Evergrande có nguy cơ trở thành "Khoảnh khắc Lehman" của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các công ty bất động sản của Trung Quốc đang lo ngại “hiệu ứng domino” xuất hiện khi nhà phát triển bất động sản Evergrande đang trên bờ vực vỡ nợ.
Các nhân viên an ninh tạo thành một chuỗi người khi họ bảo vệ trụ sở của Evergrande, nơi mọi người tụ tập để yêu cầu hoàn trả các khoản vay và các sản phẩm tài chính ở Thâm Quyến, Trung Quốc

Các nhân viên an ninh tạo thành một chuỗi người khi họ bảo vệ trụ sở của Evergrande, nơi mọi người tụ tập để yêu cầu hoàn trả các khoản vay và các sản phẩm tài chính ở Thâm Quyến, Trung Quốc

Jenny Zeng, đồng trưởng bộ phận thu nhập cố định châu Á tại công ty quản lý tài sản toàn cầu AllianceBerntein đã cảnh báo về “hiệu ứng domino” từ sự sụp đổ tiềm tàng của Evergrande.

Evergrande là nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới và đang sụp đổ dưới sức nặng của khoản nợ hơn 300 tỷ USD và nhiều chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo rằng, công ty này có khả năng vỡ nợ. Các ngân hàng được cho là đã từ chối gia hạn các khoản vay mới cho người mua các dự án khu dân cư Evergrande chưa hoàn thành, trong khi các cơ quan xếp hạng đã nhiều lần hạ bậc xếp hạng tín nhiệm Evergrande với lý do khả năng thanh khoản của công ty bị suy giảm.

Tình hình tài chính của các nhà phát triển bất động sản khác của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi các quy tắc do Chính phủ Trung Quốc vạch ra để kiểm soát chi phí đi vay của các công ty bất động sản. Các biện pháp đó bao gồm đặt giới hạn nợ liên quan đến dòng tiền, tài sản và vốn của công ty.

Đối với các nhà phát triển bất động sản nhỏ khác, chiếm khoảng 10 - 15% tổng thị trường, chiến lược gia này cảnh báo rằng, sự sụp đổ của Evergrande có thể dẫn đến một sự lan tỏa “có tính hệ thống” sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Tuy nhiên, chiến lược gia này giải thích rằng, các rủi ro tài chính hoặc xã hội liên quan trực tiếp đến Evergrande thực sự “có thể kiểm soát được một cách hợp lý” và sự phân mảnh của thị trường bất động sản Trung Quốc là lý do đằng sau điều này.

Khoảnh khắc Lehman của Trung Quốc?

Một số nhà kinh tế đã cảnh báo rằng, sự sụp đổ của Evergrande có thể trở thành “khoảnh khắc Lehman” của Trung Quốc, điều này ám chỉ sự phá sản của Lehman Brothers do cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Simon MacAdam, nhà kinh tế cấp cao toàn cầu của Capital Economics cho rằng, cảnh báo này là sự phóng đại quá mức.

MacAdam cho biết: “Một vụ vỡ nợ có quản lý hoặc thậm chí là sự sụp đổ lộn xộn của Evergrande sẽ ít có tác động tới toàn cầu, ngoài một số bất ổn không đáng kể của thị trường tài chính. Ngay cả khi đây là công ty đầu tiên trong số nhiều nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc phá sản, chúng tôi cho rằng, nó cũng ít có khả năng khiến nền kinh tế nước này giảm tốc mạnh”.

Đồng quan điểm, Ed Yardeni, Chủ tịch của Yardeni Research nhận định, Evergrande ít có khả năng sẽ gặp thất bại nặng nề như vụ phá sản của Lehman làm nền kinh tế toàn cầu và thị trường tín dụng sụp đổ. Thay vào đó, sự sụp đổ của Evergrande giống như một sự kiện khác trước đó một thập kỷ.

“Sự sụp đổ của Evergrande tương tự như thảm họa xảy ra vào năm 1998 của quỹ đầu cơ Long-Term Capital Management, nhưng được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng lớn giải quyết rất nhanh chóng và nó không có bất kỳ tác động toàn cầu nào”, ông cho biết.

Giống như với quỹ đầu cơ Long-Term Capital Management, ông Yardeni nhận thấy sự can thiệp của Chính phủ Trung Quốc vào Evergrande để ngăn chặn bất kỳ sự sụp đổ và lây lan nào.

“Thực tế là nó quá lớn để đổ vỡ, và tôi cho rằng, Chính phủ Trung Quốc sẽ can thiệp và tái cấu trúc Evergrande theo cách không gây tổn hại quá nhiều đến nền kinh tế Trung Quốc, cũng như nền kinh tế toàn cầu, hoặc thị trường tài chính như cách mà Lehman đã làm”, ông cho biết.

Tính đến cuối ngày thứ Sáu (17/9), giá cổ phiếu Evergrande được niêm yết tại thị trường chứng khoán Hồng Kông đã giảm hơn 80% so với đầu năm.

Tin bài liên quan