Thông tin làm nóng hầu hết các kênh truyền thông trong nước gần đây là câu chuyện Tesa SE, nhà sản xuất băng keo công nghệ cao cho ngành công nghiệp điện tử và ô tô của Đức đã tuyên bố sẽ đầu tư 55 triệu euro (tương đương 60,4 triệu USD) vào một nhà máy băng dính ở Việt Nam, để biến nhà máy này thành cơ sở sản xuất thứ 15 của Tesa trên toàn cầu bên cạnh các nhà máy lớn ở Đức, Ý, Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư cũng như nền kinh tế toàn thế giới và châu Âu tê liệt vì đại dịch Covid-19 trong 5 tháng đầu năm nay thì động thái của Tesa được kỳ vọng sẽ mở đầu cho chuỗi phục hồi của dòng vốn châu Âu vào Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, hoàn toàn có cơ sở để đưa ra dự báo đã và đang có một làn sóng quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư châu Âu trong các ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm sản xuất, hàng tiêu dùng, năng lượng tái tạo và công nghệ.
Điển hình như sự kiện nhà sản xuất dược phẩm Ba Lan Adamed Group đã mua lại cổ phần chi phối của Công ty Dược phẩm Đạt Vi Phú, một trong những công ty dược phẩm phát triển nhanh nhất Việt Nam, trở thành thương vụ đầu tư có giá trị lớn nhất của Ba Lan vào Việt Nam cho đến nay.
Hay gần đây, công ty viễn thông Nauy Telenor Group đã mua lại nền tảng Chợ Tốt để khai thác tiềm năng phát triển của các dịch vụ kỹ thuật số của Việt Nam.
Với những thương vụ mở màn đầy ấn tượng này, ông Châu Huy Quang, Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH Rajah & Tann LCT Lawyers cho rằng, làn sóng đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ các nhà đầu tư châu Âu được dự đoán sẽ khuấy động thị trường vốn đầu tư cũng như các hoạt động M&A tại Việt Nam trong thời gian tới khi EVFTA chính thức đi vào thực thi.
“EVFTA là một cột mốc quan trọng để thúc đẩy và bảo vệ các khoản đầu tư của châu Âu tại Việt Nam. Trong khi các cam kết của Việt Nam thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới vẫn là khuôn khổ chính điều chỉnh việc mở cửa thị trường cho đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ, EVFTA sẽ tập trung vào việc cung cấp cam kết sâu rộng hơn và sâu hơn.
Chẳng hạn, việc bãi bỏ dần các quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) trong đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ bán lẻ sẽ tăng mức độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngành này. Hơn nữa, việc nâng mức sở hữu nước ngoài lên 70% trong các dịch vụ vận chuyển sẽ thu hút các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần mới của châu Âu trong khi những nhà cung cấp hiện tại có thể tìm cách mở rộng thêm các cơ hội đầu tư”, ông Quang phân tích.
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam nhận định, xuất khẩu của Việt Nam sang EU được dự báo sẽ tăng 15 tỷ euro (16,5 tỷ USD), trong khi xuất khẩu của EU sang Việt Nam dự kiến sẽ tăng một nửa sau khi EVFTA đi vào thực thi, dòng vốn FDI sẽ là chất xúc tác quan trọng cho thương mại và đầu tư giữa hai bên.
Đại sứ Phái đoàn EU cho rằng, nếu có thêm giá trị gia tăng trong thương mại từ EU, có khả năng EVFTA sẽ tiếp tục kích hoạt một làn sóng đầu tư mới từ EU vào Việt Nam.
Và điều quan trọng hơn là với chất lượng rất cao, tác động lan tỏa từ dòng đầu tư châu Âu sẽ cho phép Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm tốt hơn đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững.
“Cả hai hiệp định EVFTA và EVIPA đều mang đến cho Việt Nam cơ hội trở thành trung tâm sản xuất của khu vực. So với các nền kinh tế ngang hàng trong khu vực, Việt Nam có lợi thế 7 - 10 năm được tiếp cận đặc quyền vào thị trường EU”, ông Giorgio Aliberti nhận định.