Đuổi nắng chiều trên đỉnh Ô Quy Hồ

Đuổi nắng chiều trên đỉnh Ô Quy Hồ

(ĐTCK) Đầu tháng 11, một cơ duyên tình cờ đã đưa tôi trở lại với mảnh đất Sa Pa. Không khí mát mẻ, trong lành của mùa Thu rất thích hợp cho chuyến đi ngắm cảnh sau nhiều ngày mỏi mệt với nhịp sống đô thị. Trong đó, hành trình đuổi nắng chiều trên đỉnh Ô Quy Hồ huyền thoại đã đưa tôi tìm đến câu chuyện tình đẹp nhưng đượm buồn từ nghìn năm trước.

Câu chuyện tình nghìn năm

Nằm trên tuyến Quốc lộ 4D, giáp ranh giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu là con đèo Ô Quy Hồ huyền thoại, từ lâu đã được mệnh danh là “vua đèo vùng Tây Bắc”. Do vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn dài hun hút, quanh năm mây mù bao phủ, nên Ô Quy Hồ còn có tên gọi khác là đèo Hoàng Liên, hoặc đèo Mây.

Người xưa kể lại rằng, từ thuở hồng hoang, thác Tình Yêu ngay dưới chân đèo đã từng là nơi hẹn hò của nàng tiên Trời thứ bảy và một chàng tiều phu tên gọi Ô Quy Hồ - người con trai cả của thần núi Ai Lao. Không được sự chấp thuận của nhà Trời, nên đôi trai gái sớm phải chia lìa.

Vì quá thương nhớ người yêu nơi trần thế, nàng tiên xinh đẹp đã biến mình thành một loài chim lông vàng, lúc nào cũng kêu 3 tiếng Ô Quy Hồ da diết khôn nguôi ở nơi đỉnh núi cao. Từ ấy, tiếng kêu của loài chim trở thành tên gọi của con đèo hoang dại, hiểm trở giữa lưng chừng đất trời Tây Bắc bây giờ.

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đèo Ô Quy Hồ như thanh gươm của thượng đế nhiệm màu, vung lên, chém xuống, chẻ đá thành những ngọn núi cao, đồi thấp chồng chéo lên nhau giữa bao thung lũng rộng. Và nắng, mưa cùng với các ngọn gió hoang thổi qua như hàng triệu vết dao sắc lẹm, dẫu chậm chạp, nhưng cũng đã bào mòn đỉnh núi, cắt lớp bên ngoài, tạo thành những cung đường vòng vèo kỳ dị. Hết ngọn đồi này tới ngọn đồi khác, quanh năm đỏ rực một màu dưới ánh mặt trời chói nắng.

Nếu không tính đến sự hiểm trở của địa hình, thì Ô Quy Hồ quả thực là một món quà thiên nhiên vô giá. Bởi vẻ đẹp hùng vĩ, thiên biến vạn hóa của nó hiếm có nơi nào sánh kịp. Mùa Hạ có mây mù bồng bềnh bao phủ, mùa Đông có tuyết rơi đầy đường.

Đôi khi đi ngang qua đây ta còn bắt gặp hiện tượng thời tiết kỳ lạ, cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa hai vùng. Có khi phía Lào Cai đang nắng ấm ấp là thế, nhưng sang đến địa phận tỉnh Lai Châu trời đã sầm sì dọa mưa. Nửa bên kia Lai Châu có khi đã dần chìm sâu vào bóng tối, còn nửa này vẫn đỏ rực dưới ánh nắng vàng.

Đuổi nắng chiều trên đỉnh Ô Quy Hồ

Đầu tháng 10, một cơ duyên tình cờ đã đưa tôi trở lại với mảnh đất Sa Pa. Thời tiết mùa Thu ở đây thật dễ chịu so với miền xuôi. Không khí mát mẻ, trong lành rất thích hợp cho chuyến đi ngắm cảnh sau nhiều ngày mỏi mệt với nhịp sống đô thị.

Lúc tôi đến Sa Pa, đồng hồ điểm đúng bốn giờ. Bầu trời đã ngả chiều, vài mảng tối sẫm màu đã bắt đầu rục rịch thế chỗ cho các góc đèo còn đang nắng. Theo Google Map, chúng tôi tìm đường qua thác Tình Yêu rồi lái thẳng xe lên đỉnh Ô Quy Hồ. Đoạn đường chỉ khoảng 15 cây số, nhưng gặp nhiều khúc cua tay áo đến chóng mặt.

Đi khoảng 30 phút thì chúng tôi tới nơi, vừa kịp đón khoảnh khắc hoàng hôn buông xuống đẹp đến nghẹt thở. Trên đèo Ô Quy Hồ, Mặt Trời đang chói chang bỗng biến thành một quả hồng chín đỏ giữa nền mây trắng bồng bềnh. Bóng mặt trời dần phủ lên các ngọn núi đá biếc xanh đang vắt mình ngang qua những hẻm vực lớn. Mỗi ngọn núi lại mang một thứ tinh thần riêng biệt thông qua hình dáng, địa thế, hệ sinh thái... của mình. Tuy nhiên, cây cối của chúng thì lúc nào cũng tràn đầy sức sống. Dường như chúng muốn cố gắng xóa sạch mọi dấu vết mà con người đã hằn lên trên.

Tôi đứng giữa bốn bề gió lộng miên man để từng ngọn gió từ trăm hướng, ngàn phương thổi về phần phật. Tiếng gió không bi thương như tiếng người khóc than, mà rộn ràng như một bản hùng ca ra trận.

Rồi mắt tôi lạc đi giữa màu thẫm của lá phai và màu hoàng hôn sậm dần. Núi cũng như được nhuộm đỏ thẫm hơn dưới ánh nắng hoàng hôn. Vẻ đẹp hùng vĩ của con đèo như tan hết ra, lênh loang giữa trời, giữa đất. Màu đỏ rực của núi, màu đỏ thẫm của mặt trời quyện vào nhau như thể muốn đốt cháy hết vạn vật trên đời, kiêu hãnh cho đến giây phút sau cùng.

Mặc cho chứng bệnh sợ độ cao, mặc cho tim đang đập thình thịch, tôi cũng cố gắng bon chen ra sát mép vực để chụp vài tấm hình làm kỷ niệm. Ở đây người ta chỉ để bảng cảnh báo chứ không xây rào hay dựng tường ngăn du khách. Mỗi người tự biết chỗ nào nguy hiểm mà tránh xa.

Trong sự hùng vĩ của Ô Quy Hồ, mây cũng là một điểm nhấn quan trọng. Những đám mây trắng trôi bồng bềnh quấn lấy từng đỉnh núi cao tạo nên khung cảnh đẹp như xứ sở thiên đường, tưởng như được lạc vào một miền cổ tích xa xôi. Còn khi mây bị gió thổi tan sẽ để lộ những bản làng xa xa từ phía Lai Châu, những dãy núi nhấp nhô chập trùng trông như những bức tranh thủy mặc và tất nhiên, có thể có cả đỉnh Fansipan cao ngạo giữa mây trời nữa.

Dường như ở nơi này, thế giới hiện tại là một cái gì đó rất xa đến nỗi các bộn bề lo toan, tất bật của cuộc sống thường ngày không thể nào chen chân vào nổi. Cho nên du khách nếu ai đã một lần đến đây “đuổi nắng, săn mây” thì chắc chắn chẳng muốn cất bước ra về.

Chả vậy mà Ô Quy Hồ huyền thoại đã từng đi vào nhiều tác phẩm nổi tiếng của các văn nghệ sĩ như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Nguyễn Thành Long, Ma Văn Kháng, Lò Ngân Sủn.

Ngắm cảnh và chụp hình tự sướng đã đời, chúng tôi đi tới một vài quán ăn nhỏ gần đó nghỉ ngơi. Tại đây, nghề kinh doanh phát đạt nhất chính là bán đồ ăn vặt cho du khách. Phổ biến nhất là các đặc sản địa phương như thịt gác bếp, lê rừng, thịt bản nướng rau cải, rượu táo mèo, cơm lam…với giá cả rất rẻ.

Công việc làm ăn của chủ quán cũng vô cùng phát đạt vì khách đông và ghé đến thường xuyên. Tuy nhiên, tiền thu được từ dịch vụ buôn bán không phải thứ người địa phương thích nhất. Bởi như tôi quan sát, người bán hàng nào cũng sẵn sàng mời mọc du khách nếm thử các sản vật địa phương mình mà đôi lúc chẳng cần thu tiền.

Hóa ra thứ họ thật sự cần là cơ hội được trò chuyện và được kể chuyện với nhau. Quán ăn nhỏ hẹp chỉ để vừa 2 bộ bàn ghế này hóa ra đã đem lại cho họ rất nhiều người bạn phương xa. Họ mê mẩn kể các câu chuyện huyền thoại với du khách và cũng mong du khách có thể kể cho họ nghe một câu chuyện thú vị nào đó để đáp trả.

Giữa chập chùng những rừng đá nhô lên, chị chủ quán nơi chúng tôi ngồi đã kể say sưa về giấc mơ tổ ấm của mình. Một mái nhà nhỏ giữa rừng để mỗi sớm mai thức dậy đều nhìn thấy chồi non giữa bầu trời dù nắng hay mưa. Thành ra giờ mở cửa ở đây cũng kỳ lạ theo. Hôm nào vắng khách thì đóng sớm, nhưng hôm nào may mắn bắt gặp vị khách muốn chuyện trò, muốn đốt lửa, muốn ngồi nhẩn nha thì chủ quán không bao giờ chối từ, kể cả hôm đó là ngày mùa Đông lạnh buốt đến thế nào đi nữa.

Ngồi hàn huyên, tâm sự nói đủ thứ chuyện với chị đến tận 8 giờ tối chúng tôi mới có thể chia tay nhau. Con đường trở lại thị trấn Sa Pa đã bị bóng đêm nuốt chửng từ bao giờ. Đó là sự im lặng đến rợn tóc gáy, nhưng cũng thật thú vị. Thỉnh thoảng lại bắt gặp một chiếc xe khách ngược chiều vội vàng đưa khách về Lai Châu cho kịp giờ. Từng vệt sáng mỏng manh của đèn xe bám lấy cung đường quanh co rồi mất hút dưới một góc đèo hay một cua tay áo.

Tôi ngước mắt lên trời nơi có hàng vạn vì tinh tú đang lấp lánh rạng rỡ bên kia dãy núi, rồi từ từ trải khắp cánh rừng già hẻo lánh phía dưới tầm nhìn. Tất cả những ngôi sao ấy, tôi nghĩ có khả năng đánh động vùng ký ức tuổi thơ của biết bao người trong số chúng ta, bởi nó gần gũi thân thương như bất cứ một ngôi làng nào trên đất nước mình.

Ô Quy Hồ bắt đầu khoảnh khắc chìm nghỉm trong sương như một câu chuyện cổ tích. Có lẽ ngày Đông nào ở đây cũng kết thúc trong hình hài đẹp đẽ như vậy, nay còn đẹp hơn trên con đường chúng tôi trở về.

Hẹn gặp lại những cánh đồng mây lãng đãng trôi trong trời chiều Ô Quy Hồ một ngày không xa…

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com 

Tin bài liên quan