Đường đến Basel II của các ngân hàng

Đường đến Basel II của các ngân hàng

(ĐTCK) Một nội dung quan trọng trong Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 là tới cuối năm 2020, mọi ngân hàng đều phải đáp ứng chuẩn mực quản trị rủi ro Basel II theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Trong khi vẫn còn không ít ngân hàng chưa biết khi nào “về đích” thì đã có những ngân hàng “cán đích” trước thời hạn…

Chiến lược triển khai bài bản

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai áp dụng chuẩn mực Basel II, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết, tại VIB, ngay từ trước khi Thông tư 41/2016/TT-NHNN (về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) được ban hành, Ban lãnh đạo Ngân hàng đã bắt tay vào triển khai áp dụng nội bộ một số chuẩn mực Basel. Theo đó, tháng 4/2018, VIB đã hoàn tất và áp dụng việc tính toán, theo dõi mức độ đầy đủ vốn theo chuẩn Basel II và đến tháng 11/2018, VIB là 1 trong 2 ngân hàng đầu tiên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trao quyết định cho áp dụng sớm các chuẩn mực quản trị này.

Ông Vũ cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình triển khai Basel II tại Ngân hàng. Theo đó, VIB có chiến lược triển khai rõ ràng, hiểu rõ từ đầu sự tốn kém về nguồn lực tài chính và con người, về đòi hỏi khắt khe với ngân hàng mình khi áp dụng chuẩn mực mới, để không ngỡ ngàng hay chùn bước khi triển khai. VIB đã thuê đối tác nước ngoài và sử dụng các chuyên gia có kinh nghiệm để thiết kế hệ thống, định hướng trong thời gian đầu, nhưng đội ngũ triển khai chuyên môn sâu được lựa chọn từ nội bộ, nhờ đó, việc xây dựng và triển khai suôn sẻ và đặc biệt là “ngấm” sâu vào hệ thống.

Với mục tiêu có ít nhất 12 - 15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II (phương pháp tiêu chuẩn trở lên), đến nay, 17 ngân hàng thương mại (15 ngân hàng trong nước, 2 ngân hàng 100% vốn nước ngoài) đã có văn bản đăng ký áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN trước thời hạn hiệu lực, trong đó 11 ngân hàng thương mại đã có Quyết định chấp thuận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước gồm: Vietcombank, VIB, OCB, MB, VPBank, TPBank, ACB, Techcombank, MSB, HDBank, ShinhanBank.

Ngân hàng chú trọng phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu kinh doanh trên nền tảng công nghệ thông tin, xây dựng văn hoá và thói quen ra quyết định kinh doanh dựa vào phân tích cơ sở dữ liệu tự động. Đây là nền tảng tốt cho phát triển các ứng dụng tính toán và quản trị các chuẩn mực vốn Basel II. Công tác tập huấn, đào tạo về Basel II cho các cán bộ quản lý và các chuyên gia soạn thảo chính sách trong nội bộ được tiến hành kỹ lưỡng, để tự họ xây dựng hệ thống văn bản quy định, quy trình trong lĩnh vực chuyên môn mà họ đang làm hàng ngày, đảm bảo được các quy định, quy trình này được hấp thụ hoàn toàn bởi hệ thống vận hành hiện hữu.

“Chúng tôi xây dựng kế hoạch tăng trưởng vốn với nhiều phương án nhằm tăng tính thích ứng với thực tế thị trường. VIB đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ thêm hơn 41% năm 2018 và thêm 18% nữa năm 2019”, ông Vũ cho biết thêm.

Cũng theo ông Vũ, VIB đang khẩn trương triển khai giai đoạn nâng cao, bao gồm dự án triển khai Quy trình đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (ICAAP), đặt mục tiêu tuân thủ trụ cột 2 của Basel II theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN và Chương 5 của Thông tư 13/2018/TT-NHNN ngay trong năm 2019, sớm hơn một năm so với quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, dự án xây dựng mô hình rủi ro tín dụng nhằm tính toán vốn nội bộ theo phương pháp nâng cao của Basel. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng đang triển khai đầu tư nâng cấp hệ thống khởi tạo khoản vay và dự án lưu trữ dữ liệu nhằm củng cố nền tảng dữ liệu, phục vụ chuẩn hóa dữ liệu đầu vào.

“Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II của VIB hiện ở mức 9,6%”, ông Vũ tiết lộ.

Được Ngân hàng Nhà nước công nhận sớm đáp ứng chuẩn mực Basel II cùng với VIB, Vietcombank cho biết, nhằm hiện thực hóa mục tiêu là ngân hàng quản trị rủi ro tốt nhất, từ năm 2014, Hội đồng quản trị đã chỉ đạo triển khai dự án phân tích chênh lệch giữa yêu cầu của Basel II với hiện trạng của Ngân hàng.

Trên cơ sở đó, Vietcombank đã đưa ra lộ trình thực hiện với tổng cộng 82 sáng kiến nhằm đáp ứng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào năm 2018 và đáp ứng phương pháp nâng cao vào năm 2019. Để triển khai Chương trình Basel II đảm bảo chất lượng, Hội đồng quản trị Vietcombank đã thành lập bộ máy triển khai, bao gồm Hội đồng quản trị, Ban triển khai Chương trình với Tổng giám đốc là Trưởng ban và các nhóm triển khai do các thành viên Ban lãnh đạo phụ trách trực tiếp điều hành.

Định kỳ hàng tháng, Ban triển khai họp để đánh giá tiến độ triển khai, giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc. Hàng quý, Hội đồng quản trị họp để chỉ đạo định hướng, đảm bảo chất lượng triển khai phù hợp với chiến lược của Ngân hàng. Chương trìnth có phạm vi sâu rộng, với sự tham gia của trên 160 nhân sự đến từ trụ sở chính và các chi nhánh.

“Việc thoái vốn tại các tổ chức tín dụng trong năm 2018 cũng đã giúp tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của Vietcombank đạt 9,58%, đáp ứng tỷ lệ theo Basel II”, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho hay.

Nền tảng mở rộng hoạt động kinh doanh bền vững và hiệu quả

Tại TPBank, Tổng giám đốc Nguyễn Hưng cho biết, để được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trao quyết định áp dụng Thông tư 41/2018/TT-NHNN kể từ ngày 1/5/2019, TPBank đã chủ động nghiên cứu, thực thi Basel II, tham gia tích cực các nội dung của Ngân hàng Nhà nước và cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng triển khai cho các ngân hàng thực thi Basel II như tính toán tác động định lượng, thực hiện báo cáo định kỳ triển khai Basel II, tham gia tích cực các chương trình đào tạo do Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp tổ chức trong suốt 3 năm. Việc đạt chuẩn Basel II sẽ giúp TPBank có nhiều thuận lợi hơn trong việc triển khai các mô hình kinh doanh mới, đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng.

Được biết, trước khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra lộ trình áp dụng Basel II, TPBank đã sớm xây dựng cơ chế quản trị rủi ro chặt chẽ nhằm đảm bảo các hoạt động của Ngân hàng an toàn, minh bạch, ổn định. Những kinh nghiệm trong việc xây dựng cơ chế quản trị rủi ro nội bộ đã giúp Ngân hàng sớm đáp ứng các yêu cầu về mặt kỹ thuật của việc tính toán hệ số an toàn vốn theo hướng dẫn của NHNN và rất nhanh đạt chuẩn Basel II so với các ngân hàng trong cùng hệ thống.

Còn tại VPBank, thay vì thuê đơn vị tư vấn bên ngoài triển khai Basel II, Ngân hàng đã tự xây dựng một đội ngũ với 58 nhân sự toàn thời gian để thực hiện chương trình này. Trong suốt 4 năm qua, đã có 82 tiểu dự án liên quan tới Basel II được thực hiện, 28 khóa đào tạo và 15 mô hình đo lường rủi ro đã được triển khai. Một trong những thách thức mà nhiều ngân hàng gặp phải khi triển khai Basel II là đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu. Ở khía cạnh này, VPBank liên tục đáp ứng rất tốt trong những năm qua. CAR của VPBank trong những năm gần đây luôn cao hơn rất nhiều so với quy định 8% theo tiêu chuẩn Basel II. Kết thúc năm 2018, hệ số CAR theo tiêu chuẩn Basel II của VPBank là 11,2%.

Tuy nhiên, tỷ lệ an toàn vốn chỉ là một trong những điều kiện buộc phải tuân theo. Một lãnh đạo cao cấp VPBank cho biết, lợi ích lớn hơn ngân hàng có được khi hoàn toàn tuân thủ Basel II là áp dụng những tiêu chuẩn đó vào hoạt động kinh doanh, đi cùng với đó là mô hình quản trị rủi ro với ba vòng bảo vệ.

Thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu kinh doanh, trong 3 năm qua, Ngân hàng đã tập trung vào việc cân bằng giữa mục tiêu kinh doanh và quản trị rủi ro. Tất cả các đơn vị kinh doanh và đơn vị hỗ trợ thường xuyên nhận được báo cáo về mức độ sử dụng vốn theo chuẩn Basel II, cũng như các đề xuất nhằm tối ưu hóa việc sử dụng vốn, giúp giảm thiểu rủi ro trong các hoạt động của ngân hàng.

“Các quyết định kinh doanh nhờ đó không chỉ dựa trên lợi nhuận, mà còn cân nhắc các yếu tố rủi ro đã được lượng hóa. Kết quả là trong bốn năm trở lại đây, VPBank luôn nằm trong nhóm ngân hàng có doanh thu và lợi nhuận lớn nhất hệ thống. Hiệu suất thu lời trên từng đồng vốn cũng thuộc nhóm cao nhất thị trường”, vị lãnh đạo VPBank cho biết.

Được biết, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của VPBank tính đến 30/9/2019 đạt 26.333 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng tiếp tục đà tăng trưởng tốt trong năm, đạt 7.199 tỷ đồng ở thời điểm cuối tháng 9, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) ở thời điểm cuối tháng 9/2019 là 2,3%, cao hơn so với 2,1% trong nửa đầu năm. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 20,4% cuối quý III/2019, cao hơn mức 19% trong 6 tháng đầu năm. CAR của Ngân hàng đạt 11,4% tính đến cuối tháng 9/2019.

“Với việc được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tuân thủ Thông tư 41, VPBank đã xây dựng được một khung quản trị rủi ro vững chắc. Đồng thời, do một trong ba trụ cột của Basel II là minh bạch thông tin, hoạt động quản trị doanh nghiệp của VPBank cũng sẽ minh bạch hơn, nâng cao tính hiệu quả hoạt động trên nguyên tắc thị trường. Khung quản trị rủi ro vững chắc và hoạt động minh bạch sẽ tạo nền tảng cho ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai một cách bền vững và hiệu quả”, lãnh đạo VPBank nhấn mạnh.

Tin bài liên quan