EU cân nhắc kế hoạch tiếp tục đóng cửa biên giới trong 30 ngày nữa. (Nguồn: AFP).
Ngày 8/5, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết khối ủng hộ việc tiếp tục hạn chế nhập cảnh trong 30 ngày nữa, tức đến giữa tháng 6, trong khuôn khổ áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, dù gây thiệt hại lớn cho thương mại và du lịch.
Tháng 3 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định về việc đóng cửa biên giới bên ngoài đối với tất cả các chuyến bay không thiết yếu, sau khi thất bại trong nỗ lực ngăn chặn 27 quốc gia thành viên đóng cửa biên giới nội khối trong không gian đi lại tự do của EU (Schengen).
Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề nội vụ Ylva Johansson cho biết tuần này châu Âu sẽ phải quay trở lại để bàn về vấn đề mở cửa biên giới nội khối khi đại dịch được kiểm soát.
Nhưng hiện tại, ít nhất 17 quốc gia của khu vực Schengen áp dụng nhiều mức độ hạn chế đi lại khác nhau.
Khu vực Schengen bao gồm hầu hết các nước EU cùng với Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và một số quốc gia khác.
Ủy viên Johansson cho biết những hạn chế về đi lại tự do và kiểm soát biên giới nội bộ sẽ cần được dỡ bỏ dần dần trước khi có thể loại bỏ các biện pháp tương tự đối với biên giới bên ngoài và đảm bảo quyền nhập cảnh vì các mục đích không thiết yếu cho những người không phải là công dân EU.
Cùng ngày, các bộ trưởng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chính thức thông qua số tiền lên tới 240 tỷ euro, tương đương 260 tỷ USD, để hỗ trợ các quốc gia châu Âu đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Số tiền này sẽ được triển khai theo hoạt động của Quỹ Bình ổn châu Âu. Đây được xem là động thái lớn đầu tiên trong nỗ lực chung tại châu Âu nhằm khôi phục nền kinh tế trong thời gian tới.
Cảnh sát kiểm tra các phương tiện tại Paris, Pháp trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/ TTXVN).
Pháp đề xuất Ủy ban châu Âu (EC) phát hành lượng trái phiếu trị giá ở mức 1-2% Tổng thu nhập quốc nội (GNI) mỗi năm, tương đương 150-300 tỷ euro, để cấp ngân sách cho Quỹ Phục hồi của Liên minh châu Âu (EU) trong giai đoạn 2021-2023.
Theo một tài liệu mà hãng tin Reuters có được ngày 8/5, Pháp cho rằng Quỹ Phục hồi của EU trong 3 năm tới cần có quy mô ở mức ít nhất 1-2% GNI của liên minh mỗi năm.
Tài liệu nêu rõ: "Các khoản vay cấp cho các nước thành viên có thể giúp thu hẹp khoảng cách, nhưng cần duy trì các khoản tài trợ. Để đảm bảo mức giá trị gia tăng tối đa, các khoản vay như vậy cần có thời gian ân hạn, thời gian đáo hạn dài và lãi suất thấp."
Pháp cũng cho rằng quỹ trên cần được thiết lập càng sớm càng tốt.
Tháng trước, lãnh đạo các nước EU đã đồng ý lập một quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 dự kiến trị giá hơn 1.000 tỷ euro (1.076 tỷ USD), song hầu hết các chi tiết của thỏa thuận vẫn chưa được thống nhất.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết vẫn tồn tại bất đồng giữa các chính phủ EU về việc quỹ nên chuyển tiền trợ cấp, hay chỉ đơn giản là các khoản cho vay.
Theo ông Macron, việc tăng các khoản vay sẽ gây tác dụng ngược, khi làm tăng nợ ở những quốc gia bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng như Italy, Bỉ, Hy Lạp.
Tổng thống Macron cho rằng để giải quyết khủng hoảng, EU cần hỗ trợ tiền cho những khu vực ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo đó, Pháp đề xuất cả liên minh đóng góp và bảo lãnh nợ chung.
Châu Âu đang phải đối mặt với một cú sốc kinh tế nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định đại dịch có thể khiến sản lượng kinh tế Khu vực Sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị giảm từ 5% đến 15%.
Tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm 2020 được dự báo giảm 5,4%, khiến năm 2020 trở thành dấu mốc tồi tệ nhất kể từ khi đồng tiền chung được đưa vào sử dụng năm 1999.
Tuy nhiên, dự báo của ECB vẫn lạc quan hơn nhiều so với dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng mức suy giảm có thể tới 7,5%.