Chuyến thăm còn nhằm tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước, trong đó có Trung Quốc - một đối tác chiến lược quan trọng.
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Tình cảm hữu nghị giữa hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng nhiều thế hệ lãnh đạo tiền bối của hai Đảng, hai nước dày công vun đắp, đã trở thành tài sản quý báu của hai dân tộc.
Quan hệ giữa hai nước tuy có trải qua thăng trầm, nhưng hợp tác hữu nghị là dòng chảy chính.
Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc phát triển nhanh trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khi hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2008. Việt Nam và Trung Quốc đã xây dựng nhiều cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước và giữa các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, địa phương.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Trung Quốc, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, đồng thời luôn mong muốn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững.
Những thành tựu rất quan trọng về chính trị - ngoại giao trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là khởi đầu tốt và tiền đề có tính nền tảng cho sự phát triển của quan hệ kinh tế - thương mại. Với hơn 50 hiệp định hợp tác về kinh tế hoặc có liên quan đến kinh tế và khá nhiều thỏa thuận cấp nhà nước, quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc không chỉ khởi sắc, mà còn phát triển mạnh mẽ.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong quan hệ thương mại - đầu tư là từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Riêng năm 2015, kim ngạch song phương đạt hơn 66,6 tỷ USD và tiếp tục gia tăng trên nhiều lĩnh vực trong năm 2016.
Đặc biệt, trong 12 năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Hai nước phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2017.
Quan hệ hợp tác đầu tư có bước phát triển mới. Tính đến năm 2016, Trung Quốc có trên 1.300 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 10,4 tỷ USD, đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong 17 ngành Trung Quốc có đầu tư ở Việt Nam hiện nay, công nghiệp chế biến, chế tạo đứng vị trí hàng đầu.
Song song với những phát triển vượt bậc trong quan hệ kinh tế, các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, du lịch... diễn ra khá sôi động, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ chính trị, kinh tế, ngoại giao, là cầu nối cho các mối quan hệ khác không ngừng nâng cao cả về chất và lượng.
Dù còn một số vấn đề cần tháo gỡ, song Việt Nam và Trung Quốc luôn sẵn sàng gạt bỏ mọi bất đồng để thúc đẩy quan hệ Việt - Trung phát triển ổn định, lành mạnh. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rõ, Việt Nam mong muốn đưa quan hệ với Trung Quốc thực sự đi vào chiều sâu, hiệu quả, ổn định, đảm bảo không chỉ lợi ích của hai nước, mà còn đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.