Theo đó, cổ tức được trả bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, tương ứng 1 cổ phiếu được nhận 700 đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức là ngày 16/3, thời gian thanh toán dự kiến từ ngày 19/4/2021.
Như vậy, với xấp xỉ 8,8 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, Dược phẩm Phong Phú dự kiến chi khoảng 6,16 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.
Bên cạnh đó, Công ty dự kiến sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2021 vào ngày 24/4, tại trụ sở Công ty, Lô 12, đường số 8, Khu công nghiệp Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM.
Mới đây, Công ty đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 với kết quả năm 2020 ghi nhận doanh thu 116 tỷ đồng, giảm 23% so với cả năm 2019, tương ứng đạt 92,8% kế hoạch năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 9,8 tỷ đồng, dù giảm gần 20% so với cùng kỳ nhưng lại vượt 16% kế hoạch, ESP đạt 995 đồng/cổ phiếu.
Tính đến này 31/12/2020, Dược Phong Phú có tổng tài sản 144,6 tỷ đồng, giảm 8,4% so với số đầu năm. Trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 74,4% (107,6 tỷ đồng), nợ phải trả ngắn hạn chiếm 21% (31 tỷ đồng).
Hàng tồn kho còn 34,7 tỷ đồng (giảm 5,4%), phần lớn là nguyên vật liệu (19,1 tỷ đồng), tiếp đến là hàng hoá (7,9 tỷ đồng) và thành phẩm (4,7 tỷ đồng).
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm cuối năm 2020 của PPP đạt 10,92 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty còn hơn 2,2 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và gần 6,52 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.
Dược phẩm Phong Phú hiện có vốn điều lệ hơn 87,9 tỷ đồng, tương ứng khoảng 8,79 triệu cổ phiếu đang lưu hành, hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại dược phẩm, nguồn nguyên liệu chính để sản xuất dược phẩm của công ty chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, thị phần chính của công ty chủ yếu tại khu vực TP.HCM và miền Tây Nam Bộ.
Trên thị trường, đóng cửa phiên 23/2, cổ phiếu PPP nhích nhẹ 0,8% lên mức 12.000 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh hơn 7.200 đơn vị.