Thực trạng biến đổi khí hậu cùng với vấn nạn khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách ồ ạt, trái phép đã khiến cho môi trường sống của các loài động vật hoang dã bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng.
Chúng ta đã quá quen thuộc với những hình ảnh các loài động vật hoang dã, các loài thú ăn thịt vì thiếu thốn thức ăn mà phải lao vào những trận chiến đấu sinh tồn khốc liệt. Tuy nhiên, ở Mỹ có một nơi không khác gì thiên đường đối với các loài động vật ăn thịt, bởi lượng thức ăn quá dồi dào ở nơi đây.
Địa điểm được nhắc tới ở đây là Vườn quốc gia và khu bảo tồn Katmai ở Alaska, Mỹ, nổi tiếng với thung lũng Ten Thousand Smokes, và là nơi tập trung của rất nhiều gấu nâu và cá hồi.
Số lượng cá hồi ở đây nhiều đến nỗi, Cục Công viên Quốc gia Mỹ (National Park Service) đã chụp một bức ảnh để đăng trên trang cá nhân facebook của mình cho thấy, một con sói non đang ngậm trong miệng một con cá hồi tươi ngon bắt được dưới sông, phớt lờ la liệt hàng trăm xác cá hồi xung quanh.
Cơ quan này cho biết, thậm chí, xác cá hồi còn được tìm thấy treo đầy lủng lẳng trên các ngọn cành cây cối gần đó, đây là những thứ còn sót lại bởi các loại chim săn mồi.
Kỷ lục hơn 800.000 con cá hồi tụ tập trải dài hơn 2 cây số sông Alaskan. Nguồn: National Park Service. |
"Những xác cá hồi bị bỏ lại dọc theo bờ sông hầu như bị khuyết mất các bộ phận như da, não, và trứng, những thứ có chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao nhất của một con cá. Điều này thường xảy ra khi gấu và các loài ăn thịt khác có quá nhiều thức ăn, do đó chúng sẽ chọn lọc những phần tốt nhất để ăn"., các chuyên gia ở Vườn quốc gia Katmai viết trên trang facebook.
Hiện tượng, xác cá hồi được tìm thấy dọc các bờ sông là điều không phải quá xa lạ ở Alaska. Tuy nhiên, số lượng xác cá hồi được thống kê trong năm nay đặc biệt nhiều và đã phá kỷ lục các năm trước đó ở Katmai.
Được biết, trong một ngày những con gấu đi dọc bờ sông Brooks phải ăn đến hàng trăm con cá. Những con cá hồi Sockeye (cá hồi đỏ) tương đối lớn, với chiều dài trung bình gần 1 m và nặng khoảng gần 6 kg.
Gấu nâu nhảy múa khi bắt cá dưới lòng sông. Nguồn: Vườn quốc gia và khu bảo tồn Katmai ở Alaska. |
Các chuyên gia cho biết: "Hàng năm, từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 11, hàng chục nghìn con cá hồi sẽ bơi ngược dòng qua bờ sông Brooks trong khoảng vài tiếng hoặc vài ngày để đẻ trứng. Đây cũng là điểm đặc trưng của loài cá này, sinh ra tại khu vực nước ngọt, di cư ra biển, sau đó quay trở lại vùng nước ngọt để sinh sản. Để giảm tối thiểu khả năng sẽ bị săn, cá hồi sẽ cùng nhau bơi ngược dòng với số lượng cực kỳ lớn khiến các loài thú ăn thịt bị phân vân bởi quá nhiều thức ăn xung quanh. Đây cũng giống như một cách đặt cược vào số phận của loài cá hồi".