Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá nguyên liệu đầu vào và sản phẩm chăn nuôi biến động theo chiều hướng ngày càng tăng. Năm 2006, giá thức ăn nuôi lợn chỉ mới 3.700 đồng/kg, đến năm 2010 giá đội lên 6.924 đồng/kg và đến tháng 6/2011 đã là 8.307 đồng/kg.
Thức ăn chăn nuôi phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu. Năm 2006, VN chỉ mới nhập khẩu 3,22 triệu tấn thức ăn chăn nuôi thì năm 2010 đã tăng hơn gấp đôi và con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Theo đại diện của Hiệp hội Chăn nuôi VN, giá thịt heo hiện đang tăng cao gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đồng thời đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng là do chúng ta không giải quyết vấn đề từ gốc. Khi thịt heo ở mức giá 27 - 28.000 đồng/kg thì không có cơ quan nào hỗ trợ người chăn nuôi, dẫn đến tình trạng treo chuồng, gây mất cân đối cung cầu. Mặt khác, việc hỗ trợ bình ổn giá của nhà nước đối với Cty chế biến thực phẩm cũng bất hợp lý bởi vì các nguyên liệu đầu vào không được bình ổn mà lại bình ổn giá đầu ra. Điển hình như giá thịt heo đang cao nhưng giá thịt gà lại đang ở mức dưới giá thành sản xuất (giá thành gà tam hoàng hiện 37.000 đồng/kg, giá bán trên thị trường 34.000 đồng/kg).
Nhiều người không khỏi băn khoăn sau giai đoạn thiếu thịt lợn liệu có đến thịt gà? Việc mất cân đối cung cầu thực phẩm trên thị trường cũng chưa biết ai sẽ lo (Bộ NN&PTNT hay Bộ Công thương…?). Các chuyên gia cho rằng, chăn nuôi trong nước bấp bênh bởi ngành nông nghiệp chưa chủ động được khâu sản xuất, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi. Để bình ổn được thị trường nội địa và cân đối cung cầu, chúng ta nên có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho người chăn nuôi phát triển ngành, thay vì hỗ trợ việc bình ổn cho Cty thực phẩm.
Các chuyên gia cho rằng, VN có thừa điều kiện để phát triển ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, phải có một cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm về vấn đề này. Cơ quan này phải có những nghiên cứu dự báo thị trường và kịp thời đưa ra giải pháp thích hợp. Nếu để một quốc gia như VN thiếu thực phẩm thì thật đáng tiếc.