EU dựng khung cho liên minh ngân hàng

EU dựng khung cho liên minh ngân hàng

(ĐTCK) Các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU), hôm thứ Tư vừa qua, đã dựng nên một khuôn khổ chính trị cho các bước tiếp theo hướng tới một liên minh ngân hàng. Tuy nhiên, chi tiết của cơ chế chia sẻ chi phí đổ vỡ ngân hàng được hoãn sang tuần tới.

Cuộc thương lượng ma-ra-tông tại Brussels đã cho ra đời một thỏa ước phác thảo, mà tổng thể dựa trên lập trường xét lại của Đức. Bản thỏa ước phác thảo này nêu nên cách thức để các nước thuộc khu vực đồng tiền chung (eurozone) nhường lại quyền giải quyết các vấn đề cho một ngân hàng trung ương, đồng thời thiết lập một hệ thống tài trợ vốn chung.

Trong khi các tiêu chí cơ bản đó có thể sẽ được bảo lưu trong hiệp ước cuối cùng, một vài nước vẫn phản đối mạnh mẽ những điều kiện mà Berlin đưa ra: chúng khiến cho quá trình hình thành quỹ xử lý chung bị chậm lại, đồng thời mang lại cho các nước lớn vị thế quyết định thời điểm quỹ được sử dụng.

Việc bỏ phiếu cho thỏa ước này, cùng các điều khoản bơm vốn chi tiết - trong đó có vấn đề chưa được giải quyết là điều gì sẽ xảy ra nếu quỹ xử lý ngân hàng hết tiền - sẽ được để đến phiên họp khẩn cuối cùng vào thứ Tư tuần tới, ngay trước một hội nghị cấp cao EU.

“Các vị bộ trưởng đã làm việc cật lực, nhưng chúng tôi vẫn chưa đi đến cuối con đường”, Michel Barnier, thành viên Ủy ban Cải cách của EU nói.

Hiệp ước năm nay sẽ đánh dấu sự từ bỏ lớn nhất về chủ quyền quốc gia kể từ khi hình thành đồng tiền chung, lập nên một hệ thống xử lý bắt đầu vận hành từ năm 2016 có vai trò như một cơ quan giám sát độc lập.

Hiệp ước cũng thiết lập một ban xử lý, trực tiếp chịu trách nhiệm đề xuất các quyết định tái cấp vốn hay xử lý tất cả các ngân hàng không phân biệt quốc gia trên toàn eurozone, nếu các ngân hàng này đối diện với khó khăn.

Tuy nhiên, dự thảo hiệp ước cần nhận được sự chấp thuận của Ủy ban châu Âu (EC) hay - trong trường hợp Brussels từ chối đề xuất của Ủy ban - đa số phiếu ủng hộ từ các quốc gia thành viên EU.

Đức đã đưa ra lý do để chấp thuận thiết lập một quỹ xử lý độc lập có quy mô 55 tỷ euro trong vòng một thập kỷ tới, được tài trợ bằng tiền thuế kinh doanh. Trong giai đoạn chuyển tiếp 10 năm tới, quỹ này sẽ được tạo dựng trên cơ sở một mạng lưới các quỹ quốc gia, với một cơ chế xuyên chính phủ xác định phương thức chia sẻ chi phí.

Các quy định áp dụng đối với các trái chủ cấp cao của các ngân hàng gặp khó khăn cũng được đẩy lên sớm hơn, từ năm 2018 về 2016. Đây là một yêu cầu quan trọng của Đức nhằm đảm bảo thu hẹp khoảng trống về vốn cho các quỹ cứu trợ.

Chi tiết về cơ chế hoạt động của hệ thống các quỹ này nói nên điểm lớn nhất trong số các bất đồng giữa các quốc gia thành viên.

Trong thỏa ước dự thảo trên, các nước lớn được trao quyền lớn hơn để có thể cản trở sự hình thành quỹ xử lý chung. Yêu cầu phải có 2/3 số phiếu bầu, trên cơ sở vốn góp vào ECB, sẽ trao cho một số ít quốc gia, chẳng hạn như Đức, Hà Lan và Phần Lan quyền bác bỏ.

Một vấn đề căng thẳng khác là chi tiết về trạng thái của quỹ xử lý độc lập và việc cung cấp nguồn lực bổ sung để tài trợ khẩn cấp trong trường hợp nguồn lực của quỹ cạn kiệt.

Khi quỹ được thiết lập buổi đầu tiên, các quỹ xử lý thành viên sẽ gánh trách nhiệm tài trợ cho các ngân hàng gặp khó khăn của nước mình. Trong thập kỷ đầu chuyển tiếp, khi quỹ được tích lũy dần, khả năng hỗ trợ lẫn nhau giữa các quỹ quốc gia thành viên sẽ tăng lên.

Các bộ trưởng cũng cần phải giải quyết một vấn đề hóc búa khác là tìm một nguồn bảo trợ cho quỹ. Pierre Moscovici, Bộ trưởng Tài chính Pháp, nói rằng, Đức vẫn phản đối cho phép quỹ cứu trợ quy mô 500 tỷ euro của châu Âu (ESM) được thiết lập một đường dây tín dụng trong quá trình chuyển tiếp nói trên.

Cuối cùng, trong khi việc sử dụng một cơ chế xuyên chính phủ là cực kỳ quan trọng để giải quyết quan ngại về pháp lý của Đức đối với đề xuất gốc, nó có thể làm phát sinh các vấn đề khác khi cuộc thương thảo pháp lý cuối cùng bắt đầu với nghị viện châu Âu, một cơ quan vốn không thích các điều khoản vượt ra ngoài các hiệp ước EU hiện hành.

“Tôi có thể hình dung nghị viện sẽ không nhiệt tình với tình huống như vậy và cả Ủy ban châu Âu chắc cũng có thái độ tương tự”, Mr Barnier nói. “Nhưng phương án cuối cùng thế nào cũng phải được tìm ra”.       

>>Doanh nghiệp châu Âu quan ngại chính sách thuế

>>Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam lạc quan