Doanh thu sản phẩm sữa đậu nành giảm nhẹ trong quý I/2021.
Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi - nhà sản xuất sữa đậu nành lớn nhất tại Việt Nam, ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong quý I/2021 với doanh thu thuần tăng 15% lên 1.648 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 161 tỷ đồng, tăng 37,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hộp sữa đậu nành mang thương hiệu Vinasoy, Fami lại không phải động lực tăng trưởng chính của Đường Quảng Ngãi trong quý này.
Theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp, sản phẩm này chỉ mang về hơn 728 tỷ đồng doanh thu, giảm 0,4% so với năm trước. Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ mức hơn 45% xuống còn 41,7% trong quý I năm nay.
Chuyên gia phân tích từ Chứng khoán SSI cho biết, xu hướng tăng mạnh của giá đậu tương thực tế vẫn chưa tác động đến biên lợi nhuận bởi công ty đã chốt giá khoảng 50% nhu cầu đậu tương cho sản xuất kể từ năm trước, với mức giá tương tự như năm 2020. Tuy vậy, giá đường tăng và xu hướng người tiêu dùng tiêu thụ các sản phẩm giá thấp đã kéo giá bán bình quân giảm. Do đó, lợi nhuận gộp mảng sữa đậu nành giảm gần 7,7% nhưng vẫn là “nồi cơm chính” đóng góp tới 328 tỷ đồng, tương đương 91,6% lợi nhuận gộp.
Theo lãnh đạo công ty, hiệu quả hoạt động kinh doanh của màng sữa đậu nành, nước khoáng... giảm so cùng kỳ năm trước, nhưng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh mảng đường lại tăng. Trong khi cùng kỳ năm trước phải kinh doanh dưới giá vốn, công ty lãi 49,5 tỷ đồng trong năm nay, tương đương mức tỷ suất lợi nhuận gộp 12,1%. Con số này cũng cao hơn nhiều tỷ suất bình quân của năm 2020.
Hai lý do đã được Tổng giám đốc Võ Thành Đàng chỉ ra. Trong đó, dây chuyền sản xuất sản phẩm đường hoạt động ổn định, tiết kiệm chi phí trong sản xuất là nguyên nhân đã giúp hạ giá thành sản phẩm, gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cùng đó, công ty đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng sản xuất công nghiệp trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng cây mía.
Một số khoản chi phí được tiết giảm như chi phí bán hàng, chi phí lãi vay. Nhờ đó, Đường Quảng Ngãi vẫn giữ đuộc mức tăng trưởng lợi nhuận tốt. So với kế hoạch kinh doanh 8.000 tỷ đồng doanh thu và 913 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, công ty cũng đã hoàn thành lần lượt 20,6% và 17,6% mục tiêu đề ra. Đây là một kết quả khả quan nếu so với các quý I trong ba năm trước.
Đường Quảng Ngãi là doanh nghiệp có quy mô tài sản lớn, xấp xỉ gần 9.490 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I/2021. Giá trị tài sản của công ty nằm chủ yếu ở các tài sản cố định với nguyên giá hơn 8.060 tỷ đồng và giá trị sau khi trừ đi khấu hao hiện xấp xỉ 3.512 tỷ đồng. Ngoài ra, Đường Quảng Ngãi còn 2.669 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng dưới một năm.
So với đầu năm, lượng tồn kho đã tăng lên đáng kể, đạt 1.399 tỷ đồng. Trong số này, tồn kho thành phẩm đạt 1.012 tỷ đồng, gấp 5 lần thời điểm đầu năm và cũng cao hơn mức 875 tỷ đồng thời điểm cuối quý I năm trước.
Nguồn vốn chính của công ty là vốn tự có, trong đó 3.569 tỷ đồng từ vốn góp và 2.920 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận tích lũy qua các năm. Tổng các khoản vay nợ của công ty đến ngày 31/3 đạt 2.874 tỷ đồng, chỉ chiếm hơn 30% nguồn vốn.
Kỳ vọng bớt khó từ áp thuế chống bán phá đường Thái Lan
Từ ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm mía đường từ Thái Lan. Thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời có thời hạn áp dụng là 120 ngày kể từ ngày có hiệu lực (trừ khi được gia hạn theo quy định pháp luật).
Theo phân tích của Chứng khoán SSI, nếu thuế chống bán phá giá chính thức được áp dụng (hiện tại mới tạm thời áp dụng trong thời hạn 120 ngày), đây có thể là 1 sự kiện có tính chất bước ngoặt cho ngành đường Việt Nam. Việc áp thuế chống bán phá giá đối với đường Thái Lan sẽ giúp bảo vệ đường trong nước khỏi đường nhập khẩu giá rẻ, cũng như đường nhập lậu và thúc đẩy ngành đường trong nước về dài hạn vì mục tiêu an ninh lương thực.
Vào ngày 12/5, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức buổi tham vấn công khai (dưới hình thức trực tuyến) với sự tham gia của 80 đại biểu đại diện cho các nhóm bên liên quan gồm: Chính phủ, doanh nghiệp, hiệp hội của Thái Lan và Việt Nam.
Đại diện ngành sản xuất trong nước cho rằng ngành mía đường Thái Lan được Chính phủ hỗ trợ từ kiểm soát thị trường nội địa (hỗ trợ mức giá cố định, phân chia thị phần), kiểm soát nhập khẩu, trợ cấp xuất khẩu, hỗ trợ tài chính trực tiếp 1,3 tỷ USD/năm, tài trợ nợ vay, trợ cấp vốn đầu vào. Trong khi, phía đại diện Chính phủ và các doanh nghiệp Thái Lan cũng cung cấp các thông tin về vấn đề giá bán, năng lực của ngành sản xuất Thái Lan và các tác động kinh tế - xã hội của việc áp thuế.
Kết luận điều tra cuối cùng dự kiến sẽ có trong tháng 6/2021 sau khi Bộ Công Thương hoàn tất các bước điều tra tiếp theo.