Náo loạn cảnh mua - bán vàng sáng nay tại Bảo Tín Minh Châu

Náo loạn cảnh mua - bán vàng sáng nay tại Bảo Tín Minh Châu

Đua theo giá vàng, coi chừng thiệt thân!

Trước tình trạng người dân "sôi sục" mua vàng giá cao trong nhiều ngày nay, nhiều chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư và người dân không nên đua mua vào lúc này, khi giá trong nước đang cao hơn thế giới rất nhiều. Bài học giá vàng tháng 11/2009 vẫn còn đủ sức cảnh tỉnh với nhiều người.

 

Náo loạn cãi nhau khi mua - bán vàng

 

Do giá biến động quá mạnh theo từng phút khiến các đơn vị kinh doanh vàng không kịp cập nhật. Mỗi tiệm một giá và chênh lệch mua bán có thời điểm được đẩy lên đến gần 1 triệu đồng mỗi lượng.

 

Lúc 9h55 ngày 8/8, giá vàng rồng Thăng Long và vàng miếng SJC tại Bảo Tín Minh Châu được niêm yết mua - bán ở mức tương ứng 43,3 - 44 triệu đồng một lượng, khoảng hơn 10 phút sau, giá kim loại quý tại đây đã hạ xuống còn 43,2 - 43,8 triệu đồng. Diễn biến tại cửa hàng Phú Quý, PNJ Phú Nhuận Hà Nội cũng tương tự, với các bước giá tăng/giảm từ 100.000 - 300.000 đồng mỗi lần thay đổi giá.

 

Vì giá cả thay đổi chóng mặt, nên cảnh mua bán tại các doanh nghiệp vàng sáng nay cũng náo loạn. Tại Bảo Tín Minh Châu, một số nhân viên bán hàng vừa ghi hóa đơn cho khách, vừa liên tục than không biết ghi giá nào. Có trường hợp khách hàng vừa nhìn thấy giá bán ra niêm yết trên bảng điện tử của cửa hàng là 43,6 triệu đồng, liền hỏi nhân viên mua vào. Đến khi tính tiền và ghi hóa đơn, giá vàng bán ra tại đây đã nhảy lên 43,8 triệu đồng và nhân viên tính theo giá mới, nên đã xảy ra bất đồng. Còn có khách hàng khi hỏi mua giá đang ở 43,8 triệu đồng, nhưng vì nhân viên bán hàng bận ghi hóa đơn cho những khách khác, khi đến lượt họ thì giá đã nhảy lên 44 triệu đồng, đành "cắn răng" chịu thiệt.

 

Dù giá vàng lên cao chưa từng có, vượt cả kỳ vọng của nhiều người, nhưng người dân và nhà đầu tư vẫn đua nhau đi mua vào, chứ không mấy bán ra. Anh Trần Nhật Nam , phụ trách kinh doanh Bảo Tín Minh Châu cho hay, có đến 95% lượng vàng giao dịch trong sáng nay là khách mua vào, còn lại chỉ 5% là khách bán ra. Những người bán ra chỉ 1 vài chỉ, do cần tiền mới bán. "Người dân và nhà đầu tư chủ yếu mua vào là do họ kỳ vọng giá vàng còn lên nữa. Thực tế họ kỳ vọng giá trong nước có thể lên tới mức 45 triệu đồng từ thời điểm vàng mới chạm 40 triệu đồng, thế nhưng không mấy người mạnh dạn gom vàng từ lúc ấy. Đến bây giờ vàng cao kỷ lục, họ lại đổ xô mua đẩy giá lên cao hơn", anh Nam nói.

 

Còn đại diện PNJ Phú Nhuận tại Hà Nội thì cho biết, thực tế khách hàng đã đua nhau đi mua vàng từ hai hôm cuối tuần qua, khi giá vàng gần chạm 42 triệu đồng. Hiện cửa hàng có tới 90% là khách mua vào, chỉ 10% khách bán ra.

 

Đến khoảng 11h30, mặc dù trời mưa to, các doanh nghiệp vàng vẫn tấp nập người đội mưa tới giao dịch. Vì nhu cầu người mua vào quá cao, nên một số doanh nghiệp vàng lớn có đông khách đến giao dịch đã xảy ra tình trạng nợ vàng của khách, như Bảo Tín Minh Châu. Doanh nghiệp này phải đưa giấy hẹn cho khách vào buổi chiều hoặc sáng mai tới lấy vàng.

 

“Đề phòng rủi ro, đừng mua vào”

 

Giải thích về việc chênh lệch giá mua bán vàng được đẩy lên quá cao và tùy hứng của các doanh nghiệp, đại diện PNJ Phú Nhuận cho biết, giá được đẩy lên chủ yếu là giá bán ra, do nhu cầu mua vào của khách hàng quá lớn. "Đây là tất yếu của quy luật cung cầu. Giá vàng biến động mạnh buộc doanh nghiệp phải đẩy chênh lệch cao để hạn chế rủi ro", vị này nói.

 

Tuy nhiên, hầu hết khách hàng đều nhận ra rằng, các tiệm vàng cố tình đẩy giá bán ra cao lên, còn giá mua vào thấp để hưởng chênh lệch khi người mua vàng ngày càng đông. "Tính ra cứ mỗi lượng họ mua vào thì bán ra lời được từ 500.000 tới hơn 1 triệu đồng trong tích tắc. Có kênh làm ăn nào "ngon ăn" như vậy không?", anh Nguyễn Lê Trung, ngụ ở Đình Thôn, Mỹ Đình, một khách mua vàng tại cửa hàng Phú Quý (Hà Nội) thốt lên.

 

Nếu theo dõi có thể thấy, biến động của giá vàng hiện nay, cũng như cung cầu thị trường, gần giống với thời điểm giá vàng lên cơn sốt hồi tháng 11/2009 khi chạm đỉnh 29,3 triệu đồng. Thời điểm đó, vàng càng lên thì người dân càng đổ xô mua, trời mưa cũng đội mưa xếp hàng chờ mua bán. Đến lúc vàng lên hơn 29 triệu đồng thì tại các doanh nghiệp vàng, lượng vàng khách mua vào vẫn chiếm hơn 90%. Khi vàng chạm đỉnh 29,3 triệu đồng, bất ngờ Ngân hàng Nhà nước ra quyết định cho phép nhập khẩu vàng, giá kim loại quý trong nước nhanh chóng lao dốc, sụt hơn 1 triệu đồng mỗi lượng chỉ trong buổi trưa. Thời điểm đó, nhiều người chỉ trong phút chốc thiệt hại tiền tỷ vì vay tiền mua giá đỉnh, phải bán ra giá thấp. Nguyên nhân chính của việc giá vàng trong nước sụt mạnh khi Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng là do chênh lệch giữa giá vàng nội và ngoại lúc đó lên tới 2 - 3 triệu đồng một lượng. Giá trong nước bị đẩy lên quá xa so với giá thế giới, do người dân đua nhau mua vào.

 

Hiện giá vàng trong nước cũng đang cao hơn giá thế giới tới 1,2 triệu đồng mỗi lượng. Theo các chuyên gia thì khi giá trong nước cao hơn thế giới quá nhiều, người dân nên bán ra, hoặc cũng nên đề phòng rủi ro chứ đừng đua nhau mua vào.

 

Theo ông Lưu Quang Điền, Giám đốc CTCP Vàng bạc đá quý SJC Hà Nội, hồi tháng 6 và 7 vừa qua, khi giá vàng trong nước thấp hơn thế giới khoảng 400.000 - 600.000 đồng một lượng, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc xuất khẩu vàng, khiến lượng kim loại quý trong nước hiện vơi đi đáng kể. Trong khi nguồn cung chưa được bổ sung mà nhu cầu mua lại bất ngờ tăng mạnh, thì giá vàng trong nước bị đẩy lên cao hơn giá thế giới là lẽ đương nhiên. "Thực ra chúng tôi muốn mua vào vàng nhưng dân không muốn bán mà chỉ mua thêm. Để giá vàng hạ nhiệt thì tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước nên cấp quota cho nhập khẩu vàng trở lại", ông Điền nói và đưa ra lời khuyên: "Người dân có sẵn tiền thì hãy mua vàng, song nên mua vào lúc giá chưa lên đỉnh, chứ đừng mua bằng bất cứ giá nào. Còn đừng nên vay nóng để mua vàng lúc này".

 

Bảo Tín Minh Châu cũng gửi thông điệp tới báo chí rằng Chính phủ nên cho phép nhập khẩu vàng thời điểm này để tránh tình trạng bong bóng giá vàng trong nước.

 

Dù có ý khuyên nhà đầu tư không nên đua nhau mua vào thời điểm này vì tiềm ẩn nhiều rủi ro, song lãnh đạo nhiều doanh nghiệp vàng vẫn nhận định rằng, sắp tới giá vàng còn lên nữa, có thể sau một đợt điều chỉnh nhẹ.

 

Theo ông Lưu Quang Điền, giá thế giới sẽ sớm vượt xa ngưỡng 1.700 USD một ounce, do kinh tế châu Âu đang ở tình trạng rất xấu, vấn đề nợ công chưa  có biện pháp giải quyết tích cực và những thông tin không tốt về nền kinh tế của Mỹ. Giá trong nước cũng khó mà bị kiềm vì nguồn cung hạn chế, mà nhu cầu người dân lại theo tâm lý bày đàn, cứ giá tăng thì đua nhau mua.