Kiên quyết chặn đầu tư chui, đầu tư núp bóng
Quyết tâm chặn tình trạng đầu tư “vốn mỏng”, đầu tư chui, đầu tư núp bóng lại một lần nữa được Chính phủ nhấn mạnh.
Tuần trước, khi ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng các quy định để khắc phục tình trạng đầu tư “vốn mỏng”, đầu tư chui, đầu tư núp bóng.
“Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư chui, đầu tư núp bóng ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng”, Bộ Chính trị đã nhận định như vậy khi ban hành Nghị quyết 50/NQ-TW. Đây chính là một trong những lý do quan trọng khiến Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh việc phải chặn đầu tư chui, đầu tư núp bóng.
Tuy nhiên, chặn thế nào không phải là chuyện đơn giản, thậm chí phát hiện các thủ đoạn tinh vi này cũng không hề dễ. Cho đến nay, không nhiều thông tin liên quan đến việc các cơ quan chức năng phát hiện ra các hành động đầu tư chui, đầu tư núp bóng.
Mới nhất, cuối năm 2019, Công an Hà Nội báo cáo, đã phát hiện một vụ đầu tư “chui” để chuyển Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố truy tố theo quy định của pháp luật. Cũng qua các công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động này, Công an TP. Hà Nội đã phát hiện 5 thủ đoạn đầu tư “núp bóng” của người nước ngoài trên địa bàn Hà Nội.
Một trong những thủ đoạn đó là đầu tư vốn cho người Việt Nam đứng tên thành lập doanh nghiệp để tổ chức kinh doanh hoặc đầu tư dự án, mua bất động sản nhằm tránh bị kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng; hay lợi dụng các kẽ hở quy định về giám sát nguồn vốn và mục đích đầu tư trong Luật Đầu tư để mua lại vốn sở hữu của doanh nghiệp Việt Nam được thành lập trước đó để đầu tư “núp bóng”…
Bắt đầu “dựng” barie
Trên thực tế, việc chặn đầu tư chui, đầu tư núp bóng đã nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Theo Bộ trưởng, tới đây, theo chiến lược mới về thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc, kiên quyết từ chối các dự án có dấu hiệu núp bóng đầu tư để lẩn tránh xuất xứ, gian lận thương mại, đồng thời kiểm soát, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khâu đầu tư…
Để chặn các hành vi đầu tư “xấu xí” này, hàng loạt barie đã bắt đầu được dựng lên, ngay cả trước khi Thủ tướng Chính phủ chính thức giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các barie này được dựng lên thông qua hàng loạt quy định mới được bổ sung tại Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi.
Cụ thể, Dự thảo Luật đã bổ sung tới 6 quy định để chặn các dự án đầu tư có nguy cơ gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường, cũng như các dự án đầu tư chui, đầu tư núp bóng…
Trong đó, để chặn đầu tư chui, đầu tư núp bóng, Dự thảo Luật bổ sung chế tài xử lý (chấm dứt hoạt động đầu tư) trong trường hợp phát hiện hoạt động đầu tư được thực hiện trên cơ sở giao dịch giả tạo. Để mạnh tay xử lý, Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư cũng sẽ bổ sung hành vi này để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý hoạt động đầu tư núp bóng, đầu tư chui.
Nhằm chặn hoạt động chuyển giá từ khâu đầu tư, Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi đã bổ sung các quy định về việc yêu cầu giám định độc lập giá trị vốn đầu tư, chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong trường hợp cần thiết để xác định căn cứ tính thuế nhằm góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế.
Để chặn tình trạng vốn mỏng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải thực hiện chuyển vốn thông qua tài khoản vốn mở tại Việt Nam. Nội dung này được quy định tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để xử lý toàn diện tình trạng đầu tư núp bóng, chuyển giá, trốn thuế, xâm hại môi trường..., không thể chỉ xem xét hoàn thiện quy định của Luật Đầu tư, mà cần phải sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan (như các luật thuế, đất đai, lao động, xuất nhập cảnh, chuyển giao công nghệ, môi trường…). Việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật này sẽ được Chính phủ chỉ đạo triển khai trong thời gian tới.
“Nghi án” trong xuất khẩu đồ gỗ
Liên quan đến chuyện đầu tư “núp bóng”, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) từng lên tiếng về việc năm 2019, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đồ gỗ và kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ tăng lên nhanh chóng. Năm 2018, con số là 8,91 tỷ USD, nhưng năm 2019, đã tăng lên tới 10,65 tỷ USD. Trong đó, chỉ riêng xuất khẩu sang thị trường Mỹ là 5,33 tỷ USD, tăng tới 36,9% so với năm 2018. “Nghi án” doanh nghiệp nước ngoài đầu tư để lẩn tránh xuất xứ hàng hóa vì thế đã được nhắc tới.