EU-Anh chưa vượt qua bất đồng lớn trong đàm phán thương mại

0:00 / 0:00
0:00

Sau gần hai tuần đàm phán căng thẳng, EU và Anh vẫn còn nhiều khác biệt trong vấn đề nghề cá, cạnh tranh công bằng và giải quyết tranh chấp.

Cảng hàng hóa ở Corringham, phía Tây London, Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN).

Cảng hàng hóa ở Corringham, phía Tây London, Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN).

Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh ngày 3/11 cho biết hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận về ba điểm gây tranh cãi dai dẳng nhất trong các cuộc đàm phán về quan hệ thương mại song phương hậu Brexit, chỉ việc London rời Anh.

Diễn biến này cho thấy EU và Anh còn cách một thỏa thuận thương mại hâu “ly hôn” Brexit khá xa.

Sau gần hai tuần đàm phán căng thẳng để cố gắng đạt được một thỏa thuận nhằm bảo vệ mối quan hệ thương mại trị giá gần 1.000 tỷ USD khỏi những gián đoạn nghiêm trọng, EU và Anh vẫn còn nhiều khác biệt trong vấn đề nghề cá, cạnh tranh công bằng và giải quyết tranh chấp.

Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Simon Coveney cho biết thời gian để đạt được một thỏa thuận đang dần cạn.

Ông đồng thời nói thêm rằng dù hai bên đã đạt được một số tiến bộ trong vấn đề cạnh tranh công bằng, song như vậy là chưa đủ.

Theo ông Coveney, EU và Anh sẽ không có một thỏa thuận thương mại nếu không có một bộ quy tắc cơ bản về cạnh tranh bình đẳng và một cấu trúc quản trị có thể giải quyết các tranh chấp.

Bên cạnh đó, thủy sản - một lĩnh vực mang đầy tính biểu tượng cho những người ủng hộ Brexit ở Anh - đang là một vấn đề đặc biệt khó khăn khi London kiên quyết yêu cầu các bên sẽ tổ chức đàm phán hàng năm về hạn ngạch - một yêu cầu mà EU từ chối.

Bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần được thống nhất trước ngày 15/11 để Nghị viện châu Âu phê chuẩn, trước khi quá trình chuyển tiếp sau vụ “ly hôn” giữa nước Anh với EU hết hạn vào cuối năm nay.

Các doanh nghiệp hy vọng rằng áp lực thời gian và cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang mở rộng trên phần lớn châu Âu có thể buộc hai đoàn đàm phán tập trung vào việc đạt được một thỏa thuận để tránh sự hỗn loạn trong hoạt động thương mại, lĩnh vực năng lượng và hàng không.

Nhưng Viện nghiên cứu về Chính phủ (IfG) cho biết các nước và giới doanh nghiệp vẫn sẽ đối mặt với sự gián đoạn không thể tránh khỏi vào tháng Giêng ngay cả khi có hay không một thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU.

Brexit không thỏa thuận có nghĩa là quan hệ thương mại của Anh với EU sẽ dựa trên quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các khoản thuế sẽ được áp đặt theo quy định của tổ chức này khiến giá cả hàng hóa tăng đáng kể.

Trước đó, hãng xếp hạng tín dụng Moody’s cho biết ngay cả khi hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại vào cuối năm nay, thương mại giữa Anh và EU vẫn có thể bị thu hẹp về phạm vi.

Do đó, Moody’s nhận định Brexit sẽ tiếp tục gây áp lực làm giảm đầu tư tư nhân và ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của Anh.

Tin bài liên quan