Động thái trên diễn ra sau quyết định của các nhà làm luật Kiev về việc chấp nhận một “tình trạng đặc biệt” đối với khu vực miền Đông, vốn tả tơi bởi xung đột kéo dài nhiều tháng trời.
Cuộc bỏ phiếu lịch sử, được công chiếu qua một cầu truyền hình trực tuyến giữa Strasbourg và Kiev, đã diễn ra gần 1 năm sau các cuộc biểu tình rầm rộ ở Kiev, dẫn đến sự hạ bệ của cựu tổng thống Ukraine thân Nga, người đã từ chối ký các hiệp định giao kết với EU trước đó.
Việc phê chuẩn cũng thể theo một yêu cầu từ Kiev là hoãn thực hiện tự do thương mại song phương đến tháng 12 năm 2015, từ tháng 11 năm nay như thỏa thuận ban đầu.
Nga coi việc trì hoãn thực hiện hiệp định thương mại đến tháng 12 năm sau là một chiến thắng, đồng thời nhắc lại rằng, nước này sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Kiev ngay khi thỏa thuận thương mại tự do EU - Ukraine có hiệu lực.
Việc lùi lại 14 tháng của hiệp định nói trên đã gây nên tâm lý lo lắng trong lòng EU. Nhiều quan chức bày tỏ quan ngại rằng, Nga đã chi phối các điều khoản của hiệp định mà lý ra nó là thỏa thuận song phương giữa Brussels và Kiev.
“Việc trì hoãn này có thể được xem là một thắng lợi của Nga trong bối cảnh của một cuộc ‘Chiến tranh lạnh’”, Gianni Pittella lãnh đạo phe xã hội trong Nghị viện châu Âu, nói.
Stefan Fule, Ủy viên mở rộng EU, biện minh rằng, việc trì hoãn này là cần thiết, vì Nga đã đe dọa Ukraine không chỉ về quân sự, mà cả bằng một “cuộc chiến kinh tế và thương mại toàn diện”.
Karel De Gucht, Ủy viên thương mại EU, thừa nhận hôm thứ Sáu tuần trước rằng, thảo thuận này không phải là lý tưởng. “Thế giới vốn được tạo ra bởi các tiền lệ xấu”, ông nói.
Phát biểu trước các nghị sĩ EU, ông Petro Poroshenko, Tổng thống thân phương Tây của Ukraine, miêu tả cuộc bỏ phiếu này quan trọng không kém gì tuyên ngôn độc lập của nước này năm 1991.
Ông Poroshenko đã kêu gọi trở về đối với hàng nghìn người Ukraine lưu lạc trong nhiều tháng xung đột giữa các phiến quân thân Nga và quân đội chính phủ ở miền Đông nước này, đồng thời kêu gọi Kiev cân nhắc trở thành thành viên EU.
“Ai sẵn sàng chết cho châu Âu?”, ông Poroshenko đặt câu hỏi với các nghị sĩ EU, những người đang lắng nghe ở đầu bên kia của cầu truyền hình trực tuyến.
Vài phút sau khi ông Poroshenko phát biểu, quốc hội Ukraine đã thông qua một tuyên bố khẳng định rằng, thông qua việc ký kết các thỏa thuận hợp tác và tự do thương mại với EU, nước này đã bước chân vào con đường trở thành thành viên EU.
Sau cuộc bỏ phiếu, các nhà làm luật đã chúc tụng nhau bằng việc cùng hát quốc ca. Nhưng với giao tranh vẫn tiếp diễn ở miền Đông trong ngày thứ 11 của thỏa thuận ngừng bắn, những thách thức về kinh tế trong nước của Ukraine vẫn đang tăng lên, đám mây bất ổn vẫn đang phủ lên bầu trời kinh tế nước này.
Bổ sung cho cảm giác bất an là quyết định trước đó của Quốc hội Ukraine về việc ân xá cho những phần tử ly khai thân Nga không dính líu đến những tội ác giết người và thông qua “tình trạng đặc biệt” đối với các khu vực miền Đông bị kiểm soát bởi lực lượng nổi dậy, bao gồm Donetsk và Lugansk.
Động thái xuống thang với cuộc xung đột quân sự kéo dài 5 tháng, đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người, được phê chuẩn bởi phần lớn trong số 450 ghế đại biểu quốc hội. Nhưng chính quốc hội này, theo đề xuất của ông Poroshenko, đã từ chối thông qua quyền tự trị cho các khu vực đòi ly khai trước đó.
Các lãnh đạo phe ly khai, những người đang kiểm soát khoảng 1/3 khu vực Donetsk và Lugansk, trong những ngày gần đây, tỏ ra ngần ngại trước vấn đề pháp lý này. Họ cũng kêu gọi tiến hành một cuộc phản công mới nhằm đẩy quân đội Kiev ra xa khỏi cả hai tỉnh này.
Các quy định được phê chuẩn hôm thứ Ba cũng đồng ý về những bảo đảm mới đối với quyền sử dụng tiếng Nga tại miền Đông Ukraine. Quy định mới cũng mở ra khả năng trao thêm quyền cho chính quyền khu vực và một cuộc bỏ phiếu bầu ra đại biểu quốc hội của khu vực sau cuộc bầu cử toàn quốc vào ngày 26/10.
Phát biểu trước Nghị viện EU hôm thứ Ba, Ủy viên thương mại Karel De Gucht cho biết, xuất khẩu từ Ukraine sang EU đã tăng 15% kể từ khi chế độ ưu đãi thương mại có hiệu lực hồi tháng 5.
EU và Nga là các đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine. Trong tháng 5, EU đã đơn phương mở cửa thị trường đối với các hàng hóa của Ukraine để hỗ trợ nền kinh tế đã chìm sâu vào suy thoái của nước này.
Xuất khẩu bình quân tháng của Ukraine sang EU từ tháng 5 đến tháng 7 đạt 1,5 tỷ USD, ngang với những tháng trước đó, nhưng tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 5 đến tháng 7, xuất khẩu sang Nga từ Ukraine đạt 900 triệu USD/tháng, cũng bằng các tháng trước đó, nhưng giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Dragon Capital, một ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Kiev.
“Ukraine đang tái định hướng xuất khẩu của nước này, quay khỏi Nga và hướng về EU”, Olena Bilan, một nhà kinh tế của Dragon Capital nói.