SCB mong muốn tìm kiếm một đối tác ngoại là tập đoàn tài chính để vừa giúp ngân hàng trong việc nâng cao năng lực vốn, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, vừa cùng nhau thúc đẩy chiến lược phát triển ngân hàng.
Ông có thể chia sẻ về kế hoạch hoạt động của SCB trong năm nay, thưa ông?
Với sự chỉ đạo sát sao của HĐQT, Ban Điều hành và nỗ lực của toàn thể CBNV, SCB đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh năm 2016 do Đại hội đồng cổ đông giao phó.
Mục tiêu năm 2017, SCB dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế 183 tỷ đồng, giảm tỷ lệ cho vay bất động sản, tăng tín dụng ngắn hạn và tăng tỷ lệ thực thu trên tổng thu nhập lãi, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước...
Điều đáng nói là trong những năm qua, chúng tôi đã rất nỗ lực để thu hồi, xử lý nợ, nên chất lượng tín dụng hiện tại dần được cải thiện theo chiều hướng tích cực hơn. Song song với đó, SCB cũng tập trung nguồn lực đầu tư về cơ sở hạ tầng, công nghệ làm nền tảng cho hoạt động bán lẻ của Ngân hàng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, SCB vẫn còn khó khăn nhất định, nên kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Vì vậy, trước mắt, SCB sẽ phải kiên nhẫn để xây dựng nền tảng ban đầu, chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo, tiến đến đạt được mục tiêu lâu dài.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn
SCB đặt mục tiêu xử lý nợ xấu, cũng như thu hồi lãi dự thu ra sao trong năm nay?
Trong năm 2016, SCB đã xử lý và thu hồi được hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu, giúp giảm đáng kể tổng nợ xấu mà SCB đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) từ mức 17.000 tỷ đồng, xuống còn 14.000 tỷ đồng. Năm qua, dù đã đẩy mạnh việc thu hồi lãi dự thu, nhưng do các dự án còn dở dang, chưa hoàn tất để đi vào khai thác, nên chưa thể giải quyết dứt điểm các tồn đọng.
Năm 2017, SCB tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, bởi thực chất, dù bán nợ xấu cho VAMC, song trách nhiệm xử lý vẫn thuộc về Ngân hàng, nhưng SCB có thể dừng được các khoản lãi dự thu và tìm cách để xử lý, thu hồi các khoản nợ gốc và lãi. SCB sẽ quyết liệt trong việc hạn chế phát sinh thêm các khoản lãi dự thu.
Trong năm 2017, SCB đặt mục tiêu thu hồi 1.500 tỷ đồng nợ quá hạn, nợ xấu. Trong đó, mục tiêu chính là đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu và quyết liệt xử lý vấn đề lãi dự thu nhằm nâng cao chất lượng nguồn thu. Tất cả các khoản lãi dự thu của SCB đều có tài sản đảm bảo là bất động sản, nên để thực hiện mục tiêu trên thì SCB phải rất kỷ luật, chặt chẽ và quyết liệt trong công tác xử lý tài sản đảm bảo, nhất là khi thị trường bất động sản đang ấm lên.
Dù đã nỗ lực xử lý, song 14.000 tỷ đồng vẫn là con số nợ xấu lớn, nên áp lực dự phòng đối với SCB hiển nhiên là không nhỏ, thưa ông?
Đúng là với số nợ xấu hiện tại, áp lực dự phòng với SCB là không nhỏ, thậm chí còn gia tăng hàng năm. Điều này cũng có nghĩa, trong quá trình tái cấu trúc và xử lý nợ xấu, đòi hỏi SCB phải hy sinh rất lớn, nên cần sự đồng lòng và chia sẻ từ các cổ đông.
Trong năm 2016, con số dự phòng mà SCB đã trích cũng tăng đáng kể, hơn 1.000 tỷ đồng, nâng tổng quỹ dự phòng đến thời điểm này lên gần 5.000 tỷ đồng. Lợi nhuận làm ra được bao nhiêu chủ yếu dành cho dự phòng rủi ro, cho nên mục tiêu lợi nhuận SCB đưa ra cho năm 2017 chỉ ngang bằng những năm trước, khoảng 150 tỷ đồng và chưa thể kỳ vọng cao hơn, bởi cần tập trung xử lý nợ.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức là 14%. Đó cũng là lý do vì sao SCB chưa thể chia cổ tức trong những năm tái cơ cấu, mà phải dành mọi nguồn lực để trích dự phòng, củng cố hoạt động… Nếu cổ đông không chia sẻ với HĐQT, Ban điều hành Ngân hàng thì sẽ rất khó để thực hiện mục tiêu này.
Song song với việc đẩy mạnh tái cơ cấu, SCB đa dạng các nguồn thu ngoài lãi như thế nào để gia tăng lợi nhuận, thưa ông?
Bên cạnh tín dụng, SCB sẽ tăng cường chất lượng nguồn thu ngoài lãi trong thời gian tới, nhằm đóng góp tích cực hơn vào tổng lợi nhuận. Trong cơ cấu bán lẻ của SCB năm qua, nguồn thu ngoài lãi chiếm tỷ trọng tương đối tốt. Cụ thể, tín dụng bán lẻ chiếm khoảng 40-50% tổng nguồn thu, nhưng nguồn thu về phí dịch vụ chiếm đến 70%. Trong đó, mảng kinh doanh tiền tệ có nguồn lợi nhuận tốt nhất.
Cùng với đó, SCB đã đa dạng hóa sản phẩm tài chính tiêu dùng, nhằm đem lại sự tiện ích và phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân.
Trong năm 2016, SCB cũng đã đẩy mạnh mảng hoạt động dịch vụ, khi nguồn thu ngoài lãi ròng đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 300% so với năm 2015; doanh thu từ Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long đóng góp khoảng 800 tỷ đồng. SCB kỳ vọng năm nay, nguồn thu này sẽ tăng lên 1.200 tỷ đồng. Mục tiêu thu ngoài lãi SCB dự kiến đạt trên 2.000 tỷ đồng.
Được biết, SCB đang đàm phán để bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Vậy SCB đã chọn được đối tác phù hợp hay chưa?
Hiện chúng tôi vẫn đang trong quá trình thương thảo với một số đối tác chiến lược nước ngoài. Thực tế, trước tết Nguyên Đán vừa qua, đã có một quỹ đầu tư nước ngoài ngỏ ý muốn mua 15% cổ phần của SCB. Tuy nhiên, SCB nhận ra rằng, với một quỹ đầu tư thì hạn mức rót vốn có phần hạn chế, nên sẽ không giúp cho Ngân hàng được nhiều trong quá trình xử lý các tồn đọng.
Mặt khác, nếu bán cổ phần cho một quỹ đầu tư thì về nguyên tắc, họ chỉ đầu tư tài chính. Trong khi đó, SCB muốn tìm kiếm một đối tác ngoại là tập đoàn tài chính, để vừa giúp ngân hàng trong việc nâng cao năng lực vốn, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, vừa cùng nhau thúc đẩy chiến lược phát triển ngân hàng. Có nghĩa là, khi có một đối tác “đồng bộ” thực sự, thì SCB sẽ có thuận lợi về mọi mặt trong việc giải quyết những tồn đọng hiện tại, cũng như thúc đẩy sự phát triển của SCB trong tương lai sau tái cấu trúc.
Thực tế cho thấy, mảng bất động sản với tài chính luôn song hành, nhất là khi tài sản đảm bảo của SCB chủ yếu là bất động sản, nên SCB rất cần những đối tác đủ mạnh về tài chính và chiến lược kinh doanh, để sau khi bắt tay hợp tác có thể giải quyết những khó khăn này. Vì thế, SCB đang định hướng đàm phán, tìm kiếm các đối tác chiến lược nước ngoài theo tiêu chí nói trên, nên chưa thể kỳ vọng có thể tìm được cổ đông phù hợp trong một sớm một chiều. Bởi SCB nhận thấy rằng, ngoài việc rót vốn, điều quan trọng nhất là đối tác phải cùng chiến lược kinh doanh với SCB.
Việc được chấp thuận về nguyên tắc bán trên 50% vốn cho đối tác ngoại có được xem là lợi thế đối với SCB trong quá trình thu hút vốn ngoại, thưa ông?
Với việc được chấp thuận bán cho nhà đầu tư nước ngoài trên 50% vốn, SCB là một trong số ngân hàng đầu tiên được cơ quan quản lý cho phép, nên đây cũng là điều kiện để hút vốn ngoại. Bởi hiện SCB đang trong quá trình tái cơ cấu và việc gọi thêm vốn nước ngoài để đẩy mạnh tái cấu trúc là hết sức cần thiết.
Mặt khác, đối với nhà đầu tư ngoại khi tham gia vào những ngân hàng đang tái cấu trúc, chắc chắn họ muốn nắm quyền sở hữu trên 50%. Đó cũng chính là lý do SCB xin chấp thuận việc bán hơn 50% cổ phần. Theo tôi, với tỷ lệ chi phối, khi cổ đông ngoại tham gia điều hành trong HĐQT ngân hàng, thì quy trình quản lý, quản trị rủi ro cũng sẽ được nâng tầm…, nên việc nới room cho nhà đầu tư ngoại là cấp thiết.
Trong năm nay, SCB hy vọng sẽ có sự đột phá trong quản trị, cũng như sự tham gia của đối tác ngoại trong HĐQT Ngân hàng. Bởi thực tế, đầu tư vào bất động sản đỏi hỏi nguồn vốn rất lớn. Trong khi đó, với SCB, hiện nay, tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án tầm cỡ, nên đòi hỏi nguồn lực tài chính đủ mạnh để xử lý được các khoản nợ này.
Sau hơn 3 năm nắm giữ vị trí điều hành của SCB, hình ảnh của Ngân hàng trên thị trường đã có những thay đổi rõ nét. Hiện ông còn trăn trở điều gì?
Định hướng của SCB đã rõ ràng, nên việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài cũng theo định hướng này. Ngoài ra, SCB đang từng bước thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ, đa dạng hóa sản phẩm, nhằm đáp ứng tốt nhất thị hiếu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nhân sự luôn được xem là yếu tốt cốt lõi để phát triển, nên SCB đang từng bước lan tỏa về kỹ năng quản trị xuống tận các chi nhánh, phòng giao dịch nhằm nâng cao khả năng bán hàng của nhân viên. Bởi thực tế hiện nay, việc khai thác các sản phẩm bán chéo ở SCB cũng như thị trường Việt Nam vẫn còn hạn chế, nên còn khá nhiều tiềm năng để khai thác, tăng nguồn thu… Quá trình tái cấu trúc của SCB sẽ kết thúc vào năm 2019, nên chúng tôi đang từng bước đẩy mạnh hoạt động, nhất là việc bán chéo sản phẩm giữa ngân hàng và bảo hiểm. Trong đó, phải kể đến hệ thống của Bảo hiểm Bảo Long, bởi chúng tôi đã tận dụng được mạng lưới và khách hàng của nhau để phát triển.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của SCB sắp diễn ra, ông có chia sẻ gì với cổ đông, thưa ông?
Tôi có một thông điệp xin gửi đến các cổ đông là, sau quá trình tái cơ cấu từ năm 2012 đến nay, bên cạnh khó khăn còn tồn đọng, SCB đã có những cải thiện rõ nét. Vì vậy, chúng ta phải kiên trì trong giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc, đồng thời nắm bắt những cơ hội phát triển trong hành trình đó để tìm kiếm đột phá mới. Cổ đông cũng cần chia sẻ với HĐQT, Ban điều hành Ngân hàng, cho dù trong những năm qua không nhận được cổ tức.
Khi khó khăn qua đi, hoạt động ngân hàng tốt lên và SCB thực hiện các kế hoạch mới như: bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, niêm yết cổ phiếu trên sàn để nâng cao tính thanh khoản, xử lý nợ xấu và hoàn nhập dự phòng rủi ro…, thì giá trị cổ phiếu sẽ tăng lên và lợi nhuận tốt hơn, đáp ứng được kỳ vọng của cổ đông.