EU đã cấp phép xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 cho 21 nước

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban châu Âu (EC) đã cấp phép xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả các nước đề nghị, trong đó có Anh, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Tòa nhà của hãng dược phẩm AstraZeneca ở Luton, Anh

Tòa nhà của hãng dược phẩm AstraZeneca ở Luton, Anh

Thông tin này được người phát ngôn EC, tuy nhiên không nêu cụ thể số liều vaccine do các nhà máy trong Liên minh châu Âu (EU) sản xuất.

Cụ thể, kể từ ngày 30/1, thời điểm bắt đầu áp dụng cơ chế giám sát xuất khẩu vaccine đến nay, EU đã thông qua 37 giấy đăng ký xuất khẩu vaccine sang 21 nước. Trước đó, EU đã xuất khẩu hàng triệu liều vaccine sang một số nước như Anh, Israel, Trung Quốc và Canada.

Quy định của EC gồm các biện pháp nhằm tiến tới giám sát và trong một số trường hợp có thể cấm xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 tại các nhà máy sản xuất đặt tại các nước thành viên EU, trong bối cảnh căng thẳng giữa khối này và hãng dược phẩm AstraZeneca gia tăng liên quan đến vấn đề giao nhận vaccine.

Biện pháp của EU chỉ có hiệu lực với các nhà máy sản xuất vaccine ngừa COVID-19 nằm trong các hợp đồng mua bán vaccine đã ký giữa các hãng dược phẩm và EC. Theo đó, các nhà máy thuộc diện này hoạt động trên lãnh thổ các nước thành viên EU sẽ phải xin cấp phép xuất khẩu vaccine cho các nước ngoài khối, đồng thời trình kế hoạch xuất khẩu trước 3 tháng.

Liên quan đến vaccine của AstraZeneca, ngày 11/2, hãng dược này cho biết sẽ cập nhật “phiên bản” vaccine mới vào mùa Thu năm nay, trong bối cảnh đang có nhiều lo ngại rằng những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể dễ lây lan hơn hoặc kháng lại được các vaccine hiện có.

AstraZeneca cho biết từ nhiều tháng trước đã cùng đối tác là Đại học Oxford điều chỉnh vaccine để đối phó được với các biến thể mới, và mọi việc đang tiến triển nhanh chóng.

Trước đó một ngày, AstraZeneca công bố kế hoạch đẩy mạnh sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trong quý II năm nay để đáp ứng nhu cầu của Liên minh châu Âu (EU). Cùng ngày, WHO khẳng định vaccine COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp với trường Đại học Oxford của Anh phát triển có thể sử dụng đối với người trên 65 tuổi, và cả ở những nơi biến thể của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành. Tuyên bố của WHO được đưa ra sau khi một nghiên cứu công bố gần đây tại Nam Phi cho thấy vaccine của AstraZeneca có hiệu quả hạn chế đối với biến thể xuất hiện ở quốc gia châu Phi này.

Vaccine của AstraZeneca chiếm một lượng lớn trong Cơ chế phân phối vaccine COVAX cho các nước nghèo hơn để đảm bảo phân phối vaccine công bằng khắp thế giới. Hiện WHO và Liên hợp quốc đã phối hợp triển khai phân phối tổng cộng 337,21 triệu liều vaccine tới khoảng 145 nước trong nửa đầu năm 2021 theo khuôn khổ COVAX.

Tin bài liên quan