉ tăng, không giảm”. Câu nói “nổi tiếng” này của Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri đang làm dấy lên nhiều quan ngại. Ở quan điểm chỉ đạo, lộ trình đến năm 2015 EVN phải kinh doanh có lãi đã dẫn tới việc các khoản lỗ phải được hạch toán vào giá bán điện.

 

Theo tính toán, riêng khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá 25 nghìn tỷ đồng đã đẩy giá điện đến năm 2015 lên mức khoảng 9,3 cent/kWh (tức khoảng 2 nghìn đồng/kWh theo tỷ giá hiện nay). Nhưng, việc tăng giá điện có lợi cho ai?

 

Một số nguồn thông tin gần đây cho biết, kể từ khi triển khai phát điện cạnh tranh, EVN đã “cắt cầu” mua điện của không ít nhà máy, dù là giá chào bán điện của các đối tác này không quá cao. Theo phản ánh của một số nhà máy, giai đoạn nước về nhiều thì giá bán điện của các nhà máy thủy điện đều ở mức rất thấp 300 - 600 đồng/kWh.

 

Thậm chí, có nhà máy phải xả nước cho hạ lưu đồng ý bán giá rất thấp. Cạnh tranh trong phát điện đã dẫn tới việc EVN nhiều thời điểm ép giá, khiến không ít nhà máy điện phải bán dưới giá thành hoặc ngừng hoạt động.

 

Nếu tính cả các hợp đồng mua bán điện với Trung Quốc ở mức khoảng 1.300 đồng/kWh thì bình quân giá điện đầu vào của EVN vẫn còn khoảng cách khá lớn với giá bán điện hiện nay, ở mức bình quân 1.506 đồng/kWh, một chuyên gia trong ngành phân tích.

 

Nhiều câu hỏi vì thế đang đặt ra là: EVN kêu lỗ do đâu? Việc hạch toán giá thành điện hiện nay có bất cập gì? Thậm chí là thị trường phát điện cạnh tranh đang làm lợi cho ai?...

 

“Phải nói thẳng thắn rằng còn nhiều điểm Chính phủ chưa hài lòng với sự quản lý Nhà nước và quản trị doanh nghiệp của EVN”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói vậy trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng cách đây ít ngày. Vấn đề minh bạch, công khai về giá thành và giá bán điện cũng được vị thành viên Chính phủ này nêu lên.

 

Trên thực tế, đã có nhiều tính toán của các chuyên gia ngành điện cho thấy giá thành sản xuất điện như hiện nay là chưa hợp lý. Dẫn chứng cụ thể là EVN hiện đang quản lý hơn 26.000 MW điện, nhưng có tới hơn 10 vạn cán bộ, công nhân viên. Trong khi đó, nhiều quốc gia có hệ thống điện lớn hơn nhiều nhưng lượng lao động làm việc trong ngành ít hơn vài lần.

 

Chẳng hạn, cơ quan điện lực Ấn Độ quản lý hệ thống điện lớn gấp khoảng 12 lần Việt Nam lại chỉ cần tới hơn 4.000 cán bộ công nhân viên...

 

Thêm vào đó, mức lương tại EVN thời điểm năm 2010 được kiểm toán công bố là 13,7 triệu đồng/tháng tại khối công ty mẹ. Riêng tiền lương của lãnh đạo Tập đoàn còn cao hơn gấp nhiều lần. Nhưng không chỉ do việc phải nuôi bộ máy cồng kềnh của EVN, tổn thất điện năng ở mức cao hơn 10% cũng là nguyên nhân quan trọng khiến chi phí giá thành điện của Việt Nam cao.

 

Ngoài ra, như trên đã phân tích cũng “ép chết” nhiều nhà máy điện trong nước đang khiến cho môi trường đầu tư ngành điện xấu đi, được cho là sẽ ảnh hưởng liên đới đến giá điện, khó giữ ổn định ở chu kỳ sau.