EVFTA chưa giúp ngay các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam tại thị trường EU năm 2020

(ĐTCK) Dù Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã chính thức được phê duyệt và việc thực thi Hiệp định trong tương lai có thể góp phần mở rộng thị phần cho các mặt hàng gỗ từ Việt Nam tại thị trường châu Âu nhưng theo các chuyên gia, trong năm 2020 sẽ khó có thể có những bước đột phá trong việc mở rộng thị phần cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam tại EU. 
EVFTA chưa giúp ngay các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam tại thị trường EU năm 2020

Nguyên nhân do hầu hết các mặt hàng gỗ xuất khẩu vào EU hiện đang có mức thuế rất thấp (từ 6% trở xuống) nên khi Hiệp định thương mại này được thực thi sẽ không tác động quá lớn. Ngoài ra, việc thực thi chính thức Hiệp định sẽ chỉ bắt đầu sau khi Quốc hội 2 bên phê chuẩn.

Ngoài ra, việc Chính phủ Mỹ vừa qua đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đang phát triển cũng có thể tạo ra những tác động đến việc Việt Nam xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vào thị trường này.

Theo Báo cáo Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ: Thực trạng 2019 và xu hướng 2020 của nhóm nghiên cứu thuộc Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, năm 2020 có thể là một năm biến động đối với ngành gỗ, đặc biệt do dịch viêm phổi cấp gây ra.

Dăm gỗ là mặt hàng quan trọng nhất được xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc với kim ngạch năm 2019 đạt 972 triệu USD, chiếm hơn 79% tổng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc. Tuy nhiên, dịch viêm phổi cấp COVID-19 đã làm cho các công ty sản xuất giấy, bột giấy tại Trung Quốc phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Điều này đang và sẽ tiếp tục gây ra tình trạng chậm trễ trong việc xuất khẩu dăm của Việt Nam sang thị trường này. 

Trong khi đó, các loại ván là nhóm mặt hàng quan trọng nhất được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, chiếm 60% tổng kim ngạch các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam cũng đang bị dừng lại. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chỉ còn nguồn nguyên liệu trong 1 đến 2 tháng nữa.

Ngoài ra, dịch cúm còn tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam cũng như các doanh nghiệp FDI khác phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn cung gỗ nguyên liệu và các mặt hàng nguyên liệu phụ trợ khác.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 1/2020 sụt giảm 25,1% so với tháng 12/2019 và giảm 14,8% so với cùng tháng năm 2019, đạt 835,02 triệu USD. Tuy nhiên, sự sụt giảm của tháng 1 một phần còn do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tuần cuối tháng 1/2020.

Tin bài liên quan