Evergrande - tiếng chuông cảnh tỉnh đối với Việt Nam

Evergrande - tiếng chuông cảnh tỉnh đối với Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những rắc rối mà tập đoàn bất động sản Evergrande đang gây ra đối với nền kinh tế Trung Quốc là một hồi chuông cảnh báo sớm đối với giới hoạch định chính sách Việt Nam.

Cú sốc Evergrande đối với thị trường chứng khoán

Mối quan ngại ngày càng gia tăng đối với tình hình tài chính của nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc - tập đoàn Evergrande - đã hối thúc các nhà đầu tư đang nắm giữ những tài sản có độ rủi ro cao như cổ phiếu, dầu lửa và bitcoin trên khắp thế giới ồ ạt bán ra trong phiên giao dịch ngày thứ Hai.

Tại Mỹ, kết thúc phiên giao dịch hôm qua, chỉ số Dow Jones giảm tới 1,8%, S&P 500 giảm 1,7%, trong khi chỉ số Nasdaq giảm 2,2%.

Đáng chú ý là đà bán mạnh xảy ra trên diện rộng. Chỉ số S&P 500 có tới 11 ngành giảm điểm và chỉ có 5 ngành tăng điểm, và 4 trong số 5 ngành này là có liên quan tới ngành hàng không - một ngành được coi là sẽ có triển vọng phục hồi mạnh khi dịch Covid 19 dần được kiểm soát và nhu cầu đi lại gia tăng mạnh trong thời gian tới.

Không chỉ diễn ra tại thị trường Mỹ mà hiện tượng này cũng lan rộng ra toàn cầu. Chẳng hạn, chỉ số Hang Seng Index của Hongkong giảm tới 3,3%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Trong khi đó chỉ số Stoxx Europe cũng mất tới 1,7%.

Giới đầu tư ngày càng lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục can thiệp chính sách vào nhiều ngành công nghiệp và sẽ để Evergrande phá sản. Trong khoản nợ hiện lên tới trên 300 tỷ USD của tập đoàn này thì có tới vài chục tỷ đô la nợ đối với các nhà đầu tư trên khắp thế giới. Nếu Evergrande sụp đổ thì đây sẽ là một thiệt hại lớn đối với các trái chủ và cổ đông của tập đoàn này.

Ilya Feygin, một Giám đốc điều hành tại WallachBeth Capital, nhận định: “Đây là một mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu”. “Điều gì sẽ diễn ra nếu tình hình xấu hơn? Đó có nghĩa là sẽ có một cú đánh mạnh vào hệ thống tài chính của Trung Quốc và hoạt động kinh tế nói chung của thế giới bởi vai trò quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu”.

Một số nhà phân tích lạc quan hơn thì cho rằng, những khó khăn về mặt tài chính của Evergrande sẽ không lây lan sang các nền kinh tế khác trên thế giới và thị trường chứng khoán thế giới đã phản ứng thái quá trong phiên giao dịch hôm qua.

Ông Frank Benzimra, trưởng bộ phận chiến lược thị trường cổ phiếu khu vực châu Á của Société Générale cho rằng, Evergrande không thể gây ra cú sốc tài chính toàn cầu giống như vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers hồi năm 2008.

Nếu Evergrande mất khả năng thanh toán nó sẽ gây nhiều hệ lụy đối hệ thống tài chính của Trung Quốc cũng như là về mặt xã hội, bởi đây là tập đoàn bất động sản lớn thứ hai tại quốc gia tỷ dân này.

Ngoài nghĩa vụ đối với các nhà đầu tư và trái chủ, Evergrande còn nợ khoảng 147 tỷ USD các nghĩa vụ thương mại và các khoản phải trả khác cho các nhà cung cấp và đã nhận khoản thanh toán trước đối với các bất động sản chưa hoàn thiện từ hơn 1,5 triệu người mua nhà tính đến tháng 12/2020.

Tập đoàn hiện sở hữu hơn 1.300 dự án bất động sản tại hơn 280 thành phố ở Trung Quốc. Trong những ngày gần đây, các cuộc biểu tình của những người mua nhà và nhà đầu tư giận dữ đã nổ ra ở nhiều thành phố khác nhau ở Trung Quốc.

Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, Evergrande có 6 loại trái phiếu đáo hạn vào năm tới và 10 loại trái phiếu vào năm 2023 trong tổng số 24 trái phiếu đã phát hành.

Gần 20% tín dụng của nền kinh tế chảy vào bất động sản

Hồi cuối tháng 4 năm nay, một đại diện của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản Việt Nam năm 2018 là 26,76%; năm 2019 tăng 21,53%; năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tín dụng cho bất động sản chỉ tăng 11,89%, thấp hơn so với mức tăng trưởng chung 12,17% của toàn ngành năm 2020.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản ước đạt 3%, trong khi cùng kỳ năm 2019 là 5%, cùng kỳ năm 2020 cũng chỉ tăng trưởng rất thấp do đại dịch.

Cũng theo vị đại diện này, tín dụng bất động sản hiện chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế.

Nếu lấy con số 9,8 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng của nền kinh tế tính đến tháng 7/2021 mà NHNN công bố trên website của mình để tính toán thì ước tính dư nợ tín dụng bất động sản của Việt Nam hiện ở mức 1,85 triệu tỷ đồng. Đó là chưa kể tới quy mô dư nợ trái phiếu không hề nhỏ của các doanh nghiệp thuộc khối này.

Điều đáng nói là hầu hết tài sản đảm bảo của các khoản vay này đều là bất động sản. Một khi thị trường bất động sản gặp vấn đề, các nhà phát triển bất động sản không có dòng tiền để trả nợ, các ngân hàng sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để bán khối tài sản đảm bảo để trang trải cho các khoản vay. Quá trình trầy trật tái cơ cấu ngân hàng Sacombank hậu sáp nhập là một ví dụ điển hình.

Theo nhận định của một chuyên gia phân tích vĩ mô tại một công ty chứng khoán, trường hợp của Evergrande là hồi chuông cảnh tỉnh sớm và tốt đối với Việt Nam.

“Mặc dù cả NHNN và Bộ Tài chính đều đang theo dõi sát dòng vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản thông qua tín dụng và kênh trái phiếu, nhưng Việt Nam cần phải cảnh giác với hiện tượng tập trung nguồn lực xã hội quá lớn vào một vài doanh nghiệp bất động sản lớn, bởi một khi một Evergrande Việt Nam xuất hiện, nó sẽ gây hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế Việt Nam”.

“Điều quan trọng là Việt Nam cần có chính sách để đổi mới mô hình phát triển, khuyến khích sự phát triển của nhiều ngành kinh tế để nền kinh tế không bị phụ thuộc lớn vào ngành bất động sản như hiện nay”, vị này nói.

Tin bài liên quan