Ngày 22/10, sau 2 ngày xét xử, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án đối với 12 bị cáo trong đường dây khai thác cát lậu trên sông Hồng. Đường dây này do 2 bà chủ cầm đầu giật dây cả chục tàu thủy khai trái phép trên sông Hồng, băm nát lòng sông.
Theo hồ sơ vụ án, vào khoảng 5h30 ngày 5/1/2014, tổ công tác của Cục Cảnh sát đường thủy (Bộ Công an) phối hợp cùng Công an Hà Nội phát hiện trên tuyến sông Hồng (địa phận xã Thống Nhất, Vạn Điểm thuộc huyện Thường Tín) có 10 tàu thủy đang khai thác cát trái phép.
Các tàu này đều không có biển kiểm soát, trọng tải 50 - 60 tấn, trên tàu có hàng chục m3 cát đen.
Sổ ghi chép việc khai thác mua bán cho thấy các tàu này khai thác cát rồi bán lại cho Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1975, ở xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội) là chủ nhân của bãi tập kết “Hải Yến” và Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1977, trú ở thôn Đặng Xá, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội) là chủ nhân của bãi tập kết “Huyền Hậu”.
Kiểm tra Bãi tập kết vật liệu xây dựng “Hải Yến”, cơ quan quản lý phát hiện gần 50.000 m3 cát đen không có nguồn gốc và các sổ sách liên quan đến việc mua, bán cát.
Tương tự, tại Bãi tập kết vật liệu xây dựng “Huyền Hậu”, phát hiện hơn 60.000 m3 cát đen, 5.400 m3 cát vàng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Vụ việc nhanh chóng được cơ quan điều tra làm rõ. Từ năm 2012, trên khu vực 2 xã nói trên hình thành 2 bãi tập kết vật liệu xây dựng mang tên “Hải Yến” và “Huyền Hậu”. Bãi “Hải Yến” do Nguyễn Thị Hải Yến làm chủ, có chiều dài 120 m (tính từ bờ sông vào chân đê).
Để giúp việc cho mình, Yến thuê anh trai (Nguyễn Tuấn Anh) và anh Lê Văn Hưng (SN 1969, người xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) quản lý, theo dõi việc mua bán cát, theo dõi sổ sách, tổng hợp số liệu.
Bãi thứ hai mang tên Huyền Hậu do Nguyễn Thị Thanh Huyền làm chủ, có tổng diện tích chừng 9.600 m2. Quá trình kinh doanh, Huyền thuê anh Đỗ Viết Thành (SN 1977, ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) và anh Trần Đình Hiệp (SN 1971) quản lý chung.
Từ năm 2012 đến tháng 1/2014, mặc dù không có giấy phép khai thác và biết rõ việc khai thác cát là vi phạm pháp luật, nhưng nhóm “cát tặc” đã dùng tàu thủy, hút cát dưới lòng sông để bán lại cho Yến và Huyền.
Không có giấy phép khai thác cũng như kinh doanh bến bãi, Yến và Huyền vẫn thương thuyết với nhóm chủ tàu để mua bán số lượng lớn cát từ lòng sông Hồng, thuộc địa phận 2 xã Thống Nhất và Vạn Điểm.
Hai bà chủ thỏa thuận với các chủ tàu sẽ tạm ứng tiền ăn, tiền dầu mỡ, tiền sửa chữa máy móc để chủ tàu khai thác cát dưới lòng sông Hồng, đổi lại các chủ tàu không được bán cho người khác mà chỉ được bán cho Yến, Huyền. Các chủ tàu phải nộp cho Yến, Huyền tiền “luật” gồm tiền điện, tiền thuê người trông coi bảo vệ.
Để tránh cơ quan chức năng phát hiện, các chủ tàu khai thác cát vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, từ 4 - 7 h sáng hoặc từ 17h30 - 19h hàng ngày.
Khu vực các chủ tàu này khai thác nằm trong chỉ giới thoát lũ bờ hữu sông Hồng, là khu vực cấm khai thác. Trên địa bàn huyện Thường Tín cũng không có đơn vị nào được cấm phép khai thác.
Các cơ quan chức năng xác định hành vi của nhóm bị cáo đã gây hậu quả nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên, gây thất thoát của công. 10 chủ tàu đã hút hơn 100.000m3 cát từ lòng sông bán cho Hải, Huyền thu lời bất chính hơn 2 tỷ đồng.
Việc khai thác cát lậu tại khu vực này được cơ quan chức năng đánh giá gây sạt lở mạnh bờ sông, làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến hệ thống đê điều, phá hoại tài sản Nhà nước, tính mạng, tài sản người dân.
Với hành vi trên, Yến, Huyền và 10 chủ tàu đã bị truy tố ra trước pháp luật vì tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”.
Nguyễn Thị Hải Yến bị tuyên phạt 12 tháng tù giam, Nguyễn Thị Thanh Huyền bị tuyên phạt 9 tháng tù giam, các bị cáo khác nhận từ 6 – 8 tháng án treo, có bị cáo được trả tự do tại tòa.