Dưới 1.000 điểm: Vốn ngoại sẽ trở lại mạnh mẽ

(ĐTCK) Trong bối cảnh tâm lý TTCK kém lạc quan, động thái bán ròng liên tiếp của khối ngoại khiến nhiều nhà đầu tư quan ngại. Bà Nguyễn Bỉnh Thanh Giao, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, khối ngoại không rút vốn, mà đang tái cơ cấu danh mục, đồng thời chuẩn bị cho các thương vụ lớn. 
Dưới 1.000 điểm: Vốn ngoại sẽ trở lại mạnh mẽ

Với kết quả kinh doanh quý I/2018 của khối doanh nghiệp niêm yết, bà có nhận xét gì về mối tương quan với diễn biến TTCK?

Nhiều nhà đầu tư trông chờ vào kết quả kinh doanh quý I/2018 với những thông tin tốt làm lực đẩy cho thị trường. Tuy nhiên, trong tháng 4 vừa qua, thị trường chứng kiến 5 phiên giảm mạnh của VN-Index với tất cả các nhóm cổ phiếu trụ cột đều giảm giá.

Điển hình như ngành ngân hàng, được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong năm 2018 và kỳ vọng sẽ dẫn dắt TTCK đi lên, nhưng trong tháng 4 cũng đã chứng kiến 11/12 cổ phiếu ngân hàng giảm giá, mặc dù kết quả kinh doanh quý I/2018 của toàn ngành nhìn chung là tốt, không ít ngân hàng đạt mức tăng trưởng trên 100% như HDB, TPB, VIB, EIB, ACB…

Điều đó cho thấy, kết quả kinh doanh quý I/2018 không đủ lực để làm bệ đỡ, bởi thị trường đã tăng nóng trước đó và nhiều nhà đầu tư có tâm thế chốt lời. Bất kỳ một tin xấu hoặc thiếu tích cực nào cũng có thể là lý do khiến thị trường giảm điểm.

Sau khi điều chỉnh từ trên 1.200 điểm,  VN-Index đang giằng co trên mốc 1.000 điểm, liệu mốc này có được giữ vững?

1.000 điểm là mốc tâm lý. Do đó, khi gần chạm ngưỡng này vào ngày 3/5, VN-Index đã tăng trở lại. Sắp tới, với sự kiện niêm yết của Techcombank ngày 11/5 và Vinhomes ngày 17/5, thị trường có thể sẽ có những phiên giao dịch sôi động hơn.

Dưới 1.000 điểm: Vốn ngoại sẽ trở lại mạnh mẽ ảnh 1

 Bà Nguyễn Bỉnh Thanh Giao

Tuy nhiên, nhìn vào thanh khoản TTCK gần đây thì thị trường khó có khả năng tăng mạnh. Các phiên giảm điểm sâu trong thời gian vừa qua đã lan tỏa tâm lý bi quan. Thêm vào đó, thông tin lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại là yếu tố bất lợi. Tuy vậy, lãi suất liên ngân hàng thường được điều chỉnh tăng vào thời điểm này hàng năm và lãi suất qua đêm hiện nay ở mức 1,9%/năm vẫn còn thấp so với mức 3,8%/năm của năm trước.

Với thanh khoản hiện còn thấp và tâm lý chung kém lạc quan, tôi dự đoán, VN-Index có thể sẽ rơi về mức 975 điểm - đáy ngắn hạn thời điểm đầu tháng 2/2018, trước khi có thể bật tăng trở lại. Lực đẩy lúc đó sẽ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài vì định giá thị trường ở mức thấp hấp dẫn hơn. Nhìn chung cả năm thì khả năng VN-Index có thể đạt trên 1.100 điểm, kịch bản trung lập mà ACBS đưa ra vào cuối năm là 1.131 điểm.

Bà đánh giá thế nào về động thái bán ròng của khối ngoại trong thời gian qua?

Động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài vừa qua không phải là rút ra khỏi thị trường Việt Nam, mà chỉ là hoạt động tái cơ cấu danh mục. Có những phiên, khối ngoại bán ròng về giá trị, nhưng về xét về khối lượng thì mua ròng.  Ngoài ra, động thái bán ròng của khối ngoại nhiều khả năng là sự chuẩn bị đầu tư vào những doanh nghiệp lớn sắp niêm yết. Quỹ đầu tư GIC từ Singapore đã nắm giữ 5,7% cổ phần Vinhomes là một minh chứng cho thấy, khối ngoại vẫn quan tâm đến TTCK Việt Nam.

Liệu đà bán ròng có tiếp diễn và động thái giao dịch của khối ngoại sẽ tác động như thế nào đến tâm lý thị trường thời gian tới, theo bà?

Chắc chắn rằng, động thái bán ròng của khối ngoại có ảnh hưởng xấu đến tâm lý thị trường. Khi thị trường hưng phấn, tăng điểm, thì việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài do sức ép chốt lời không ảnh hưởng quá nặng nề đến tâm lý chung. Ngược lại, khi thị trường có chuỗi giảm điểm sâu thì động thái đó sẽ là áp lực đè nặng lên tâm lý toàn thị trường.

Tuy nhiên, việc nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào các cổ phiếu sắp niêm yết sẽ là điểm sáng cho thị trường trong thời gian tới. So sánh TTCK Việt Nam với các thị trường khác trong khu vực thì VN-Index vẫn là một trong các chỉ số có mức tăng mạnh kể đầu năm nên vẫn thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Nếu chỉ số giảm xuống mốc 975 điểm, định giá thị trường trở nên hấp dẫn hơn, thì dòng vốn ngoại dự báo sẽ trở lại mạnh mẽ.

Theo bà, những lĩnh vực nào sẽ nhận được sự quan tâm của khối ngoại?

Cổ phiếu ngành ngân hàng, bất động sản và bán lẻ sẽ tiếp tục là trụ cột của thị trường. Khi nợ xấu được xử lý triệt để hơn, sức khỏe tài chính các ngân hàng được cải thiện mạnh, trích lập dự phòng ít hơn sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng về lợi nhuận. Hơn nữa, tiêu chuẩn Basel II đòi hỏi nguồn vốn cao hơn và việc sáp nhập một số ngân hàng sẽ giúp cho hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn, với mức định giá hấp dẫn. Ngoài ra, với một số ngân hàng có động thái giảm lãi suất huy động và có khả năng tăng lãi suất cho vay, lãi suất liên ngân hàng tăng, thì lợi nhuận trong ngắn hạn của ngành ngân hàng càng được củng cố.

Với ngành bất động sản, nhiều dự án đang và sắp ra đời sẽ là động lực tăng trưởng cho ngành. Còn ngành bán lẻ sẽ được hỗ trợ bởi tăng trưởng của nền kinh tế, GDP tăng, thu nhập tăng thì tiêu dùng tăng là tất yếu. 

Bà có khuyến nghị gì với nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay?

Thận trọng vẫn sẽ là lời khuyên được đưa ra trong thời điểm này khi thanh khoản thị trường chưa cao. Với nhận định VN-Index có khả năng sẽ thủng mốc 1.000 điểm, tôi cho rằng, các nhà đầu tư nên cẩn trọng quan sát dòng tiền. Khi thị trường chạm mốc 975 điểm và lấy đà tăng trở lại, sẽ là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư. 

Tin bài liên quan