Đưa chi phí logistics giảm xuống mốc 16% GDP

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đặt mục tiêu đưa chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP thay cho mức trên 20% như hiện tại, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6% vào năm 2025.
Ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang đứng trước bài toán cắt giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang đứng trước bài toán cắt giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Quy mô thị trường logistics toàn cầu năm 2021 ước đạt 3.215 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2020, cho thấy ngành logistics vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn, kể cả trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo “Phát triển thị trường dịch vụ logistics cho doanh nghiệp” do Bộ Công Thương cùng Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức ngày 20/4/2021.

Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam còn cao, chiếm khoảng hơn 20% GDP. Trong khi đó, mức chi phí logistics trung bình trên thế giới, chỉ khoảng 11% GDP.

"Trong số hơn 4.000 doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam, có tới 95% là doanh nghiệp trong nước, nhưng hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế. Các doanh nghiệp chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu", đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho hay.

Quy mô doanh nghiệp nhỏ bé, vốn lẫn nhân lực đều mỏng là rào cản của các DN nội khi cung cấp chuỗi dịch vụ logistics hiệu quả, cạnh trạnh ngay cả trên thị trường nội địa, chứ chưa nói trên khu vực và thế giới. Đặc biệt, trong mảng logistics hàng không, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đều phải chọn dịch vụ của các hãng vận chuyển quốc tế.

Ông Nguyễn Quốc Phương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thông tin, trong cơ cấu tổng sản lượng vận chuyển hàng hóa, hàng hóa quốc tế chiếm đến 80%, nhưng thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không trong nước chỉ chiếm 12%, 88% còn lại nằm trong tay 75 hãng hàng không nước ngoài có đường bay đến Việt Nam.

Các sản phẩm chủ yếu sử dụng phương thức vận chuyển hàng không là điện thoại, máy tính bảng, hàng điện tử, mỹ phẩm, hàng dệt may và một số sản phẩm nông nghiệp như thủy sản, hoa, quả. Hàng không chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển của Việt Nam, nhưng chiếm đến 25% tổng giá trị xuất khẩu của đất nước.

"Ngành vận tải hàng không vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trong khu vực về năng lực trung chuyển như các cảng hàng không Suvarnabhumi (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Changi (Singapore), Chek Lap Kok (Hong Kong, Trung Quốc)", ông Phương đánh giá.

Công ty CP Vận tải Xăng dầu VIPCO khẳng định, muốn nâng cao sức cạnh tranh phải giảm các chi phí cảng biển, neo đậu.... Bởi, các khoản chi phí khai thác như giá nhiên liệu đang ở mức tăng; chi phí dịch vụ cảng biển, phí cầu bến ở mức cao và có xu hướng tăng nên ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả khai thác. Khai thác tuyến chuyến tỷ lệ chi phí nhiên liệu + cảng phí luôn chiếm khoảng 55-60% doanh thu của chuyến hàng.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: "Dịch vụ logistics là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn, các DN cần đẩy mạnh liên kết, hình thành mạng lưới các doanh nghiệp lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường. Tìm kiếm, chia sẻ đơn hàng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam".

Quy mô xuất nhập khẩu của nền kinh tế Việt Nam đã vượt mốc 500 tỷ USD vào cuối năm 2019 và đạt 545 tỷ USD vào cuối năm 2020, Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp của nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn (điện tử, dệt may, giày dép...), do đó, liên kết phát triển dịch vụ logistics thành một ngành đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng được dư địa tăng trưởng của ngành dịch vụ này.

Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 về việc phê duyệt kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”.

Tin bài liên quan