EVFTA tạo sức ép tích cực cải cách thể chế

0:00 / 0:00
0:00
EVFTA đi vào thực thi trong 1 năm qua, tiếp tục tạo sức ép để Việt Nam hiện thực hóa các kế hoạch cải cách thể chế, nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi.
EVFTA tạo động lực để cải cách thể chế, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi...

EVFTA tạo động lực để cải cách thể chế, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi...

Là một FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, mức độ cam kết sâu và rộng nhưng đồng thời vẫn đảm bảo sự cân bằng lợi ích cho cả hai bên, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa đánh dấu 1 năm đi vào thực thi.

Một năm sau khi thực thi, Hiệp định này đã đem lại những “trái ngọt” ban đầu và đây là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – EU trong thời gian tới.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, EVFTA đem lại cho Việt Nam nhiều điểm cộng, trước hết là ưu đãi thuế quan cho hàng hóa xuất, nhập khẩu, thúc đẩy công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, cải thiện quy tắc xuất xứ và chứng nhận xuất xứ; cải thiện môi trường tạo thuận lợi thương mại - hỗ trợ kỹ thuật tăng cường nhận thức và áp dụng những tiêu chuẩn của thị trường EU…

Những yếu tố này về lâu dài sẽ mang lại nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Ngoài thúc đẩy xuất khẩu, với mức tăng trưởng cao trong 7 tháng đầu năm 2021, đạt 22,5 tỷ USD, tăng 15,5%, trong đó 30% trong tông kim ngạch xuất khẩu được ưu đãi thuế, những thay đổi tích cực đến từ cải cách thể chế có được trong nâm qua là rất đáng kể.

"Trong cải cách thể chế, chúng ta đang và cố gắng làm tốt là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để thực thi hiệu quả Hiệp định và cải cách, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, tiến tới tiệm cận các chuẩn mực thông lệ quốc tế.", ông Thái thông tin thêm..

Kể từ khi Hiệp định được đưa vào hiệu lực cho đến nay, Việt Nam đã tích cực, chủ động và nỗ lực thực hiện đầy đủ các cam kết của Hiệp định, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung có thể tận dụng hiệu quả Hiệp định này.

Trong công tác hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiệp định.

Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan đã sửa đổi, ban hành mới 08 văn bản quy phạm pháp luật, những văn bản này ở cấp Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư trong các lĩnh vực liên quan đến thuế quan, nông nghiệp, xuất xứ hàng hóa và phòng vệ thương mại.

Một số văn bản pháp luật cũng đang được các Bộ ngành liên quan tiến hành ban hành mới hoặc sửa đổi để phù hợp với các cam kết đã có (sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, ban hành Nghị định hướng dẫn thực thi Bộ luật Lao động sửa đổi…).

Ngoài ra, các Bộ, ngành liên quan cũng liên tục rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính tương thích với các cam kết của Hiệp định, cũng như đưa ra những điều chỉnh kịp thời nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực thi Hiệp định này.

Đối với công tác cải thiện, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, Bộ Công Thương khẳng định: đây là nỗ lực chung của Chính phủ các cơ quan Bộ ngành trong thời gian qua, vừa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung, vừa tạo động lực cho thực thi những cam kết ưu đãi trong các FTA trong đó có Hiệp định EVFTA nói riêng.

Cụ thể Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.

Về phía Bộ Công Thương, trong năm 2019, 2020, Bộ Công Thương đã cắt giảm thêm 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong tổng số 1.216 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (trước đó đã cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh).

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát và xây dựng lộ trình phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành cho giai đoạn 2021-2025; trong đó, bám sát vào các nguyên tắc lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Với những nỗ lực như vậy, ông Lương Hoàng Thái tưởng, Việt Nam từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thuận lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, như vậy sẽ tạo đà cho việc thực thi các FTA , trong đó có EVFTA đạt hiệu quả cao nhất.

Tin bài liên quan