Dược phẩm Bến Tre: “Vũ khúc” của các dòng thu nhập

Các chỉ số thu nhập của Công ty cổ phần Dược phẩm Bến Tre (mã DBT, sàn HNX) trồi sụt khác nhau đang tạo thành một nhịp điệu khá sinh động, nhưng cũng ít nhiều gây rắc rối cho nhà đầu tư khi muốn tìm hiểu về năng lực thực tế của doanh nghiệp này.

Tách các khoản gây “nhiễu”

Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp luôn là con số được hầu hết các nhà đầu tưnhìn vào trước tiên để đánh giá hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, nhà đầu tư nhiều khi quên mất một công việc thậm chí có nghĩa hơn cả con số lợi nhuận cuối cùng, đó là truy xét nguồn gốc các dòng thu nhập tạo ra lợi nhuận. Thực tế, lợi nhuận của doanh nghiệp đến từ nguồn nào đôi khi còn có ý nghĩa hơn cả con số lợi nhuận cuối cùng ghi trên sổ sách kế toán của Công ty dùng để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Với trường hợp cụ thể của Dược phẩm Bến Tre, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý III/2018 đạt 2,1 tỷ đồng, giảm tới 62% so với cùng kỳ có thể khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đã thay đổi cục diện, từ mức âm gần 3,2 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017, sang mức dương hơn 2 tỷ đồng.

Tương tự, nhìn vào quãng thời gian 9 tháng đẩu năm 2018, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Dược phẩm Bến Tre là 11,1 tỷ đồng, giảm gần 12% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng lợi nhuận thuần 9 tháng đầu năm 2018 đạt 12,3 tỷ đồng, tăng tới 136% so với cùng kỳ.

Vậy khi quan sát kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, vì sao nhà đầu tư cần phải bóc tách lợi nhuận thuần để đánh giá, thay vì chỉ cần nhìn vào tổng lợi nhuận?

Về khái niệm, lợi nhuận thuần là lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh thuần của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo và được tính toán dựa trên cơ sở tính toán khoản chênh lệch giữa doanh thu thuần của hoạt động kinh doanh trừ đi chi phí hoạt động kinh doanh. Nói một cách nôm na, việc quan sát lợi nhuận thuần sẽ bóc tách được các hoạt động bất thường trong kỳ của doanh nghiệp.

Theo dõi diễn biến của lợi nhuận thuần của doanh nghiệp trong một chu kỳ dài có thể đánh giá chính xác hơn về tình hình hoạt động chính yếu của doanh nghiệp hơn là theo dõi diễn biến lợi nhuận ròng. Bởi lẽ, các khoản thu nhập bất thường lúc có, lúc không (không ổn định), nên việc bóc tách khoản thu nhập không ổn định tương tự như một cách “giảm nhiễu” để có thể nhìn vào tình hình sức khỏe doanh nghiệp một cách rành mạch hơn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hoàng Anh Tuấn, chuyên viên tư vấn đầu tư cao cấp thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho biết, trong năm 2017, Dược phẩm Bến Tre có khoản thu nhập bất thường 18 tỷ đồng từ thanh lý tài sản cố định. Theo đó, khi bóc tách thu nhập bất thường này ra, thì lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018 của Dược phẩm Bến Tre đạt 12,3 tỷ đồng, vẫn tăng mạnh so với 5,2 tỷ đồng cùng kỳ (mặc dù lợi nhuận ròng diễn biến ngược lại).

Các “game” về tài chính

Mặc dù lợi nhuận thuần có thể coi là con số phản ánh khá sát các hoạt động kinh doanh thường xuyên của doanh nghiệp, song các nghiệp vụ tài chính cũng có ảnh hưởng khá mạnh đến hoạt động doanh nghiệp. Nhiều khi, kỹ năng của doanh nghiệp trong các cuộc chơi về tài chính còn giải quyết được nhiều vấn đề hơn cả hoạt động sản xuất và bán hàng. Đương nhiên, trong cuộc phiêu lưu với các “game” về tài chính, ngoài tài năng của các nhà quản lý doanh nghiệp, cũng có cả yếu tố may rủi đi kèm. Do vậy, với các doanh nghiệp sản xuất, việc bóc tách riêng các hoạt động tài chính cũng sẽ khiến bức tranh kinh doanh của công ty được rõ nét hơn.

Các con số về thu chi tài chính cũng ảnh hưởng khá nhiều đối với lợi nhuận thuần. Cụ thể đối với Dược phẩm Bến Tre, một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận thuần 9 tháng đầu năm 2018 tăng so với cùng kỳ là việc Công ty giảm mạnh chi phí tài chính.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu tài chính của Công ty là 3,4 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính là 15,6 tỷ đồng (chênh lệch là âm 12,2 tỷ đồng). Trong khi đó, cùng thời kỳ này của năm 2017, doanh thu tài chính là 4,7 tỷ đồng, chi phí tài chính là 22,5 tỷ đồng (âm 17,8 tỷ đồng).

Các con số trên cho thấy ảnh hưởng của hoạt động tài chính trong năm 2018 đã ít tiêu cực hơn đáng kể so với năm trước đó, nhưng vẫn còn là một trong những vấn đề nổi cộm mà Dược phẩm Bến Tre cần có phương án xử lý hợp lý hơn, nếu muốn gia tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Kết quả kinh doanh trong 9 tháng năm 2018 của Dược phẩm Bến Tre đã cải thiện mạnh, nhưng xét một cách cụ thể, điều đó không hoàn toàn tích cực, vì sự cải thiện này chủ yếu là do lỗ tỷ giá năm 2018 ít hơn so với năm 2017.

Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, số tiền nợ ngoại tệ (dưới khoản mục phải trả người bán) đến cuối quý II/2018 chỉ còn ở mức 38 tỷ đồng, giảm mạnh so với 69 tỷ đồng đầu năm và 123 tỷ đồng cuối quý II/2017. Việc chịu các nghĩa vụ nợ ngoại tệ lớn, nhưng không thực hiện phòng vệ trước rủi ro tỷ giá là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh kém đi trong năm 2017.

“Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, Ban lãnh đạo Dược phẩm Bến Tre nên thực hiện phòng vệ một phần hoặc toàn bộ các nghĩa vụ nợ ngoại tệ nhằm đem lại kết quả kinh doanh ổn định hơn”, ông Tuấn phân tích.

Tính đến thời điểm giữa năm 2018, lỗ do chênh lệch tỷ giá phát sinh là 3,25 tỷ đồng. Đây là một điều khá đáng tiếc cho Dược phẩm Bến Tre, vì nếu Công ty không bị phát sinh khoản lỗ này, thì lợi nhuận thuần và lợi nhuận ròng của doanh nghiệp sẽ được cải thiện đáng kể. Cụ thể, nếu không có khoản lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 của Dược phẩm Bến Tre có thể tăng thêm 32%.

Mặc dù vậy, việc kiểm soát các chi phí tài chính liên quan đến tỷ giá trong năm 2018 dù sao cũng đã được cải thiện hơn so với năm trước đó, bởi trong năm 2017, lỗ do chênh lệch tỷ giá phát sinh cả năm thậm chí đã lên tới 9,9 tỷ đồng. Theo đó, doanh nghiệp nếu loại trừ được khoản lỗ này, thì doanh thu thuần trong năm 2017 đã có thể tăng thêm trên 41% so với con số thực tế mà Công ty đạt được.

Đương nhiên, khi nói về các hoạt động tài chính, không thể bỏ qua những ảnh hưởng từ chi phí lãi vay. Năm 2018, Dược phẩm Bến Tre tuy đã kiểm soát tốt hơn ảnh hưởng từ biến động tỷ giá, nhưng chi phí lãi vay lại có xu hướng tăng cao hơn. Trong 9 tháng đầu năm 2018, chi phí lãi vay của Dược phẩm Bến Tre là 9,7 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng năm 2017. Điều này phù hợp với con số vay và nợ thuê tài chính trong năm 2018 có xu hướng tăng so với năm 2017.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, doanh thu và giá vốn hàng bán trong 9 tháng đầu năm 2018 đều giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu 9 tháng đạt 582 tỷ đồng, giảm 1,5%; giá vốn hàng bán 9 tháng đạt 576 tỷ đồng, giảm 1,7% so với 9 tháng năm 2017. Việc Công ty gia tăng vay nợ ngân hàng kèm theo chi phí lãi vay bị đẩy lên cao trong bối cảnh doanh thu và giá vốn hàng bán giảm cho thấy việc kiểm soát chi phí đã có biểu hiện kém hiệu quả hơn so với năm trước đó.

Phát hành cổ phiếu riêng lẻ, nâng sở hữu tại Dược Yên Bái

Dược phẩm Bến Tre đang có kế hoạch phát hành riêng lẻ hơn 1,2 triệu cổ phiếu. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Dược phẩm Bến Tre sẽ tăng từ mức hơn 123 tỷ đồng hiện nay lên trên 135 tỷ đồng.

Việc chào bán cổ phiếu này cho một số cổ đông xác định để hoán đổi một phần cổ phiếu của Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái, với tỷ lệ hoán đổi 1 - 1.

Theo đại diện Dược phẩm Bến Tre, với việc phát hành này, tỷ lệ sở hữu của Dược phẩm Bến Tre tại Dược Yên Bái sẽ tăng từ 53,53% lên 82,15%. Mục đích tăng sở hữu này nhằm giúp Dược phẩm Bến Tre chủ động hơn trong việc sản xuất và phân phối thuốc. Tỷ lệ hoán đổi đưa ra dựa trên lợi thế và điều kiện hiện có của 2 công ty.

Tin bài liên quan