DVD - bất ổn ngay trong BCTC công ty mẹ

DVD - bất ổn ngay trong BCTC công ty mẹ

(ĐTCK-online) Sự kiện CTCP Dược Viễn Đông (DVD) có thể bị phá sản nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trên thị trường.

>> Toàn cảnh vụ DVD

Từ đầu năm 2011 đến nay, công ty này không công bố một báo cáo tài chính nào ra công chúng, nên dư luận rất mơ hồ về thực trạng tài chính tại Công ty này. Tại báo cáo tài chính (BCTC) quý IV/2010 của công ty mẹ (chưa kiểm toán) nổi lên một số vấn đề đáng quan tâm sau:

 

Khoản tiền trả trước cho người bán cao đột biến

Trong BCTC quý IV/2010 công ty mẹ nổi lên một số vấn đề tương đồng với kết luận ban đầu từ cơ quan chức năng (ông Lê Văn Dũng cùng một số đối tượng đã lập ra nhiều công ty, kinh doanh lòng vòng, tạo doanh thu ảo cho DVD). Cuối năm 2010, khoản phải trả cho người bán của DVD lên tới 613 tỷ đồng, cao đột biến so với 135 tỷ đồng hồi đầu năm.

Mức chênh lệch đột biến này và thông tin từ cơ quan chức năng gợi ra nghi vấn về DVD chuyển tiền cho một công ty sân sau để các đơn vị này đi mua hàng từ một công ty con rồi về bán lại cho chính DVD. Nếu làm theo cách này, doanh thu bán hàng và lợi nhuận của các công ty con sẽ tăng lên, từ đó lợi nhuận và doanh thu báo cáo hợp nhất tăng. Vòng quay cứ như vậy gia tăng giữa công ty con và công ty mẹ, có thể tạo ra doanh thu và lợi nhuận ảo cho DVD.

 

Dấu hiệu từ dòng tiền âm

Dù vẫn công bố lợi nhuận, nhưng nhìn vào báo cáo dòng tiền của Công ty, có thể thấy, DVD không phải là một công ty tạo ra tiền cho cổ đông, vì dòng tiền liên tục bị âm với mức năm sau cao hơn năm trước (năm 2009 là âm 86 tỷ đồng, năm 2010 âm 274 tỷ đồng).

Cách tạo ra doanh thu và lợi nhuận ảo ẩn chứa rất nhiều nguy hại. Chẳng hạn, khi công ty không thực sự bán hàng ra bên ngoài, một mặt vẫn phải gánh chịu lãi vay, nhưng mặt khác lại không có nguồn tiền chi trả, đã góp phần làm suy kiệt dòng tiền hoạt động. Lợi nhuận cao, công ty phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, nên số tiền nộp thuế lại làm cho dòng tiền hoạt động càng thêm âm.

 

Vấn đề phát sinh khi phát mãi tài sản

Có 3 loại tài sản khó giải quyết và chiếm giá trị lớn, khó thu hồi của DVD hiện nay. Thứ nhất, hơn 163 tỷ đồng tài sản vô hình, tài sản này xem như là không có giá trị khi DVD bị tuyên bố phá sản. Thứ hai, tiền trả trước cho người bán 613 tỷ đồng. Nếu người bán là các công ty sân sau của cựu lãnh đạo DVD thì làm thế nào để có thể thu hồi? Thứ ba, các khoản phải thu khác trên 200 tỷ đồng. Khoản phải thu này là thu của ai, nếu đó là những chi phí chi ra, nhưng chưa hoặc không được hạch toán vào chi phí trong kỳ thì làm sao thu hồi được? Đó là những câu hỏi hiện hữu về DVD hiện nay.