Đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân: Chạy đua để đỡ phạt cả triệu USD/ngày

0:00 / 0:00
0:00
Tháng 11/2015, EVN trình Pre FS lên và tới tháng 7/2019 mới được phê duyệt chủ trương đầu tư, sau đó tới tháng 7/2020, Uỷ ban vốn mới uỷ quyền cho EVN ra quyết định đầu tư.
Thi công tại Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 vào tháng 4/2021

Thi công tại Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 vào tháng 4/2021

Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) vừa khởi công Dự án thành phần 1 “Từ Nhiệt điện Vân Phong đến điểm D (G36A) - Điểm đấu nối TBA 500kV Thuận Nam vào Đường dây 500kV NĐ Vân Phong - NĐ Vĩnh Tân thuộc tỉnh Ninh Thuận”.

Nhận thức được tầm quan trọng và độ phức tạp của Dự án, nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã giao EVNNPT sớm triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư song song với quá trình đàm phán Hợp đồng mua bán điện. Hồ sơ Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi của Dự án (Pre FS) được EVN trình Bộ Công thương ngày 4/11/2015.

Tiếp đó, ngày 11/3/2016, EVN đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định và phê duyệt Pre FSs.

Sau44 tháng kể từ khi chủ đầu tư có tờ trình lần đầu, dự án mới được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 7/2019.

Ngay sau khi chủ trương đầu tư của Dự án được phê duyệt, EVN và EVNNPT đã tổ chức lập, thẩm tra, trình cấp có thẩm quyền thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án (FS) theo thủ tục, trình tự quy định. Tháng 11/2019, thiết kế cơ sở của Dự án đã được Bộ Công thương thẩm định và kết luận “phù hợp với quy hoạch được duyệt, có giải pháp thiết kế hợp lý, đáp ứng cơ bản các yêu cầu kỹ thuật hiện hành”.

Tháng 2/2020, FS đã được EVN trình lên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tháng 7/2020, Ủy ban đã có văn bản gửi EVN để thực hiện quyền, trách nhiệm của người phê duyệt, quyết định đầu tư. Tháng 8/2020, Hội đồng thành viên EVN đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình.

Tháng 12/2020, EVNNPT đã phê duyệt Thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình. Tiếp đó chọn nhà thầu xây lắp và dự án đã được khởi công trong tháng 7/2021.

Đây là dự án cấp bách, đáp ứng mục tiêu truyền tải công suất của Trung tâm Điện lực Vân Phong (trong đó có Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1), Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái và công suất nguồn năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vào hệ thống điện quốc gia.

Sau khi hoàn thành, dự án góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam, tạo mối liên kết mạnh giữa hệ thống điện miền Trung và miền Nam, tối ưu hóa trong vận hành hệ thống điện quốc gia.

Theo đánh giá của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), đây là dự án có thời gian thi công rất ngắn, gần 18 tháng, so với các dự án có quy mô và tính chất tương tự trong khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện Dự án.

Hiện do dịch bệnh COVID -19 có chiều hướng gia tăng tại các tỉnh miền Trung, miền Nam trong đó có Khánh Hòa, Ninh Thuận, nên các địa phương này đã có văn bản về công tác phòng chống dịch, cách ly, hạn chế việc đi lại đối với người đến từ vùng có dịch nên ảnh hưởng đến công tác điều hành Dự án trong thời gian qua cũng như khó khăn trong thời gian tới.

Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), hiện các địa phương đang tập trung chống dịch, các vướng mắc hiện tại tạm thời chưa được giải quyết; không tổ chức được các cuộc họp, tiếp xúc với chính quyền và người dân tại địa phương để giải quyết các thủ tục về hồ sơ, các vướng mắc về BTGPMB.

Trong công tác thi công, khó khăn trong việc thuê nhân công do các quy định về phòng chống dịch; việc di chuyển lực lượng, phương tiện thi công từ địa phương này đến địa phương khác rất hạn chế và nhiều vướng mắc.

Ngoài ra công tác cung cấp vật tư, vật liệu (cát, đá, xi măng, sắt thép, bê tông thương phẩm, điện nước,…) phục vụ thi công bị chậm do nhiều đơn vị kinh doanh nghỉ hoặc cung cấp hạn chế.

Đặc biệt, mua sắm vật tư thiết bị sẽ gặp khó khăn trong việc đặt tàu biển và công tác kiểm dịch tại Việt Nam cũng như một số nước. Thời gian vận chuyển đường biển kéo dài. Khó khăn trong việc cử chuyên gia nước ngoài vào lắp đặt, giám sát lắp đặt, thí nghiệm thiết bị.

Cùng với đó, do dịch bệnh tại châu Âu, châu Á cũng đang diễn biến khó lường làm nguồn cung cấp đầu vào khó khăn, nhiều gói thầu chậm tiến độ giao hàng, ảnh hưởng đến kế hoạch đóng điện theo kế hoạch.

Để hoàn thành đóng điện Dự án theo tiến độ đã cam kết với chủ đầu tư của Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong vào tháng 12/2022, EVNNPT sẽ trực tiếp chỉ đạo xuyên suốt quá trình triển khai Dự án, cùng CPMB và các nhà thầu thi công khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch được giao.

EVNNPT đã thành lập Ban Chỉ đạo các dự án đồng bộ với NMNĐ BOT Vân Phong 1 do Tổng giám đốc EVNNPT trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo, Giám đốc CPMB sẽ trực tiếp điều hành thường xuyên tại công trường trong giai đoạn nước rút. CPMB sẽ thành lập 2 Ban Tiền phương tại 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận để điều hành Dự án.

Đối với công tác BTGPMB, EVNNPT/CPMB đã làm việc với các cấp chính quyền địa phương để báo cáo tình hình, đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp ngay sau khi có hồ sơ đo đạc. EVNNPT/CPMB sẽ thường xuyên cập nhật, báo cáo kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho Tỉnh ủy, UBND các tỉnh có Dự án đi qua để phối hợp chỉ đạo giải quyết.

Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, EVNNPT kiến nghị UBND các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, các bộ, ngành có liên quan sớm thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng Dự án khi các địa phương trình hồ sơ.

EVNNPT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản, công điện chỉ đạo chính quyền các địa phương hỗ trợ EVN, EVNNPT, CPMB và các đơn vị tham gia ngay từ những ngày đầu triển khai Dự án trong công tác BTGPMB để đảm bảo hoàn thành dự án đưa vào vận hành trong năm 2022.

Đối với các địa phương có dự án đi qua, EVNNPT kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện sớm hoàn thành các thủ tục về bàn giao chi tiết tuyến. Đặc biệt không để phát sinh nhà cửa, công trình trong hành lang tuyến đường dây đã thỏa thuận. Đồng thời tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư trong công tác BTGPMB, đáp ứng mục tiêu tiến độ đưa Dự án. Kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện một số cơ chế để đặc thù để đẩy nhanh công tác BTGPMB.

Theo Hợp đồng mua bán điện giữa EVN và chủ đầu tư Dự án BOT Vân Phong 1, trường hợp đường dây tải điện bị chậm trễ, dẫn đến vận hành thương mại chậm hơn so với thỏa thuận tại Hợp đồng (Tổ máy 1 ngày 26/9/2023, Tổ máy 2 ngày 26/01/2024), EVN sẽ phải trả phí công suất mà không nhận được điện, ước tính khoảng 11,4 tỷ đồng/ngày cho Tổ máy 1 và 22,8 tỷ đồng/ngày cho cả nhà máy (tính đến thời điểm nhà máy vào vận hành thương mại, bao gồm cả trượt giá cho chi phí vận hành và bảo dưỡng cố định cho đến ngày vận hành thương mại, tỷ giá 23.080 VND/USD), chưa kể các chi phí khác phát sinh để duy trì hoạt động của nhà thầu trên công trường sẽ do Công ty BOT đưa ra sau này.

Ngoài ra, khi đường dây của ngành điện bị chậm tiến độ và EVN vẫn chi trả các chi phí nêu trên cho Công ty BOT, nhưng cũng chỉ được khắc phục việc chậm đường dây trong vòng 3 tháng tính từ thời điểm 26/9/2023 (lúc này EVN có thể đã phải trả đến hơn 1.368 tỷ đồng mà không nhận được điện). Quá thời hạn trên, sẽ tạo thành sự kiện phạm lỗi của EVN, kéo theo sự kiện phạm lỗi của phía Việt Nam và Công ty BOT được quyền chấm dứt dự án, Bộ Công thương phải mua lại dự án, nếu Công ty BOT quyết định như vậy theo các quy định trong hợp đồng đã ký giữa các bên.

Tin bài liên quan