Can thiệp thị trường sẽ phải thận trọng hơn
Bộ Tài chính Mỹ vừa đưa ra báo cáo rà soát tháng 1/2020 về các đối tác thương mại lớn. Theo đó, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các quốc gia bị Mỹ theo dõi về thao túng tiền tệ.
Trong 3 tiêu chí mà Mỹ xem xét, gồm thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, Việt Nam chỉ “phạm” tiêu chí thứ nhất (thặng dư đạt 47 tỷ USD trong 4 quý (tính đến tháng 6/2019).
Phía Mỹ thừa nhận, số dư tài khoản vãng lai của Việt Nam đã được thu hẹp, chỉ còn 1,7% GDP và sự can thiệp trên thị trường ngoại hối là hai chiều.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn cần thận trọng. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bản Việt (BVSC), kể từ tháng 6/2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua được một lượng lớn ngoại tệ (ước tính hơn 10 tỷ USD) và đã vượt mốc 2% GDP. Do đó, thời gian tới, nguy cơ Việt Nam bị chính quyền Trump “để mắt” tới vẫn chưa thể được loại bỏ hoàn toàn.
Trong báo cáo nói trên, Bộ Tài chính Mỹ khuyến cáo, Việt Nam nên giảm bớt sự can thiệp và cho phép điều chỉnh tỷ giá theo nguyên tắc kinh tế căn bản.
TS. Nguyễn Đức Độ, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Mỹ tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ khiến Ngân hàng Nhà nước phải thận trọng hơn trong việc mua vào ngoại tệ năm 2020, dù việc mua vào, bán ra ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước đều chỉ nhằm mục tiêu ổn định thị trường trong nước, chứ không phải nhằm tạo cạnh tranh không công bằng với các đối tác thương mại.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Minh Hưng đã nhiều lần khẳng định, Ngân hàng Nhà nước không bao giờ dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Việt Nam không thao túng tiền tệ.
Trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước cũng rất tích cực phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao để làm việc với các đối tác, khẳng định Việt Nam điều hành tiền tệ và tỷ giá theo diễn biến thị trường. Năm 2020, công tác này tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên hàng đầu.
Hiện tại, Việt Nam đang có lượng dự trữ ngoại hối cao kỷ lục (đến cuối năm 2019 là gần 80 tỷ USD).
Tỷ giá năm 2020 sẽ ít phải can thiệp?
Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho hay, dù đang ở mùa thanh toán cuối năm, song thanh khoản hệ thống rất dồi dào. Trên thị trường, tỷ giá cũng khá bình lặng, khác hẳn tình trạng “căng thanh khoản” thường diễn ra vào dịp Tết như những năm trước.
Dù việc mua vào ngoại tệ thời gian tới sẽ phải tính toán thận trọng hơn, song giới chuyên gia cho rằng, tỷ giá năm nay có thể sẽ tiếp tục ổn định do có nhiều yếu tố hỗ trợ, đồng thời tỷ giá không gặp nhiều áp lực như những năm trước. Việc thương chiến Mỹ - Trung có dấu hiệu hạ nhiệt, Mỹ đưa Trung Quốc ra khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ... có thể sẽ khiến đồng nhân dân tệ tăng giá, giúp tỷ giá trong nước dễ thở hơn.
Ngoài ra, dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII)... đều tăng trưởng tốt, tạo niềm tin cho thị trường. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, năm 2020, dù Ngân hàng Nhà nước có ít can thiệp thị trường ngoại hối hơn, thì nhiều khả năng, tỷ giá sẽ vẫn giữ ổn định.
Tất nhiên, những yếu tố như kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng Mỹ - Iran, Brexit... chưa được giải quyết dứt điểm; 2020 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ… vẫn là những ẩn số cần dè chừng với tỷ giá.
Giữ ổn định thị trường ngoại hối là yếu tố quan trọng nhất để ổn định vĩ mô, đảm bảo niềm tin vào tiền đồng, nên Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ không “buông” kiểm soát với thị trường này. Bằng kinh nghiệm điều hành nhịp nhàng mấy năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ mua vào, bán ra với liều lượng phù hợp, để vừa ổn định thị trường, vừa tiếp tục đàm phán với phía Mỹ.
Trong bối cảnh tác động như hiện nay, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho rằng, năm nay, tỷ giá sẽ chỉ biến động 1 - 2%.