ECB ra tín hiệu về một gói QE

ECB ra tín hiệu về một gói QE

(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, ngân hàng này có thể lại bắt đầu kế hoạch mua trái phiếu chính phủ để giảm chi phí vay vốn đang làm tê liệt nền kinh tế Tây Ban Nha và Ý.

Tuy nhiên, các điều kiện mà ngân hàng này đặt ra cùng với những ý kiến bất đồng từ Đức, thành viên chủ chốt của Ngân hàng đã làm thị trường phải thất vọng.

Trong động thái mới nhất để kiềm chế cuộc khủng hoảng của Khu vực đồng euro, Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi đã chỉ ra rằng, sẽ chẳng có bất kỳ sự can thiệp nào đến trước tháng 9 và chỉ có khi các chính phủ đóng góp cho các quỹ cứu trợ của khu vực.

“Hội đồng quản trị ECB có thể sẽ thực hiện các nghiệp vụ thị trường mở ở một phạm vi phù hợp để đạt được mục tiêu của mình”, ông Draghi phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp hàng tháng của Ngân hàng Trung ương.

ECB đã giữ mức lãi suất Khu vực đồng euro ở mức thấp kỷ lục là 0,75%/năm, nhưng ông Draghi cho biết, Hội đồng đã xem xét đến một sự cắt giảm tiếp theo trong bối cảnh các dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế ở các nước ngoại vi châu Âu đang lan rộng.

Một cuộc thăm dò của Reuters với khoảng 50 nhà kinh tế sau phát biểu của ông Draghi cho thấy, hầu hết các nhà kinh tế này đều dự đoán ECB sẽ bắt đầu mua trái phiếu của Ý và Tây Ban Nha vào tháng 9 và cắt giảm lãi suất xuống 0,50%/năm.

Ông Draghi đã phải chịu áp lực lớn từ các nhà đầu tư, các nhà lãnh đạo châu Âu và Hoa Kỳ trong việc đưa ra một cam kết vào tuần trước về việc sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ đồng euro.

Tuy nhiên, các cổ phiếu và đồng euro đã giảm sau phát biểu của Chủ tịch ECB, trong khi lợi tức trái phiếu Tây Ban Nha và Ý thì tăng vọt.

“Điều đó là khá thất vọng. Vì chẳng hành động được gì cho nên ông ta cơ bản là đang đổ lại trách nhiệm cho các chính trị gia”, Ioan Smith, chiến lược gia tại Knight Capital nhận định.

Ông Draghi cho biết, ba ủy ban của ECB sẽ làm việc về những biện pháp chi tiết của quá trình can thiệp và bàn xem có nên tiến hành tiếp các động thái khác sau đó. ECB cũng sẽ xem xét các biện pháp “không tiêu chuẩn” khác để kiềm chế cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro - ám chỉ rằng, ngân hàng này có thể chuyển sang việc nới lỏng định lượng, hoặc in thêm tiền.

Không giống như Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ và Ngân hàng Anh, đã thực hiện nới lỏng định lượng từ năm 2008 bằng cách tạo ra tiền để mua chứng khoán, ECB đến nay đã bỏ qua tất cả việc mua sắm.

Ngân hàng này từng dành 210 tỷ euro để mua trái phiếu trên các TTCK, nhưng nó đã kết thúc từ tháng 5/2010, với tác dụng hạn chế. Draghi nói rằng, nỗ lực mới của ECB sẽ rất khác biệt cả về phạm vi và điều kiện hoạt động.

Bất kỳ hành động mới nào của ECB cũng sẽ được tập trung vào các khoản nợ ngắn hạn và phụ thuộc vào sự đóng góp của các chính phủ cho các quỹ cứu trợ tài chính của khu vực, cũng như mức độ chấp nhận các điều kiện của người thụ hưởng.

“Các chính phủ phải sẵn sàng để kích hoạt Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) hay Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) trên thị trường trái phiếu”, ông Draghi nói.

Thủ tướng Ý, Mario Monti cho biết sau cuộc hội đàm với đối tác Tây Ban Nha Mariano Rajoy tại Madrid rằng, tuyên bố của Draghi đánh dấu “một vài bước tiến “, nhưng còn quá sớm để nói liệu Rome sẽ thích ứng được sự hỗ trợ như vậy hay không.

Ông Rajoy thì cho rằng, các quyết định của ECB là tích cực, nhưng vẫn nhiều lần từ chối cho biết, liệu Tây Ban Nha có yêu cầu một chương trình hỗ trợ hay không, việc mà đến giờ, ông này vẫn đang chống lại.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, họ hoan nghênh sự sẵn sàng hành động của ECB.

“Như chúng ta đã nhấn mạnh, chính sách tiền tệ một mình nó không thể giải quyết được các vấn đề mà Khu vực đồng euro đang phải đối mặt. Tuy nhiên, việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ và hỗ trợ đặc biệt sẽ giảm bớt căng thẳng trong khi chờ các chính sách khác được thực hiện và có hiệu lực”, một quan chức của IMF cho biết.

Nhà lãnh đạo của ECB đã lặp đi lặp lại rằng, đồng euro là “không thể thu hồi” và cảnh báo thị trường, sẽ là vô nghĩa đối với việc đặt cược chống lại đồng tiền duy nhất của 17 quốc gia châu Âu này. Ông cũng cho biết rằng, Ngân hàng Trung ương quyết tâm chống lại bất cứ nguy cơ “chuyển đổi” nào.

Tuy nhiên, các nhà phân tích không mấy ấn tượng với thông báo của lãnh đạo ECB về các hành động có điều kiện trong tương lai.

Marchel Alexandrovich, Phó chủ tịch cao cấp tại Jefferies nói thêm: “Những gì mà Draghi phát biểu, về cơ bản chỉ nói lên rằng, các vấn đề trong thị trường trái phiếu có thể tồi tệ hơn trước khi ECB có động thái giúp đỡ”.